Vinaconex bị chất vấn số phận dự án TTTM chợ Mơ, Bắc An Khánh...

26/04/2014 07:31
Hồng Minh
(GDVN) - Những dự án BĐS như Vinata Tower, chợ Mơ, Bắc An Khánh…đang là vấn đề nóng được cổ đông quan trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 của Tổng Cty Vinaconex

Ngày 25/4 vừa qua, Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam- Vinaconex (VCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 tại Hà Nội. Trong phần thảo thuận, những vấn đề lớn được cổ đông quan tâm liên quan đến các dự án bất động sản, thu hồi công nợ cũng như tái cấu trúc các công ty thành viên.

Trong đó điều các cổ đông đang hết sức quan tâm đó là số phận các dự án Vinaconex đang thực hiện, Bởi qua đó cổ đông biết được tiền mình đầu tư có được sử dụng hợp lý.

Tranh cãi tiến độ chợ Mơ

Dự án trung tâm thương mại Chợ Mơ do Công ty Cổ phần phát triển Vinaconex (VCTD) làm chủ đầu tư. Tháng 7/2010, công ty này ký với VPCapital hợp đồng chuyển nhượng mặt bằng khu trung tâm thương mại thuộc dự án này.

Theo hợp đồng, VPCapital nhận chuyển nhượng diện tích mặt sàn tại trung tâm thương mại chợ Mơ từ tầng 1 đến tầng 5 và tầng 5A với diện tích nhận chuyển nhượng tạm tính là 21.122 m2, thời hạn sử dụng đến hết ngày 2/7/2057.

Phối cảnh dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ
Phối cảnh dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ

Giá trị chuyển nhượng của hợp đồng tính bằng đồng Việt Nam tương đương 30,6 triệu USD, được thanh toán thành 4 đợt, ngày bàn giao là ngày 1/10/2012 và không muộn quá 3 tháng so với ngày bàn giao dự kiến.

Theo VPCapital, sau khi ký kết hợp đồng trên, tính đến ngày 26/09/2011, VPCapital đã chuyển tổng cộng cho VCTD tổng số tiền là 419,5 tỷ đồng, tương đương với gần 70% giá trị hợp đồng theo đúng đề nghị của VCTD. Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao muộn nhất là ngày 1/1/2013, VCTD không bàn giao công trình theo đúng thời gian cam kết trong hợp đồng.

Tính đến ngày 30/11/2013, đã quá thời hạn bàn giao mặt bằng nhưng VCTD vẫn chưa hoàn thành tất cả các hạng mục thi công công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký giữa hai bên. Do vậy, trung tâm thương mại Chợ Mơ chưa hoàn thành và chưa thể đi vào hoạt động trong điều kiện bình thường như chủ đầu tư đã cam kết trong hợp đồng.

Liên quan đến vấn đề chợ Mơ, trả lời câu hỏi cổ đông trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014, đại diện HĐQT cho biết nhiều tranh chấp chưa xử lý được nên bây giờ chưa thể trả lời rõ ràng và sẽ cố gắng xử lý nhanh nhất.

"Tử huyệt" Bắc An Khánh

Cách đây 2 – 3 năm trước, khu đô thị Bắc An Khánh – Splendora đã từng được xếp hàng đầu trong các dự án đình đám tại khu vực phía Tây Hà Nội. Biệt thư, căn hộ nơi đây được nhiều nhà đầu tư săn đón bởi vị trí đẹp và liên danh chủ đầu tư Vinaconex - Posco E&C (Hàn Quốc) đều là những tên tuổi lớn.

Vào năm 2010, mức chênh biệt thự tại Splendora vào khoảng 8 – 10 tỷ đồng/căn, bất kể diện tích lớn hay bé. Những lô có vị trị đẹp thậm chí còn có mức chênh xấp xỉ vài chục tỷ đồng.

Khách hàng khiếu nại đến công ty do mâu thuẫn về những vấn đề liên quan đến điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán...
Khách hàng khiếu nại đến công ty do mâu thuẫn về những vấn đề liên quan đến điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán...

