VietJet thành lập công ty con VietjetAir Cargo

17/11/2014 06:58
Mai Anh
(GDVN) - VietjetAir Cargo sẽ hoạt động khai thác thương mại hàng hóa (cargo) trên toàn mạng lưới đường bay của Vietjet bao gồm tất cả các tuyến nội địa và quốc tế.

Ngày 16/1, Công ty cổ phần VietjetAir Cargo - một công ty con của hãng hàng không Vietjet đã chính thức đi vào hoạt động. Lĩnh vực kinh doanh của VietjetAir Cargo là hoạt động khai thác thương mại hàng hóa (cargo) trên toàn mạng lưới đường bay của Vietjet bao gồm tất cả các tuyến nội địa và quốc tế.

Vietjet sau ba năm đi vào hoạt động đang rất thành công trong hoạt động vận chuyển hành khách với số lượng máy bay tăng gần gấp đôi so với năm 2013, đạt mục tiêu 6 triệu lượt hành khách trong năm 2014. Đó là một sự tăng trưởng hết sức ngoạn mục trong một thị trường hàng không đầy tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức như hiện nay.

Ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam (bên phải) trao giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác thương mại hàng hóa trên toàn mạng lưới đường bay của Vietjet cho ông Đỗ Xuân Quang, Tổng Giám đốc VietjetAir Cargo.
Ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam (bên phải) trao giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác thương mại hàng hóa trên  toàn mạng lưới đường bay của Vietjet cho ông  Đỗ Xuân Quang, Tổng Giám đốc VietjetAir Cargo.

Cùng với đà tăng trưởng của hành khách, Vietjet đang mở rộng dịch vụ khai thác thương mại hàng hóa trên các chuyến bay hành khách với mạng lưới trên 28 đường bay và dự kiến mở rộng mạng đường bay lên đến 39 đường bay vào năm 2015. Với đội bay thuê còn rất mới và được đặt mua mới, đội máy bay của Vietjet sẽ lên đến 30 chiếc Airbus 320 vào cuối năm 2015 để bảo đảm việc cung cấp tải hàng hóa cho nhu cầu thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không nội địa và quốc tế.

Với sự ra đời của VietjetAir Cargo, hãng hàng không Vietjet đang tạo ra một mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá, trong đó kinh doanh khai thác thương mại hàng hóa (air cargo) trở thành một mảng kinh doanh độc lập, một đơn vị kinh doanh chiến lược với một kế hoạch mang nhiều tham vọng trở thành mô hình kinh doanh khai thác hàng hóa đầu tiên trong kinh doanh hàng không tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Bên cạnh chức năng chính là khai thác tải cung ứng (load) trên các máy bay hành khách trên toàn mạng lưới đường bay nội địa và quốc tế, VietjetAir Cargo còn có nhiệm vụ xây dựng đội máy bay vận chuyển hàng hóa (freighter fleet) và cung cấp các dịch vụ thuê chuyến vận tải hàng hóa (air charter service) cho thị trường trong nuớc và quốc tế. VietjetAir Cargo cũng sẽ hợp tác và liên kết với các hãng hàng không quốc tế (Interlines) nhằm phát triển và mở rộng mạng lưới vận chuyển của mình.

Theo ông Đỗ Xuân Quang, Tổng giám đốc VietjetAir Cargo, thị trường khai thác hàng hóa hàng không của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác và hiện nay Việt Nam đang để thị trường béo bở này cho các hãng hàng không ngoại quốc khai thác vì chưa có một đội máy bay chuyên vận chuyển hàng hóa (freighter) của Việt Nam.

Cắt băng khai trương VietjetAir Cargo
Cắt băng khai trương VietjetAir Cargo

Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không Việt Nam khai thác một sản lượng 680 ngàn tấn (2013) rất khiêm tốn so với ngành vận tải hàng hải với 300 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm, nhưng vận tải hàng không chiếm tới 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, một con số rất đáng ngạc nhiên bởi vì hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không là những mặt hàng có giá trị cao như hàng điện tử, điện thoại di động và linh kiện… hàng nhạy cảm với thời gian như may mặc, thời trang, thủy hải sản tươi sống, đông lạnh, hàng ngoại giao… 

Chỉ tính riêng thị trường Hà Nội hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại di động của Samsung, đã chiếm trên 40% thị phần hàng hóa hàng không phía Bắc, ngoài ra còn có hàng của Nokia, Microsoft, Canon, Foxcon … đang tăng trưởng rất nhanh trung bình 10-15% hàng năm. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho ngành vận chuyển hàng hóa hàng không Việt Nam trong tương lai. Tổng quy mô thị trường của vận chuyển hàng hóa hàng không của Việt Nam sẽ vượt qua con số 1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2015.

Việc ra đời của VietjetAir Cargo vào thời điểm nhu cầu thị trường đang tăng cao là một cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức trong công việc tổ chức khai thác, quản trị hiệu quả một mô hình kinh doanh mới của một hãng hàng không trẻ trong một đất nước đang mở cửa và hội nhập như đất nước chúng ta.

Với một đội ngũ doanh nghiệp chuyên nghiệp, một chiến lược đầu tư mạnh mẽ khôn ngoan của lãnh đạo Vietjet, công ty Vietjet Air Cargo tự tin sẽ đạt được kết quả kinh doanh và kế hoạch phát triển đầy tham vọng của mình và trở thành nhà vận chuyển hàng hóa hàng không (Cargo airlines) hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Mai Anh