Xây dựng nhà máy nhiệt điện: Cần cuộc cạnh tranh trong minh bạch

01/09/2015 11:27
Quốc Anh
(GDVN) - Trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nếu không đủ năng lực, doanh nghiệp trong nước tất yếu sẽ thua.

Song cũng lạ một điều là, ngay cả khi có đầy đủ năng lực chuyên môn, các doanh nghiệp nội vẫn có thể phải chịu thất bại ngay trên “sân nhà”. Đây là điều mà cả Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước đang hết sức lo lắng.

Chính sách một đằng, thực thi một nẻo

Liên quan đến các dự án nhiệt điện đã, đang và sẽ triển khai xây dựng, ngày 29/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1791 phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm việc thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025.

Ba nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1 là những đơn vị đầu tiên thực hiện công tác thí điểm.

Cụ thể, các doanh nghiệp trong nước sẽ đảm bảo tỷ lệ giá trị công tác tư vấn, thiết kế đạt 40% trở lên cho dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1; 60% trở lên cho dự án nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 và 80% cho dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.

Về tỷ lệ chế tạo do các doanh nghiệp trong nước thực hiện không dưới 50% cho nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và sông Hậu 1; không dưới 70% cho dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.

Lễ khởi công nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Ảnh: Petrotimes.
Lễ khởi công nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Ảnh: Petrotimes. 

Cũng với mong muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành chơ khí trong nước, mới đây, ngày 19/5/2015, Bộ Công thương ra Chỉ thị số 10 Về việc tăng cường công tác thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025. 

Chủ trương đã rõ ràng, tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Điển hình như tại nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, 1 trong 3 Dự án được đề cập đến trong Quyết định 1791 –công tác tư vấn, thiết kế và chế tạo đang bộc lộ nhiều điểm thiếu minh bạch.

Công trình có mức đầu tư 1,5 tỷ USD được giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng Cty lắp máy Việt Nam (Lilama) làm tổng thầu. Cả chủ đầu tư và tổng thầu đều là các doanh nghiệp lớn trong nước.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, gói thầu lại được chia cho Cty TNHH Doosan Vina (Cty Doosan); Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime); Tổng Cty xây dựng Việt Nam (Vinaincon) thực hiện. Trong đó, Cty Doosan có yêu tố nước ngoài, Vinaincon thì đã từng thi công ẩu tại Dự án Nhà máy phân bón Dap 2 (Tập đoàn hoá chất Việt Nam - Vinachem) và bị chấm dứt hợp đồng vào năm 2013.

Doanh nghiệp nội có năng lực bị “bỏ quên”

Cũng liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí trong nước, ngày 17/3/2011, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam có văn bản số 16, kiến nghị cơ chế chính sách gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tại văn bản này, ông Thụ cho rằng, ngoài việc cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống làm mát tuần hoàn, hệ thống cung cấp dầu, hệ thống ống khói, nhà máy nước thải và hệ thống xử lý nước thải, trạm phân phối và máy biến áp chính, hệ thống phòng cháy chữa cháy, một số doanh nghiệp hoàn toàn thực hiện được phần kết cấu thép của nhà máy.

Chính vì thế, ông Thụ đề nghị tách phần kết cấu thép này để cho các đơn vị trong nước thực hiện.

Sẽ không có gì đáng nói về văn bản trên nếu như những doanh nghiệp có năng lực thực thụ về lĩnh vực này lại bị ông Thụ loại ra khỏi danh sách trình Thủ tưởng Chính phủ, điển hình như Tổng Cty Cơ điện xây dựng (Agrimeco), Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung…

Trao đổi với PV, ông Lê Văn An - Tổng giám đốc Agrimeco cho biết, hiện đơn vị đang thi công Tháp Vietinbank cao 68 tầng, dự án có mức đầu tư lên 8.000 tỷ đồng tại khu đô thị Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội). Tòa tháp này được lắp ghép hoàn toàn bằng thép trừ phần móng, dự kiến sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2016, vì vậy chẳng có lý do gì doanh nghiệp trong nước không thi công được kết thép của nhà máy nhiệt điện. 

Tương tự, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung cũng đã từng cung cấp cẩn cẩu có tải trọng 1.200 tấn cho Nhà máy thuỷ điện Sơn La và Lai Châu, việc thiết kế cẩu 500 tấn cho các nhà máy nhiệt điện là nằm trong tầm tay. 

Không hiểu sao, cả hai doanh nghiệp kể trên đều bị ông Thụ bỏ quên trong danh sách đề xuất lên chính phủ.

Đáng nói hơn nữa, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đồng thời còn là Phó chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, song vị doanh nhân này không hề nhận được bất cứ thông tin nào về dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện từ ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch hiệp hội này.

Để triển khai các dự án minh bạch, ngày 28/5/2015, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Đoàn công tác khảo sát đánh giá và kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm và đánh giá năng lực thiết kế, chế tạo của các doanh nghiệp cơ khí trong nước đối với các dự án nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 - 2025. Sự công tâm của đoàn kiểm tra sẽ là niềm hi vọng của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.

Quốc Anh