Bắt bệnh lạ của teen trên Facebook

08/08/2011 03:57
Song song với những hào nhoáng mà “cuộc sống ảo” đem lại, Facebook cũng là nơi sinh ra nhiều "căn bệnh" lạ của teen.

Facebook giờ đã là một khái niệm quá quen thuộc đối với teen Việt. Song song với những hào nhoáng mà “cuộc sống ảo” đem lại, Facebook cũng là nơi sinh ra nhiều "căn bệnh" lạ của teen.

>> Facebook, mảnh đất màu mỡ sinh sôi những hội nhóm kỳ quặc

Ngày nay, Facebook được coi như một “công cụ” đắc lực giúp teen thể hiện bản thân trước bạn bè: những avatar long lanh, những câu status siêu hay ho, những tấm ảnh được update ngay sau khi chụp... Song song với những hào nhoáng mà “cuộc sống ảo” đem lại, Facebook cũng là nơi sinh ra nhiều "căn bệnh" lạ của teen. Nếu không cẩn thận, chính chúng ta cũng là nạn nhân của những căn bệnh này lúc nào không hay đấy teen ạ.

Khi số lượng hơn hẳn chất lượng

Gần đây, khi xu hướng thi nhau khoe ảnh xinh, ảnh đẹp đã dần trở nên “lỗi mốt” thì teen quay ra so sánh độ nổi tiếng bằng thước đo “số lượng bạn bè”. Mai Ngọc (16t) nhận xét: “Dạo này mình thấy nhiều bạn trên Facebook cứ cho rằng với số lượng friend list trên 2000 người tức là họ đã được nhiều người biết đến. Xong rồi còn... tự lập fan page cộng đồng xem được bao nhiêu người like nữa, hic." Diệu Linh (17t) là một ví dụ điển hình của căn bệnh lạ này. Sau khi đăng những bức ảnh cực kì “lừa tình” trên Facebook, số lượng bạn bè của cô nàng tăng lên rõ rệt. Từ một cô nàng bình thường, bỗng Linh hóa thành “thiên nga” trên thế giới ảo. Thậm chí cách ăn nói của Linh cũng thay đổi theo, mang đậm nét “vênh váo” và “sang chảnh”, cho dù người mà cô nàng đang nói chuyện đáng tuổi anh, tuổi chị.

Kết bạn xong… để đấy

Đây là chứng bệnh được "di căn" từ căn bệnh "chuộng số lượng" kia.  Với tiêu chí luôn muốn được giao lưu kết bạn với nhiều người, đặc biệt là những nhân vật nổi tiếng như các hot teen, hay đơn giản chỉ là add để được ngắm những bộ ảnh đẹp và xem họ ăn mặc như thế nào... nhiều teen cứ thế add về Facebook của mình một số lượng bạn khổng lồ. Minh Trang (16t) chán nản nói: “Mình cũng không phải kiêu kì gì đâu, thấy người ta add thì đồng ý. Nhưng chán nhất vẫn là có nhiều người add xong chả bao giờ nói câu nào với mình."  Nhiều teen cùng chung cảnh ngộ chia sẻ: “Mình hỏi các bạn ý rồi nhận được câu trả lời: “Ơ thế mình... add bạn à”, buồn cười hơn nữa là: “Ai đấy?”...
 

Nhiều teen kết bạn với những người thậm chí chẳng quen biết gì với mình. (Ảnh minh họa).
Nhiều teen kết bạn với những người thậm chí chẳng quen biết gì với
mình. (Ảnh minh họa).

Để khiến cho "căn bệnh" này lây lan cũng là do phần lớn teen mình thường chấp nhận lời mời kết bạn vì “quen tay”. Mai Chi (17t), sau một buổi sáng ngồi "dọn dẹp" lại friend list trên Facebook, cô bạn mệt phờ: "Mình cũng hay click đồng ý kết bạn theo thói quen thôi. Nhưng đến một hôm không chịu nổi số lượng tin post “không liên quan” đăng lên Home của mình mỗi ngày, mình đành ngồi xóa bớt những người không quen đi, đến lúc đấy mình mới phát hiện số lượng bạn bè add-mà-không-quen-biết hình như chiếm gần nửa friend list của mình, hic." Chẳng mất gì nếu teen kết bạn với người khác, nhưng thử tưởng tượng xem chúng ta kết bạn với họ rồi "im thin thít và lặn mất tăm” thì người đó sẽ nghĩ sao?

