Vụ tranh chấp kho cà phê: 7 ngân hàng làm trái quy định như thế nào?

10/12/2013 07:13
Hồng Minh
(GDVN) - Theo Ths.LS Trương Anh Tuấn, trong vụ việc Công ty Trường Ngân, nếu ngân hàng cho vay dựa trên hàng tồn kho luân chuyển (được xem như cho vay tín chấp) là không đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mang đến rủi ro nợ xấu rất lớn…
Rủi ro nợ xấu rất lớn Sau một thời gian tạm lắng, vụ việc Công ty TNHH Trường Ngân (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) sử dụng cùng lúc 1 kho hàng để vay hơn 600 tỉ đồng của 7 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Đại Dương (OCB), Quân đội MB, MSB, VietinBank, VIB, Agribank và Techcombank lại làm nóng dư luận những ngày qua. Ngày 3/12, sau khi Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An thực hiện cưỡng chế hơn 3.000 tấn cà phê nhân trong kho của Công ty Trường Ngân làm tài sản thế chấp cho ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) 6 ngân hàng khác có liên quan tài sản thế chấp là kho hàng này đã có mặt. Sự việc thêm căng thẳng với diễn biến khó lường khi ngày 6/12 lực lượng chức năng phải có mặt tại kho hàng của Trường Ngân ổn định trật tự khi có hiện tượng xô xát giữa bảo vệ các ngân hàng tranh quyền kiểm soát số cà phê còn lại trong kho.
Nguy cơ rủi ro từ việc cho vay thế chấp hàng hóa
Nguy cơ rủi ro từ việc cho vay thế chấp hàng hóa
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên hiện lượng hàng trong kho của Công ty Trường Ngân gần một nữa không còn giá trị kinh tế. Thậm chí nhiều bao tải lớn chứa tạp chất như tro trấu, đất đá, sỏi nhỏ cỡ như hạt cà phê… Theo lời ông Nguyễn Đăng Sơn- Giám đốc Cty TNHH Trường Ngân thú nhận trước mặt đại diện 7 ngân hàng, cùng các cơ quan chức năng khác, trong đó có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP.HCM rằng, số lượng hàng cà phê nhân là 2.800 tấn (chứ không phải 3.360 tấn như khi ký kết vay vốn các ngân hàng - PV). Thậm chí Trường Ngân còn mang lượng hàng là tài sản thế chấp đi tẩu tán nên thực chất số lượng cà phê tồn kho bao nhiêu vẫn chưa được làm rõ. Dù cho số lượng cà phê trong kho hàng của Trường Ngân còn bao nhiêu nhưng nguy cơ rủi ro nợ xấu của các ngân hàng trong vụ việc này là rất lớn, vụ việc cũng cho thấy những bất ổn trong hoạt động cho vay thế chấp hàng hóa.
Ở góc nhìn chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi các ngân hàng cho vay trên cùng một tài sản thế chấp, ngân hàng chịu rất nhiều rủi ro. Về phía luật pháp không cấm việc sử dụng một tài sản thế chấp cho nhiều vốn vay. “Tuy nhiên khi ngân hàng cho vay trên cùng tài sản thế chấp mà tài sản đó không được phân định một cách rõ ràng của ai? Tài sản thế chấp ngân hàng nào thì ngân hàng luôn gặp rủi ro về tài sản thế chấp đó”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.Các ngân hàng đã sai phạm thế nào? Qua sự việc này cho thấy, vấn đề kiểm soát, quản lý được rủi ro của các ngân hàng trong nước thời gian qua đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong việc cho vay thế chấp bằng hàng hóa: Thứ nhất, số hàng đó phải được đăng ký tại trung tâm đăng ký thế chấp; Thứ hai ngoài việc đăng ký quan trọng hơn là phải phân số hàng hóa đó một cách vật lý riêng rẽ từng kho tài sản thế chấp của mỗi ngân hàng khác nhau. “Việc tập trung tất cả vào một kho hàng dẫn đến tình trạng các ngân hàng xô xát tranh giành tài sản thế chấp. Nhìn sâu sa sự việc cho thấy, nguyên chính ở đây là do trước kia các ngân hàng đua nhau mở rộng tín dụng thiếu kiểm soát”, TS Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, một rủi ro nữa của ngân hàng khi cho thế chấp vay tín dụng bằng hàng hóa tồn kho như trường hợp của Trường Ngân đó là sự hư hỏng của tài sản thế chấp là các nông sản. “Rõ ràng trong trường hợp này việc quản lý của các ngân hàng có thiếu sót”, chuyên gia này cho biết.

