Vietnam Airlines chậm chuyến gấp đôi Vietjet Air

22/07/2016 11:41
Mai Anh
(GDVN) - Trong khi số chuyến bay bị chậm Vietjet Air giảm mạnh thì Vietnam Airlines tăng cao, có thời điểm số chuyến bay bị chậm Vietnam Airlines gấp đôi Vietjet.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về việc công bố thống kê tỷ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không nội địa, Cục Hàng không Việt Nam công khai tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến 4 hãng hàng không trong nước gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco theo từng tuần.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam trong khoảng hơn một tháng gần nhất, số chuyến bay bị chậm của Vietnam Airlines có chiều hướng tăng hoặc giữ ổn định qua từng tuần.

Số chuyến bay bị chậm giờ của Vietnam Airlines tăng mạnh có thời điểm gấp đôi Vietjet - ảnh: H.Lực
Số chuyến bay bị chậm giờ của Vietnam Airlines tăng mạnh có thời điểm gấp đôi Vietjet - ảnh: H.Lực

Cụ thể từ ngày 15/6/2016 đến 20/7/2016, số chuyến bay bị chậm giờ của Vietnam Airlines duy trì ở khoảng từ 520 – 575 chuyến/tuần. Tỷ lệ chậm chuyến duy trì và tăng ngưỡng từ 19% đến 20,9%.

Ở chiều ngược lại, số chuyến bay bị chậm của Vietjet Air giảm mạnh. Cùng khoảng thời gian trên, số chuyến bay Vietjet giảm từ mức cao nhất 405 chuyến xuống còn 219 chuyến. Tỷ lệ chậm chuyến theo đó cũng giảm từ 20,2% xuống còn 11,3%.

Đáng nói hơn trong khoảng thời gian trên, có tuần lễ số chuyến bay của Vietnam Airlines bị chậm chuyến cao gấp đôi Vietjet Air. Theo đó, tuần từ 29/6/2016 đến 6/7/2016, số chuyến bay bị chậm của Vietnam Airlines là 540 chuyến, gấp đôi số chuyến bay của Vietjet 219 chuyến.

Bên cạnh tỷ lệ chậm chuyến tăng, số chuyến bay bị hủy của của Vietnam Airlines trong khoảng hơn 1 tháng qua cũng tăng từ mức thấp nhất 4 chuyến đến mức cao nhất là 35 chuyến/tuần. Trong khi đó. số chuyến bay bị hủy của Vietjet Air rất thấp, có 2 tuần trong khoảng hơn 1 tháng qua Vietjet không có số chuyến bay nào bị hủy.

Nhìn vào thống kê khách quan của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong khi tỷ lệ chậm/ hủy chuyến của Vietjet đang cải thiện sau khi có những góp ý của hành khách thì Vietnam Airlines lại có chiều hướng tăng lên.

Còn nhớ thời điểm mới đi vào khai thác, tỷ lệ chậm, hủy chuyến Vietjet xảy ra nhiều và từng bị khách hàng phản ánh. Tuy nhiên qua thời gian hoạt động ổn định số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến của Hãng hàng không này giảm dần.

Cần nhấn mạnh trước đó khi so sánh số chuyến bay bị chậm, hủy của Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác trong đó có Vietjet từng có quan điểm cho rằng do Vietnam Airlines bay nhiều nên số chuyến bay bị chậm, hủy nhiều hơn là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, với thống kê tỷ lệ phần trăm số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến của Cục Hàng không Việt Nam thì thấy rõ những quan điểm trước đó chỉ nhằm bao biện cho Vietnam Airlines. Bởi để đưa ra tỷ lệ phần trăm chuyến bay bị chậm luôn dựa vào công thức: Số chuyến bay bị chậm chia cho Tổng số chuyến bay và nhân với 100.

Như vậy dù bay nhiều hay ít nhưng tỷ lệ chậm chuyến luôn phản ánh chất lượng phục vụ của hãng. Trong khi tỷ lệ chậm chuyến Vietnam Airlines duy trì mức 19 – hơn 20% thì Vietjet giảm từ hơn 20% xuống 11,3%.

Trước đó, trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016, theo thống kê của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong dịp cao điểm nhất của mùa bay Tết Bính Thân tại sân bay Tân Sơn Nhất, theo thống kê từ 7 giờ sáng đến gần 23 giờ ngày 3/2 (tức 25 tháng 12 âm lịch), Vietnam Airlines đã có 33 chuyến buộc phải hạ cánh muộn từ 15-50 phút và 44 chuyến cất cánh muộn từ 15 phút đến 1 giờ.

Mai Anh