Thể hiện bản thân quá đà


Ai cũng đều muốn thể hiện bản thân một cách hoàn hảo để được bạn bè nể phục.  Nhưng có thực sự tốt khi một bộ phận giới trẻ ngày nay đang sở hữu một cái “tôi” quá lớn? Lâm (17t) vốn là một tín đồ của nhạc rap. Không hề lạ lẫm khi khắp các page về âm nhạc trên Facebook đều có bóng dáng anh chàng cùng những lời nhận xét, chia sẻ rất “chuyên môn” và “bài bản” đến nỗi các thành viên cứ phải... căng mắt để “đọc hiểu”. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu anh chàng không ba hoa thể hiện sự hiểu biết của bản thân trên một diễn đàn nhạc rap. Cậy rằng mình là người quen của anh chàng ca sĩ này, cô ca sĩ kia, Lâm “oai phong” bước vào diễn đàn và lôi những chuyện từ thuở ngày xưa của anh bạn ca sĩ kia, rồi cứ thế... độc thoại một mình, khiến cho các thành viên ngỡ ngàng chẳng hiểu gì. Nhiều thành viên đã chia sẻ rằng Lâm càng nói càng thể hiện sự thiếu hiểu biết, thùng rỗng mà còn kêu to. Sau “thảm kịch” do chính anh chàng gây ra, Lâm không còn giữ được “uy tín” như ngày trước nữa. Mọi câu nói của anh chàng đều bị mọi người lờ đi, thậm tệ hơn là bị “ném đá” liên tục.

Nói tục, post status "sốc" để chứng tỏ bản thân…


Hoàng Long (17t) kể lại rằng: “Mình có một đứa bạn thường xuyên update status, có hôm còn thay đổi... từng giờ. Điều này thì cũng chẳng có ai phàn nàn, nhưng đặc biệt là trong mỗi status của bạn đó lại phải có vài ba lời tục tĩu nghe rất khó chịu! Vậy mà bạn ấy lại cho rằng đó là cá tính, phải như thế mới hay…” Nói tục chửi bậy vốn đã là điều thiếu văn hóa rồi, giờ đây còn có nhiều bạn cho rằng đó là hay ho và “khoe” lên Facebook nữa. Điều này đã làm ô nhiễm thế giới Facebook của teen chúng mình đấy, nên "tẩy chay" sớm những đối tượng này thôi, bạn nhé!

Spam liên tục trên trang cá nhân

Có rất nhiều shop online hiện nay hoạt động trên Facebook, đó cũng hoàn toàn hợp lý khi Facebook phủ sóng rộng rãi khắp nơi. Thế nhưng, có nhiều shop, thường là shop có chủ "xì - tin", đã đi kết bạn khắp nơi, add friend list vô tội vạ và sau đó spam, spam và spam… Quảng cáo thì cũng có thể chấp nhận, nhưng một vài lần và một vài tin thôi thì chắc sẽ không khiến teen mình phải bực mình đâu. Thu Giang (16t) chia sẻ: “Vừa mới sáng ra mở Facebook lên đã có hàng chục cái tin spam trên tường của Facebook mình, mất công ngồi xóa đi, lại lẫn lộn hết với tin của người quen mình nhắn… Thật phiền phức!” Hành vi này thì cũng chỉ coi là mất lịch sự một chút, nhưng các chủ shop online đó có lẽ nên kiểm soát số lượng quảng cáo của mình. Đặc biệt là các cô chủ, cậu chủ nào là teen thì đừng nên lợi dụng friend list đầy ắp bạn bè để spam nhé, chẳng những không bán được hàng mà còn để lại ấn tượng xấu đó.

Những “nhóm, hội” gây phản cảm…


Từ khi Facebook trở nên gần gũi với teen mình, có nhiều nhóm, hội hay các fanpage đã được lập ra để teen có thể vào đó giao lưu, trao đổi và gặp gỡ những người có cùng sở thích. Các bạn có thể tham gia các fanpage của một thần tượng nào đó, một bộ phim, hay kể cả chỉ là… một loại đồ uống. Nhưng rồi hàng loạt các fan page, các group vô bổ, nhảm nhí, thậm chí là phản cảm cũng xuất hiện theo. Anh Thư (16t) một teen girl thường xuyên "lướt" Facebook tâm sự: “Lang thang trên Facebook mình gặp rất nhiều “nhóm” với tên gọi khiến người ta phải chú ý tới như “Ngực…”, vào đó thì mình mới tá hỏa là toàn những ảnh khiêu khích hay tương tự như thế. Rùng mình hơn khi tớ xem được comment trò chuyện của các bạn trai trong page đó… bậy bạ khủng khiếp!”. Ngoài ra, Facebook còn thường xuyên xuất hiện các anti - fan page, chuyên để các thành viên vào "ném đá", bới móc, soi mói một đối tượng nào đó, rồi thoải mái chửi rủa chẳng cần quan tâm đến lời lẽ gì hết… không những thừa thời gian mà còn thể hiện sự thiếu văn minh nữa.


Theo Pháp luật xã hội

alt