Viber bán mình, Flappy Bird chết tức tưởi và các Don Quixote tại VN

17/02/2014 13:37
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam
(GDVN) - Tuần qua, giới công nghệ thế giới xôn xao khi Viber bán mình cho Rakuten với giá 900 triệu USD và Flappy Bird chết tức tưởi... sau thời gian ngắn nổi tiếng.

Một thực tế rất đơn giản các công ty nổi tiếng trên thế giới không tự nhiên sinh ra mà đều bắt nguồn từ những công ty rất nhỏ bé với một hoặc hai người sáng lập. Microsoft, Apple, Google, Facebook và gần đây Viber. Tất cả những người khổng lồ đều chập chững vào đời với những bước đi nhỏ bé.

Sự kiện Flappy Bird chết có ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam. Các bạn trẻ có những ước mơ tương tự tác giả Flappy Bird sẽ cảm thấy bị đe dọa, bị áp lực, bị soi mói, bị khủng bố trong khi theo đuổi những giấc mơ trong sáng và đam mê trong lĩnh vực công nghệ. Nếu như vậy thì làm sao chúng ta có thể hy vọng 5-10 năm nữa sẽ có những Viber, Flappy Bird Company trên bản đồ thế giới phẳng thế giới. Những người khổng lồ tiềm năng đã bị thui chột từ trong trứng nước.

Phải chăng môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam khó khăn gấp bội so với những quốc gia khác? Phải chăng những người khởi nghiệp ở Việt Nam đang phải là những Don Quixote mới có thể tiếp tục tiến bước?

Bên cạnh những khó khăn như làm thế nào để có vốn, làm thế nào có các sản phẩm tốt, làm thế nào vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả… là những khó khăn bên ngoài bản thân các nhà khởi nghiệp – hay những người tiên phong như Flappy Bird không thể vượt qua nổi.

Giới công nghệ thế giới xôn xao khi Viber bán mình cho Rakuten với giá 900 triệu USD và Flappy Bird chết tức tưởi... sau thời gian ngắn nổi tiếng.
Giới công nghệ thế giới xôn xao khi Viber bán mình cho Rakuten với giá 900 triệu USD và Flappy Bird chết tức tưởi... sau thời gian ngắn nổi tiếng.

Rào cản thứ nhất chính là khách hàng. Các công ty khởi nghiệp non trẻ Việt Nam luôn luôn phải đứng trước những rào cản hoài nghi của khách hàng khi họ là những công ty 5-6 tháng tuổi trên thị trường.

Microsoft thành công chính là nhờ bán phần mềm Ms-Dos cho IBM khi Bill Gates còn vô danh trên thị trường. Phép màu đấy có thể xảy ra ở Việt Nam hay không – tôi nghĩ là rất khó và hiếm. Nếu IBM tư duy và hành xử như các doanh nghiệp Việt Nam, Microsoft sẽ chết ngay từ trong trứng nước vào năm 1976 thay vì trở thành công ty công nghệ hàng đầu tại đây.

Khách hàng doanh nghiệp đã thế, thế còn khách hàng cá nhân thì sao? Các rào cản từ khách hàng cá nhân còn nhiều và khắc nghiệt hơn gấp bội. Khi gặp những sản phẩm và dịch vụ mới, chúng ta thường hay phê phán ngay lập tức thay vì cổ động cho người khởi nghiệp.

Flappy Bird không hề gây ra một tổn thất nào về tinh thần cũng như vật chất cho hàng chục ngàn anh hùng bàn phím, tuy nhiên họ ném đá không thương tiếc như thể Flappy Bird đang gây hại trực tiếp cho họ. Không có những ủng hộ tinh thần tối thiểu, việc mua sử dụng các sản phẩm và dịch vụ non trẻ càng xa vời từ bạn bè cộng đồng càng xa vời với các chú chim khởi nghiệp Việt Nam.

