Vietnam Airlines giải trình sự cố máy bay suýt đâm nhau trên không

16/08/2014 09:45
Hoàng Lực
(GDVN) - Vietnam Airlines cho biết, tổ lái chuyến bay VN1203 nhầm lẫn khi đặt độ cao vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa các tàu bay, uy hiếp cao an toàn bay.

Liên quan sự cố hi hữu khi máy bay của Vietnam Airlines (VNA) và Vietjet Air (VJA) suýt xảy ra va chạm trên không trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, Vietnam Airlines đã lên tiếng chính thức.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, ngày 7/8/2014 trong vùng thông báo bay thuộc trách nhiệm của Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC) Hồ Chí Minh, để tránh ảnh hưởng của vùng thời tiết xấu, trong khoảng thời gian từ 15h12 đến 15h15 (giờ địa phương), kiểm soát viên không lưu (KSVKL) đã yêu cầu máy bay mang số hiệu VJ 3258 của Vietjet Air đang trên hành trình từ Cần Thơ đi Đà Nẵng điều chỉnh độ cao lên mực bay FL310 (31.000 bộ) và máy bay mang số hiệu VN 1203 của Vietnam Airlines đang trên hành trình từ Hà Nội đi Cần Thơ điều chỉnh mực bay xuống FL320 (32.000 bộ). 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Khi ở độ cao này, tổ bay của VN 1203 đã thông báo nhìn thấy tàu bay VJ 3258 bay ngược chiều trên hệ thống TCAS (hệ thống cảnh báo va chạm). 

“Tổ lái chuyến bay VN 1203 đã nhầm lẫn khi đặt độ cao, máy bay hạ xuống mực bay FL300 (30.000 bộ). Cự ly ngắn nhất giữa hai tàu bay khi cùng độ cao 31.000 bộ vào khoảng gần 12 km. Ngay lúc đó, hệ thống cảnh báo va chạm của hai máy bay đã được kích hoạt và tổ bay đã thực hiện đúng theo khuyến cáo tránh va chạm của hệ thống để điều chỉnh mực bay phù hợp. Chuyến bay sau đó đã hạ cánh an toàn”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Vietnam Airlines đã lập tức đình chỉ tổ bay, yêu cầu tổ bay giải trình và hợp tác điều tra với Cục Hàng không Việt Nam. Đồng thời, hãng cũng đã tổ chức bình giảng, rút kinh nghiệm với toàn bộ lực lượng tổ lái.

Cũng qua vụ việc trên, Vietnam Airlines khẳng định từ năm 2009 hãnh hàng không này đã triển khai hệ thống quản lý an toàn bay (SMS) để kiểm soát các vấn đề liên quan đến an toàn bay của từng chuyến bay. Các vi phạm do lỗi chủ quan cá nhân sẽ được xử lý kịp thời, nghiêm túc nhằm tránh những sai phạm tương tự và đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động khai thác bay của hãng.

Trong khi đó trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về khả năng xảy ra va chạm của máy bay trên, ông Phạm Việt Dũng – Chánh Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho hay, trên các tàu bay dân dụng hiện nay (có trong lượng cất cánh tối đa trên 5.700 kg hoặc có khả năng chở 19 hành khách trở lên) đều được trang bị hệ thống cảnh báo va chạm trên không (TCAS). Đây là hệ thống cảnh báo va chạm máy bay được thiết kế để giảm tại nạn do va chạm trên không giữa các máy bay. TCAS tự động trao đổi về cảnh báo chuyển động tương đối giữa 2 máy bay và cảnh báo này sẽ được thông tin cho tổ bay trên màn hình và bằng chỉ lệnh âm thanh, từ đó tổ bay sẽ làm theo.

“Theo kết luận điều tra của Cục HKVN, hệ thống TCAS trên 02 tàu bay đã được kích hoạt và cả hai tổ lái (VNA và VJA) đã thực hiện theo khuyến cáo của hệ thống TCAS. Do vậy, trên thực tế không xảy ra việc “suýt va chạm trên không giữa 01 tàu bay về mặt vật lý” ông Dũng cho biết thêm.

Về nguyên nhân sự cố, đại diện Cục HKVN cho biết, nguyên nhân trực tiếp do tổ lái chuyến bay HVN1203 nhầm lẫn khi đặt đồng hồ giảm độ cao, thay vì đặt độ cao 32.000ft thành giảm độ cao không xác định “open descend”.

Nguyên nhân gián tiếp do lái chính chuyến bay HVN1203 đã không thông báo với lái phụ khi đặt đồng hồ độ cao để thực hiện việc kiểm tra chéo theo quy trình khi thực hiện việc đặt đồng hộ độ cao theo huấn lệnh của Kiểm soát viên không lưu trong quá trình giảm độ cao.

Về hình thức xử lý Cục Hàng không đã yêu cầu: Tổng công ty Hàng không Việt Nam và VietJet Air tổ chức bình giảng, rút kinh nghiệm và quán triệt với toàn bộ lực lượng tổ lái về thao tác và quy trình khi giảm độ cao  để ngăn ngừa các vụ việc tương tự (sử dụng open descend). Nâng cao trách nhiệm tự kiểm tra, giám sát hoạt động giữa các thành viên tổ lái khi thực hiện thao tác theo huấn lệnh của KSVKL.

Thanh tra Cục Hàng không cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Lái trưởng (là người trực tiếp điều khiển tàu bay) chuyến bay HVN1203 về hành vi điều khiển tàu bay vi phạm quy tắc bay, phương thức bay, áp dụng hình thức phạt bổ sung thu hồi giấy phép nhân viên hàng không.  

Tương tự Cục Hàng không cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với Lái phụ (F/O) chuyến bay /2014 về hành vi thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình thực hiện công việc, quy trình phối hợp hoạt động gây uy hiếp an ninh hàng không, an toàn hàng không, áp dụng hình thức phạt bổ sung thu hồi giấy phép nhân viên hàng không.
 

Hoàng Lực