WhatsApp mang lại lợi nhuận thế nào cho Facebook?

22/02/2014 12:37
Lâm Giang
(GDVN) - Có 18 tỷ tin nhắn được gửi qua WhatsApp mỗi ngày trong tháng 1/2014. Nhưng con số này đang tăng không ngừng.

WhatsApp có thể rất phổ biến, nhưng để đột phá được ở châu Á - thị trường di động lớn nhất thế giới, không phải là dễ dàng. Tuy nhiên, nó đã giành được một số thành công nhất định ban đầu. Điều này giúp giải thích cho sự xứng đáng của nó với mức giá 19 tỷ USD mà Facebook bỏ ra mua lại với kỳ vọng nó thể thể giúp duy trì sự tăng trưởng của Facebook.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 

Dữ liệu từ công ty số liệu ứng dụng App Annie cho thấy, WhatsApp được xếp hạng là ứng dụng truyền thông hàng đầu ở 3 trong 13 quốc gia châu Á gồm Hồng Kông, Ấn Độ và Singapore.

"WhatsApp là một người chơi mạnh mẽ ở châu Á, nhưng trong năm qua đã phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Line và WeChat", Neha Dharia, một chuyên gia của công ty tư vấn công nghệ Ovum ở Ấn Độ cho biết. "WhatsApp chưa nổi bật hẳn, nhưng đã nhìn thấy trước sự cạnh tranh gay gắt trong phát triển thị phần của mình."
Facebook cho biết hôm thứ Tư rằng, sẽ mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD trả bằng tiền mặt và cổ phiếu trong Facebook. Đây là một thỏa thuận mua bán công nghệ được cho là lớn nhất năm nay và gây chấn động dư luận. Một "ông lớn" trong ngành OTT như Viber mới đây được bán với giá 900 triệu USD cũng đã gây xôn xao dư luận. 
Kể từ khi ra mắt vào năm 2009 đến nay, WhatsApp đã thu hút được 450 triệu người sử dụng. Một khảo sát của công ty nghiên cứu và tiếp thị Jana cho thấy, WhatsApp là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất trong các nước Ấn Độ, Kenya, Nigeria, Nam Phi, Brazil và Mexico với lý do người dùng thích nhất các chức năng cơ bản của nó như trò chuyện, quảng cáo và chia sẻ hình ảnh miễn phí. 
Có 18 tỷ tin nhắn được gửi qua WhatsApp mỗi ngày trong tháng 1/2014.  Nhưng con số này đang tăng không ngừng. Theo Ovum, 27,4 nghìn tỷ tin nhắn như vậy đã được gửi vào năm ngoái, năm nay con số này sẽ là gần 69 nghìn tỷ.

Bằng cách liên kết với nhau, Facebook và WhatsApp có thể chiếm được các thị trường mà vẫn còn khó nắm bắt đối với Facebook hiện nay. Facebook bị chặn ở Trung Quốc, thua Twitter và Line tại Nhật Bản.  Với lợi  thế hiện nay của mình ở châu Á, WhatsApp "là một con đường tiềm năng cho Facebook" gia nhập vào những thị trường này, Vincent Stevens - một nhà quản lý cấp cao về tư vấn viễn thông của Delta Partners cho biết. 

WhatsApp "là một con đường tiềm năng cho Facebook" gia nhập vào những thị trường châu Á.
WhatsApp "là một con đường tiềm năng cho Facebook" gia nhập vào những thị trường châu Á.
Forrester dự báo Trung Quốc sẽ có hơn 500 triệu điện thoại thông minh trong năm nay. Thị trường điện thoại thông minh đang phát triển nhanh chóng ở Ấn Độ và có 40  triệu người Ấn Độ đang dùng WhatsApp, chiếm 9% tổng số người sử dụng WhatsApp đang hoạt động trên toàn thế giới.
Nhưng Facebook và WhatsApp vẫn phải đối mặt với kẻ thù ghê gớm như WeChat, Line và KakaoTalk, các ứng dụng OTT đang không ngừng cải tiến bằng cách cung cấp một loạt các dịch vụ bổ sung, từ các biểu tượng và các trò chơi đến mua hàng hóa và dịch vụ.
"Line và những đối thủ khác rất đáng gờm đối với WhatsApp. Họ có rất nhiều sáng tạo trong các mô hình kinh doanh mà họ tham gia vào", Michael Vakulenko của VisionMobile, một công ty tư vấn có trụ sở tại Anh cho biết. "Họ đang đổi mới nhanh hơn nhiều so với WhatsApp và đi theo các hướng khác nhau".
Điều này có thể chứng minh cho nhận định rằng, ở châu Á - chiến trường lớn nhất cho các ứng dụng nhắn tin xã hội - là không có người chơi duy nhất chiếm ưu thế.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, BlackBerry Messenger là ứng dụng tin nhắn được download nhiều nhất ở Indonesia tháng 10 năm ngoái, Viber phổ biến nhất trong Philippines, và Line mạnh ở Thái Lan. WhatsApp đứng thứ ba ở Indonesia, thứ hai tại Malaysia và không có trong top 10 ở Philippines và Thái Lan.
Nhưng Jerry Justianto, người điều hành một mạng lưới đài phát thanh ở Jakarta, nói rằng anh nhận thấy bạn bè mình dùng WhatsApp đang giảm đi so với trước đây và họ chuyển sang dùng Telegram. Theo anh,  nguyên do là WhatsApp không cho phép sử dụng một tài khoản trên nhiều thiết bị. Trong khi đó, người Indonesia thay đổi thẻ sim thường xuyên, còn Telegram có thể kích hoạt trên nhiều thiết bị với cùng một số.
Telegram cung cấp nhiều tính năng tương tự như WhatsApp. Ứng dụng này miễn phí và rất nhiều mã hóa và đang phổ biến ở một số quốc gia. 
KakaoTalk ra đời vào năm 2010 và đã phát triển nhanh chóng lên đến 130 triệu người sử dụng, cho biết họ cũng đang tập trung chủ yếu vào khu vực Đông Nam Á, nơi sự hiện diện của điện thoại thông minh vẫn còn tương đối thấp và không có dịch vụ tin nhắn chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, điều đó không phải là WhatsApp đã mất hết cơ hội. Theo các chuyên gia, việc một người sử dụng nhiều ứng dụng OTT ở châu Á là điều khá bình thường và mục tiêu của các đối thủ là thu hút thêm người mới sử dụng. /.
Lâm Giang