Guardiola ra đi và dấu chấm hết cho một chu kỳ thành công của Barca?

27/04/2012 14:38
Nguyễn Đỉnh
(GDVN) - Josep Guardiola, HLV thành công nhất trong lịch sử Barcelona đã quyết định ra đi sau khi cùng đội bóng giành 13 danh hiệu (trên tổng số tối đa 18 có thể) sau 4 mùa giải gắn bó. Liệu đó có phải là dấu chấm hết cho một chu kỳ thành công rực rỡ của những người Catalunya?
Những thành công tiếp nối thành công của Barca suốt 4 năm qua ghi đậm dấu ấn của Guardiola với tiqui-taca đã được phát triển tới mức hoàn chỉnh và tính hệ thống tuyệt đối, gắn liền với một lứa cầu thủ xuất chúng đang ở độ chín. Nhưng cũng không thể phủ nhận yếu tố may mắn đã tác động rất lớn tới Barca, điển hình là ở vòng bán kết Champions League các năm 2009, 2011, Barca sau đó đều lên ngôi vô địch và có vẻ như Chúa ở sau lưng họ.
Chu kỳ thành công của Barca chấm dứt sau sự chia tay của Guardiola.
Chu kỳ thành công của Barca chấm dứt sau sự chia tay của Guardiola.
Nhưng may mắn đã hoàn toàn trốn chạy khỏi Camp Nou trong mùa giải này. “Lucky Lady” đã ngoảnh mặt với đội quân của Guardiola, Barca bị Chelsea loại sau 2 trận đấu mà 99% CĐV trung lập cho rằng họ xứng đáng thắng, khi Barca đã tung ra tới tổng cộng 47 cú sút sau 180 phút (4 lần bóng chạm xà, cột) nhưng chỉ đổi lại 2 bàn thắng. Khi thần may mắn quay lưng lại, Real Madrid bắt đầu lấn át, và Guardiola ra đi, có phải chu kỳ thành công của Barca đã đi đến hồi kết? Sẽ là quá sớm để nói “đúng” nếu nhìn vào tuổi tác của các ngôi sao. Trong đội hình Barca, chỉ có Puyol, Xavi, Keita, Valdes và Villa là ngoài 30; còn lại, Iniesta và Mascherano mới 27; Pique 25; Messi, Fabregas và Pedro mới 24; Busquets và Alexis Sánchez 23; trong khi những viên ngọc Thiago, Cuenca và Tello mới chỉ 20, 21… Với độ tuổi trung bình 24.7, Barca là đội bóng trẻ thứ hai trong 4 đội dự Champions League, chỉ già hơn Real (24.6) và trẻ hơn nhiều so với Chelsea (26.4), Bayern (25.6).
Barcelona của Guardiola không phải là đội bóng bất khả chiến bại.
Barcelona của Guardiola không phải là đội bóng bất khả chiến bại.
Đội hình Barca còn rất trẻ và đang ở độ chín. Nhưng lịch sử chỉ ra rằng có những chu kỳ thành công rực rỡ nhất đã chấm dứt ngay ở đỉnh kỳ vọng. Ví dụ sống động nhất, Real Madrid đoạt Cúp C1 thứ 5 liên tiếp năm 1960 khi các trụ cột đều đạt phong độ cao, Di Stefano 33, Puskas 32 và Santamaria 30. 6 năm sau Club Blanco mới lại vô địch Cúp C1 dù trong 6 năm ấy, Real 2 lần vào chung kết và 4 lần chiến thắng ở Liga. Bayern Munich là một ví dụ khác. Khi “hùm xám” vô địch Cúp C1 lần thứ 3 liên tiếp năm 1976, hai biểu tượng Franz Beckenbauer và Gerd Mueller mới chỉ 30, còn thủ môn Sepp Maier 32. Nhưng gã khổng lồ Bavaria phải mất thêm 25 năm mới chạm tay được vào chiếc cúp thứ tư, dù xen giữa là 3 lần vào chung kết. HLV Dettmar Cramer chia tay chỉ 1 năm sau khi vô địch châu Âu. Ajax Amsterdam của Johan Cruyff cũng có lần thứ 3 liên tiếp vô địch vào năm 1973. Ngay năm ấy “thánh” Johan chuyển tới Barca còn HLV Stefan Kovacs ra đi và 22 năm sau Ajax mới lại lên đỉnh châu Âu. Bởi thế dù vẫn sở hữu những ngôi sao hàng đầu thế giới đang ở đỉnh cao phong độ, Barca vẫn có lý do để lo lắng, nhất là khi trên ghế chỉ đạo không còn Guardiola.
Phản ví dụ AC Milan

Milan của Sacchi.
Milan của Sacchi.

AC Milan của Arrigo Sacchi là một phản ví dụ. Rossoneri vô địch Cúp C1 thứ hai liên tiếp năm 1990, một năm sau Sacchi từ chức nhưng chu kỳ thành công chưa đóng lại. Capello thay Sacchi và giúp Milan đoạt 2 Scudetto (1992, 1993), trước khi hủy diệt Barcelona 4-0 trong trận chung kết Champions League năm 1994. Mà lẽ ra Milan còn có thể thành công hơn nữa nếu không bị cấm dự Cúp C1 mùa 1991-92 (do từ chối thi đấu ở trận tứ kết lượt về gặp Marseille mùa giải trước đó sau sự cố hỏng dàn đèn và bị UEFA xử thua 0-3).
Nguyễn Đỉnh