Tuy nhiên, cùng với sự sụt giảm của thị trường, mức chênh này cũng ngày một giảm dần nhưng cũng không dưới vài tỷ. Hàng loạt nhà đầu tư đã trót ôm biệt thự tại dự án Splendora đang khóc dở mếu dở vì chủ đầu tư tăng giá biệt thự...

Dự án liên tục bị khách hàng phản đối vì mâu thuẫn về những vấn đề liên quan đến điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán, mập mờ tiền chênh lệch, vật liệu sử dụng trong công trình không đảm bảo... Thậm chí, khách hàng đã kéo tới trụ sở công ty biểu tình và mới đây chủ đầu tư đã phải có những động thái nhượng bộ.

Trong khi đó, trả lời với cổ đông về tiến độ xây dựng và bán hàng tại 2 dự án Splendora và Kim Văn - Kim Lũ, Ban điều hành Tổng công ty Vinaconex cho biết Splendora đã về cơ bản giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất. Giai đoạn 1 đã thi công và ban giao, bán 100% biệt thự liền kề và 70% căn hộ. Giai đoạn 2 đang bị hoãn do quy hoạch tiểu khu của thành phố, dự án nằm ở tiểu khu S3, đang được điều chỉnh nên triển khai chậm hơn cho phù hợp.

Dự án Kim Văn - Kim Lũ đã hoàn thành giải phóng 15ha/26ha mặt bằng, đang thực hiện thi công xây dựng. Khu hạ tầng kỹ thuật đã được các nhà đầu tư hoàn trả lại cho công ty gần 300 tỉ.

Nóng sự cố vỡ ống nước sông Đà

Nằm trong dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008. Nguồn nước được sử dụng từ nước mặt sông Đà đưa về hệ thống nhà máy nước sạch trên địa bàn Hà Nội để xử lý. Hiện, hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo" đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) về đến xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội).

Đây được coi là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho hơn 70.000 hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Chính vì vậy, mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sinh hoạt sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng khá lớn.

Ống nước sông Đà bị vỡ 5 lần. Ảnh: Báo Giao thông vận tải
Ống nước sông Đà bị vỡ 5 lần. Ảnh: Báo Giao thông vận tải

Tuy nhiên, chỉ qua hơn 6 năm sử dụng đường ống dẫn nước sông Đà đã xảy ra vỡ liên tục tại 5 điểm khác nhau. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự cố vỡ ống nước vẫn có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Sự cố vỡ ống nước gần đây nhất diễn ra ngày 1/4 vừa qua, Vinaconex đã phải chi khoảng 1 tỉ đồng để khắc phục. 

Vụ việc ống nước sông Đà bị vỡ cũng đã làm nóng Đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty Vinaconex khi các cổ đông chất vấn về vấn đề này. Cụ thể khi một cổ đông chất vấn tại sao đường ống “hay vỡ”, Tổng giám đốc Vũ Quý Hà phản bác nói vậy là chưa chính xác. 

Ông Hà cho hay kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2009, đường ống nước Sông Đà vỡ 5 lần, lần gần nhất diễn ra hôm 1/4. “Chúng tôi không thể nói trong tương lai có vỡ được hay không vì nếu khẳng định thì không khác nào ăn cơm dân gian nói chuyện âm phủ”, ông nói. 

Được biết Tổng công ty Vinaconex đang đầu tư khẩn cấp tuyến ống với vật liệu tốt hơn giá trị 1.000 tỷ bằng việc vay vốn thương mại. Thành phố Hà Nội cam kết sẽ có hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp.

Cũng trong khuôn khổ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 đại diện Tổng công ty Vinaconex cho biết dự án cầu Thủ Thiêm, đang làm thủ tục với thành phố, sẽ mất khoảng 2 năm triển khai. Dự án Vinata Tower, đang làm thủ tục chuẩn bị dự án từ 6-9 tháng. Đây là các dự án đang xây dựng dở dang nên không có hàng tồn kho.

Đối với các khoản nợ tại Xi măng Cẩm Phả và xi măng Yên Bình, Vinaconex khẳng định sẽ được trả trong vòng 5 -7 năm.

Hồng Minh