Cũng theo TS Hiếu, thực tế hiện nay ở các nước trên thế giới hình thức cho vay thế chấp bằng tài sản hàng hóa, hàng tồn kho vẫn được thực hiện. Đồng thời các ngân hàng chấp nhận cho vay trên cùng tài sản thế chấp tuy nhiên rủi ro không lớn do các quy định chặt chẽ về hoạt động tín dụng. Quy định chặt chẽ đó thể hiện bằng việc đăng ký tài sản thế chấp của các nhà băng phải có thứ tự ưu tiên, thứ tự ưu tiên phải tùy theo thời điểm đăng ký vay vốn của doanh nghiệp.

“Dựa vào thứ tự ưu tiên khi doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản, vấn đề giải chấp tài sản thế chấp sẽ được tòa án phán quyết tài sản nào thuộc ngân hàng theo thứ tự ưu tiên”, TS Hiếu cho biết.

Với trường hợp như tại Trường Ngân, khi 7 ngân hàng chung một tài sản thế chấp, theo TS hiếu cách chia tài sản đó sẽ là dựa vào công thức: Dư nợ của một ngân hàng/Tổng dư nợ từ đó cho ra một tỷ lệ dùng tỷ lệ đó để khi giải chấp hàng tồn kho thì phải có một cơ quan tư pháp quản lý việc giải chấp tài sản đó bồi thường cho các ngân hàng theo tỷ lệ dư nợ của họ.

Ở góc nhìn của người làm luật, Ths.LS Trương Anh Tuấn –Văn phòng Luật sư Investlinkco cho rằng vụ việc Công ty Trường Ngân cùng lúc sử dụng kho hàng thế chấp vay vốn tại 7 ngân hàng, trong số đó không ít ngân hàng đã cho vay dựa trên hàng tồn kho luân chuyển, là không đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mang đến rủi ro nợ xấu lớn cho các ngân hàng.

Về nguyên tắc, một tài sản đảm bảo có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng, miễn sao giá trị tài sản đủ đảm bảo cho tất cả khoản nợ. Trường hợp doanh nghiệp đi vay không trả được nợ, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ căn cứ vào hợp đồng thế chấp cầm cố để thực hiện từng bước theo quy định của hợp đồng. Nếu không giải quyết được, sẽ đưa ra tòa và việc xử lý căn cứ vào phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, với vụ việc này, do kiểm soát quá lỏng lẻo, nên nhiều ngân hàng cùng tranh chấp một tài sản thế chấp.

Theo LS Tuấn, điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn cũng được quy định rất rõ, cụ thể tại Khoản 4, Điều 7 Quyết định Số 284/2000/QĐ-NHNN1 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (năm 2000) gồm: Có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi, có hiệu quả hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi kèm theo phương án trả nợ khả thi. Từ quy định đó thấy rõ yếu kém trong thẩm định hồ sơ trong đó có việc thẩm định tài sản thế chấp của cán bộ các ngân hàng khi cho Trường Ngân vay tiền.

Đặt trường hợp cán bộ ngân hàng cố ý làm sai quy định trong thẩm định vốn vay, theo LS Tuấn có thể dựa vào vi phạm cụ thể để đưa ra hình thức xử lý từ biện pháp hành chính nội bộ của ngân hàng hoặc theo quy định của pháp luật. 
Hồng Minh