Rào cản thứ hai đó chính là tâm lý của gia đình và xã hội về khởi nghiệp. Trong con mắt bạn bè, người thân và gia đình, các cá nhân khởi nghiệp là những người không bình thường khi từ bỏ kiếp làm thuê với mức lương chục hay hàng chục triệu để đắm mình vào các công việc “vô bổ” hàng ngày. Áp lực tâm lý này tuy nhỏ, vô hình nhưng lại gây tác hại rất lớn vì tính liên tục của nó.

Các cá nhân khởi nghiệp bên cạnh những khó khăn về tìm vốn, hoạt động hàng ngày, nhân sự v/v lại luôn cảm thấy cô đơn ngay chính giữa bạn bè, người thân và cộng đồng của họ. Những cá nhân khởi nghiệp lúc đó chỉ có thể cắn răng và tập trung thêm nghị lực hy vọng một ngày nào đó kết quả sẽ mang lại và chứng minh cho mọi người thân hay cộng đồng những việc mình làm là đúng và hiệu quả.

Tuy nhiên có lẽ rất nhiều tỷ lệ các cá nhân khởi nghiệp không vượt qua được các rào cản vô hình nhưng vô cùng khắc nghiệt này của xã hội. Có thể nói, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thành công chắc chắn ở sau thành công đó là sự ủng hộ tuyệt đối và niềm tin chia sẻ của gia đình và người thân. Thiếu điều đó, chắc chắn tỷ lệ thất bại khởi nghiệp sẽ rất cao trên thực tế.

Rào cản cuối cùng to lớn nhất chính là thái độ về “thất bại”. Một cá nhân trong xã hội chỉ có hai con đường thành công đi làm thuê và khởi nghiệp cho riêng mình  Tuy nhiên những cá nhân thất bại trong khởi nghiệp sẽ tạo ra một “vết đen” rất khó giải thích trong CV khi ứng tuyển đi làm lại. Các chuyên viên và giám đốc nhân sự sẽ luôn đánh giá tính không gắn bó và khả năng nghỉ việc của các nhà khởi nghiệp này rất cao.

Đối diện với thực tế đáng lo ngại như vậy, cá nhân khởi nghiệp rất đắn đo khi bước chân ra khởi nghiệp có nghĩa là mua vé một chiều cho sự nghiệp  và tương lai của gia đình và bản thân mình.

Khởi nghiệp đã bao hàm thất bại ở bên trong đó. Đứa trẻ bước chân vào đời chắc chắn sẽ phải vấp ngã rất nhiều lần. Ngược lại đứa trẻ khởi nghiệp sẽ chẳng bao giờ bước đi lần nữa sau khi đón nhận hàng loạt những chỉ trích, phê phán, lên án từ những người thân và bạn bè.

Nếu như tất cả 84 triệu dân Việt Nam của chúng ta chỉ đi làm thuê, nếu như tất cả các công ty tại Việt Nam đều do nước ngoài làm chủ thì sẽ như thế nào. Có một câu nói rất hay tôi tâm đắc “Người ta cao chỉ vì chúng ta đang quỳ". Với tâm thế ước muốn đi làm thuê đang là chủ đạo trong xã hội, biết bao giờ dân tộc Việt Nam mới có đội ngũ doanh nghiệp hùng mạnh trên bản đồ kinh tế thế giới. Một cái vấp ngã và thất bại là trả giá nhưng nó cũng đồng nghĩa là một bước gần hơn với thắng lợi.

Các khó khăn nội tại như công nghệ, dịch vụ, tiền đầu tư và vận hoành doanh nghiệp tuy có khó nhưng cộng đồng khởi nghiệp vẫn có thể vượt qua ngoạn mục. Tuy nhiên với ba rào cản vô hình nói trên, các Don Quixote sẽ rất khó khăn để chiến thắng vì nó nằm ngoài ý chí. Trong khi họ chỉ ước mong xã hội, gia đình và cộng đồng Việt Nam hãy bớt hà khắc, chỉ trích trên con đường thực hiện ước mơ có một tập thể doanh nghiệp Việt Nam hùng mạnh.

Những cá nhân non trẻ trong các công ty nhỏ bé ngày hôm nay có thể 5-10 năm nữa là những Viber, Flappy Bird, Facebook trên bản đồ thế giới. 

Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam