Xả "vận đen", phòng khám ngoại đua nhau "thay tên đổi họ"

24/07/2012 06:51
P.T
(GDVN) - Trước thông tin đóng cửa một số phòng khám ngoại có yếu tố nước ngoài (cụ thể là phòng khám có các bác sĩ Trung Quốc hành nghề) nhiều bệnh nhân từng điều trị tại các phòng khám này lo lắng phòng khám thay tên, đổi họ... lại trở về “bóc lột” bệnh nhân như xưa.

Ám ảnh tên cũ tìm đến tên mới
Cuối năm 2010, sau khi xem trên truyền hình quảng cáo phòng khám Trường Giang Trung Quốc (709 Giải Phóng, Hà Nội) đặc trị bệnh viên xoang, sau đợt điều trị bệnh có thể khỏi trong vòng 20 năm, anh Vũ Mạnh Hùng (công tác tại Hải Dương) đã tìm đến phòng khám này với mong muốn chữa dứt điểm căn bệnh của mình. Sau khi thăm khám, anh được các bác sĩ tại đây tư vấn: “Bệnh của anh viêm xoang mãn tính, nếu không điều trị vi khuẩn xoang sẽ ăn sâu xuống hốc mũi và vào thanh quản, khí quản, thực quản xuống nội tạng. Khi đó không chỉ mắc chứng đau đầu mà anh còn bị ho, bị gan, phổi…”.
Bảng giá điều trị bệnh trĩ ghi cụ thể tiền điều trị nhưng khoản tiêu hao cao gấp phí điều trị cả chục lần tại PK Đa khoa Việt Hải
Bảng giá điều trị bệnh trĩ ghi cụ thể tiền điều trị nhưng khoản tiêu hao cao gấp phí điều trị cả chục lần tại PK Đa khoa Việt Hải
Nghe vị bác sĩ tên Thuần người Trung Quốc phán thông qua phiên dịch viên, anh Hùng hoảng sợ nên đồng ý điều trị theo phương pháp DRN (phương pháp cụ thể như thế nào chỉ có bác sĩ mới biết). Chi phí điều trị ban đầu là 3 triệu đồng nhưng mỗi ngày lại đội thêm vài triệu điều trị. Trong khi đó, bệnh nhân chỉ được truyền dịch ngoài ra không có làm gì thêm. Khi nào khó thở, nhân viên lại xịt dung dịch xịt mũi làm cho bệnh nhân có cảm giác dễ thở, mát mũi. Biết mình bị lừa nên anh Hùng bỏ cuộc điều trị. Anh ra hiệu thuốc hỏi về dung dịch xịt mũi và được nhân viên nhà thuốc bán cho anh lọ xịt mũi tương tự như ở phòng khám chỉ với giá 27 nghìn đồng. Sau đó một năm, anh Hùng lại được cậu bạn hẹn đưa đến một nơi khám bệnh xoang được quảng cáo là "rất chuẩn". Đến nơi, dù với tên mới là phòng khám Việt Hải nhưng anh Hùng không khó khăn khi nhận ra đây là phòng khám Trường Giang cũ. Nhớ lại quá trình điều trị của mình trước đây, anh Hùng vội giục bạn bỏ về vì không muốn lại trở thành nạn nhân.
Cùng một địa chỉ, cùng một công ty phòng khám chỉ thay tên để hút khách mới
Cùng một địa chỉ, cùng một công ty phòng khám chỉ thay tên để hút khách mới
Phòng khám này trong thời gian mang tên Trường Giang Trung Quốc đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và phạt vì vi phạm bán thuốc giá trên trời, không có nguồn gốc, bác sĩ Trung Quốc không có giấy phép hành nghề… và khi tất cả các bệnh nhân sợ bỏ chạy tại phòng khám thì cái tên mới phòng khám đa khoa Việt Hải mọc lên thay thế tên Trường Giang cũ. Sau nhiều lần bị ép điều trị và phải trả phí đắt gấp 30 lần bên ngoài, đến nay phòng khám Việt Hải tự cho mình “nghỉ phép” để bảo dưỡng máy móc. Nhiều người cho rằng trong thời gian này có thể phòng khám sẽ được thay tên đổi họ. Đông y bốc thuốc kiêm truyền dịch, công nghệ nano Nói đến công nghệ nano, nhiều người thực sự tò mò và tin tưởng đây là một công nghệ mới trong điều trị bệnh cũng như trong làm đẹp. Chính cụm từ này đã khiến nhiều phòng khám lên đời nhờ quảng cáo khám chữa bệnh bằng phương pháp nano.
Phòng khám Đông Y Y học Bắc Kinh có trụ sở tại 604, Trường Chinh, Hà Nội đã từng bị phạt vì quảng cáo quá "nổ". Trong khi nền y học thế giới còn đau đầu tìm ra các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường thì phòng khám này có quảng cáo “xanh rờn” rằng có thể điều trị dứt điểm bệnh nan y này Theo quảng cáo: “Phòng khám vận dụng kỹ thuật chuyển hóa nano, sử dụng nhiều loại thuốc đông y quý hiếm, lấy ra những thành phần tốt nhất phối hợp cùng chất xúc tác hoạt tính sinh vật, cô lại thành một loạt những bài thuốc đông y thảo dược, trực tiếp thâm nhập vào trong tuyến tụy, làm các tế bào tuyến tụy bị tổn thương phục hồi nhanh chóng, khôi phục chức năng trao đổi chất bình thường, lượng đường trong nước tiểu mất hết, loại bỏ những biến chứng, đạt được hiệu quả điều trị, không tái phát. Đã chữa trị cho bệnh nhân tiểu đường, phá vỡ quan niệm truyền thống tiểu đường không thể điều trị được. Không cần kiêng ăn uống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào insulin, dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào thuốc, vào insulin, 1 - 2 liệu trình là khỏi”. Tuy nhiên, với quảng cáo đi quá sự thật này phòng khám đã bị cơ quan chức năng phạt hành chính và yêu cầu sửa lại nội dung quảng cáo. Không chỉ quảng cáo quá sự thật, phòng khám Đông Y Y học Bắc Kinh cũng nổi tiếng là nơi “bóc lột” bệnh nhân với mỗi chén thuốc bắc lên tới vài trăm nghìn đồng. Sau một thời gian bị người bệnh “tẩy chay”, để lấy lại khách hàng, phòng khám này lại thay tên, đổi họ với cái tên mới là “Phòng khám đông y Việt Y Đường”. Hiện tại, phòng khám Đông y Việt Y Đường vẫn là “điểm đen” khiến bệnh nhân đến một lần rồi sợ. Mỗi đơn thuốc tại phòng khám bệnh nhân đều chi trả tiền triệu. Nhân viên của phòng khám tiết lộ: “Chủ phòng khám là bác sĩ người Việt Nam nhưng việc khám và điều trị đều do bác sĩ Trung Quốc đảm nhiệm. Việc khám bệnh cho bệnh nhân chủ yếu là bắt mạch. Để bệnh được chính xác, bệnh nhân đến phòng khám cũng phải mang các kết quả chiếu chụp trước đó tại các phòng khám tây y khác”.
Phòng khám Đông Y Việt Y Đường
Phòng khám Đông Y Việt Y Đường

Theo tìm hiểu của phóng viên, tuy quảng cáo chữa bệnh bằng đông y nhưng phòng khám vẫn sử dụng thuốc tây. Bệnh nhân điều trị theo phương pháp đông – tây y kết hợp. Mỗi chén thuốc điều trị bệnh ở đây đều có giá từ 100 – 300 nghìn đồng tùy từng bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh nhân đều phải theo phòng khám từ 2 – 3 tháng. Chỉ tính riêng tiền thuốc đông y đã lên đến cả chục triệu đồng.

Cuối tuần qua, Thanh tra Sở Y tế đã bất ngờ kiểm tra phòng khám này, phát hiện các bác sĩ Trung Quốc hành nghề đông y nhưng lại truyền dịch cho bệnh nhân. Qua đó, Sở Y tế đã tiến hành xử phạt phòng khám này 40,5 triệu đồng, đồng thời thu hồi chứng chỉ hành nghề của phòng khám. Liệu sau Việt Y Đường, địa chỉ này có mọc thêm một phòng khám mới?

Điều đặc biệt, các phòng khám này đều là "con đẻ" của một công ty có tên gọi là Công ty TNHH Ngọc Huệ Đường có trụ sở tại Đống Đa, Hà Nội.
P.T