Xử lý nợ xấu, nhiệm vụ cần làm ngay của Thống đốc Hưng

13/04/2016 13:51
Mai Anh
(GDVN) - TS. Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ ra nhiệm vụ cũng nhưng khó khăn chờ đợi tân Thống đốc Lê Minh Hưng trong nhiệm kỳ được tín nhiệm.

Thống đốc trẻ hứa hẹn sự đột phá

Với hơn 81% số phiếu tán thành, ông Lê Minh Hưng - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đã trở thành tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông đồng thời cũng là Thống đốc trẻ nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Sinh năm 1970, ông Lê Minh Hưng có quá trình công tác ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau. Tuy nhiên phần lớn quá trình công tác của ông gắn với hoạt động của ngành tài chính ngân hàng.

Từ tháng 10/2011 - 10/2014, ông Hưng giữ vai trò Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Từ 11/2014 đến nay, ông Hưng được phân công giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Lê Minh Hưng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng - vị Thống đốc trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng (Ảnh nguồn Ngân hàng Nhà nước).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng - vị Thống đốc trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng (Ảnh nguồn Ngân hàng Nhà nước).

Ngày 8/4/2016, ông Hưng có tên trong danh sách 21 thành viên mới của Chính phủ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn.

Sáng 9/4, sau khi bỏ phiếu kín Quốc hội đã chính thức phê chuẩn ông Lê Minh Hưng vào vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với số phiếu đồng ý là 403/486, đạt tỷ lệ 81,58%. 

Đánh giá sự tín nhiệm Đại biểu Quốc hội vào tân Thống đốc Lê Minh Hưng một người còn rất trẻ, TS. Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời kỳ 1989 - 1997 cho biết: Điều này thể hiện niềm tin của người dân vào tài năng, sức trẻ của tân Thống đốc.

TS. Cao Sỹ Kiêm cho biết, việc ông Lê Minh Hưng được bầu làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự phát triển của ngành ngân hàng không chỉ trong quản lý mà cả trong công tác nhân sự, luôn có đội ngũ trẻ kế cận.

Xử lý nợ xấu, nhiệm vụ cần làm ngay của Thống đốc Hưng ảnh 2

Nhiệm kỳ thực hiện lời hứa của Thống đốc Bình

(GDVN) - Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thực hiện được khá trọn vẹn những lời hứa của mình với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.

“Tân Thống đốc có thời gian dài công tác tại ngành ngân hàng, từ cấp nhân viên đến quản lý tại ngân hàng, quản lý nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước. Tiếp xúc với kinh tế thị trường ở các lĩnh vực được phân công.

Mặt khác, tân Thống đốc từng trải qua vị trí lãnh đạo tại ngân hàng, vị trí quản lý nhà nước trong ngành ngân hàng. Ở vị trí Phó Thống đốc, ông Hưng hiểu và nắm được vấn đề tồn tại của ngành ngân hàng, biết được thuận lợi khó khăn ngành ngân hàng đang phảo đối mặt…

Với sức trẻ, hy vọng ông Hưng phát triển đột phá hơn, hoạt động sôi động hơn”, TS.Cao Sỹ Kiêm nhận xét.

Khó khăn lớn chờ đợi

Tuy hoạt động trong ngành ngân hàng thời gian dài, hiểu nắm bắt được khó khăn của ngành tuy nhiên ở vai trò Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng ông Lê Minh Hưng bắt tay giải quyết ngay với một loạt khó khăn tồn tại của ngành ngân hàng.

Thứ nhất là nợ xấu. Đánh giá về kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đi đôi với việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng, đã tổ chức rà soát, phân loại và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thực hiện các biện pháp sáp nhập, mua lại các tổ chức ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng đã có những chuyển biến. 

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng còn chậm được cải thiện, nợ xấu chưa được xử lý triệt để.

Tính đến tháng 6/2015, nợ xấu toàn ngành ngân hàng giảm còn 3,75% so với tỷ lệ 4,83% ở thời điểm tháng 12/2014. Đến cuối năm 2015, số nợ xấu đã về dưới mức 3%.

TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời kỳ 1989 - 1997, ảnh: Hoàng Lực.
TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời kỳ 1989 - 1997, ảnh: Hoàng Lực.

TS. Kiêm phân tích, nợ xấu tích lũy tồn tại nhiều năm do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế tác động đến doanh nghiệp đồng thời do quản lý yếu kém của ngân hàng.

Dù nợ xấu có giảm nhưng hiện nay vấn đề xử lý nợ xấu của toàn hệ thống mới ở ngưỡng gom vào Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Vấn đề đặt ra của Ngân hàng Nhà nước và tân Thống đốc là phải xử lý nợ xấu hậu VAMC. 

Ngay trong việc mua bán nợ xấu, theo TS. Kiêm, ngành ngân hàng đang đối mặt với khó khăn về nguồn vốn, hoàn chỉnh khung hành lang pháp lý khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua/bán nợ xấu. 

Thứ hai, quản lý ngành ngân hàng. TS. Kiêm cho hay, dù ngành ngân hàng đóng góp vai trò lớn trong phát triển kinh tế nhưng do quản lý yếu kém những năm qua cùng với việc nhiều cán bộ ngân hàng dính vòng lao lý đặt ra vấn đề quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước với toàn bộ hệ thống.

“Tồn tại hiện nay vấn đề nghiệp vụ, đạo đức cán bộ ngân hàng, nhiệm vụ của tân Thống đốc cần củng cố đào tạo chuyên môn nghiệp vụ sâu rộng cho đội ngũ cán bộ ngân hàng, đảm bảo yêu cầu hội nhập sâu trong tình hình mới”, TS.Kiêm cho biết.

“Mặt khác, trước việc Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định hợp tác dự báo sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam như tác động luồng vốn mới đòi hỏi chính sách điều hành tỷ giá, điều hành hội nhập tài chính từ Ngân hàng Nhà nước… Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết và chủ động giải quyết”, TS. Kiêm cho biết thêm

“Ngay lúc này tân Thống đốc phải tự sửa những tồn tại khuyết điểm của mình, tiếp cận nhanh kinh tế thị trường, giải quyết hiệu quả những tồn tại mà toàn ngành ngân hàng đang phải đối mặt như vấn đề nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, giảm ngân hàng yếu kém, đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng mới có nghiệp vụ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập”, TS.Kiêm kết luận.    

Mai Anh