Một thời trận mạc: “Tàu phải sống để mang cờ Tổ quốc về đất mẹ"

14/08/2011 13:07
Thiếu tá , CCB Đinh Xuân Tòng và chiếc búa được sử dụng để cứu tàu trong trận đánh ngày 2-8-1964.

47 năm đã trôi qua, song lời dặn của đồng đội trước lúc hy sinh vẫn luôn vang vọng trong tâm khảm Thiếu tá Đinh Xuân Tòng, nguyên Quân sĩ trưởng cơ điện tàu phóng lôi 339, chiếc tàu trực tiếp tham gia trận đầu thử lửa của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc, đánh trả Hải quân và Không quân địch ngày 2-8-1964...

Cậu bé mồ côi làng chài được giác ngộ cách mạng

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng), đời ông bà, cha mẹ đều bám biển cả mưu sinh nên ngay từ nhỏ, Đinh Xuân Tòng đã bươn chải trên sông nước kiếm sống. Trong một lần đi biển, người cha không trở về, gánh nặng gia đình càng đè nặng lên vai cậu bé Tòng.

10 tuổi, Tòng phải đi làm thuê, làm mướn, hết trông coi thuyền bè lại phục vụ việc vặt cho bà con ngư dân khi thuyền về bến. Lớn lên chút nữa, chàng trai chân chất "ăn sóng nói gió" được cách mạng giác ngộ. “Lúc đầu chỉ là giúp cán bộ cơm nước khi có cuộc họp kín tại địa phương. Sau đó là các hoạt động xã hội của thanh niên cứu nước, rồi đi dân công hoả tuyến phục vụ kháng chiến“, ông Tòng nhớ lại.

Khi miền Bắc giải phóng cũng là lúc Đinh Xuân Tòng nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng của Quân khu 3. Tòng được tổ chức giao chỉ huy hoạt động tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biển Hải Phòng, Cát Bà. Trong cơn bão lớn khủng khiếp tháng 9-1955, khiến gần một nghìn dân chài Hải Phòng thiệt mạng, ông cùng đồng đội dũng cảm vật lộn với sóng gió để cứu người và tài sản.

Thành tích ấy của ông đã được cấp trên khen thưởng. Năm 22 tuổi, ông Tòng chuyển về Cục phòng thủ bờ biển. Sau khi học xong Trường C45, ông được điều về công tác trên tàu 79 tấn thuộc Đoàn 130, rồi sau đó về Đoàn 135 tàu phóng lôi Hải quân.

Thiếu tá , CCB Đinh Xuân Tòng và chiếc búa được sử dụng để cứu tàu trong trận đánh ngày 2-8-1964.
Thiếu tá , CCB Đinh Xuân Tòng và chiếc búa được sử dụng để cứu
tàu trong trận đánh ngày 2-8-1964.


Trận đánh còn mãi trong ký ức

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, mỗi lần nhớ lại sự kiện ngày 2-8-1964, trái tim người lính già lại bồi hồi xúc động như chuyện vừa xảy ra hôm qua. Ông Tòng nhớ lại:

- Sau khi nhận lệnh xuất phát, chúng tôi di chuyển từ Vạn Hoa (Quảng Ninh) vào Hòn Nẹ (Thanh Hoá) ngay. Trước đó 2 ngày, chúng tôi đã tập luyện nhiều phương án chiến đấu trên biển. Anh em hầu hết còn rất trẻ song tất cả đều xác định tốt quyết tâm chiến đấu. Khi phát hiện thấy tàu Ma đốc, dù bị các loại pháo lớn, nhỏ của địch liên tiếp nã vào đội hình biên đội, rồi đến máy bay địch phát hiện, quần đảo, oanh tạc biên đội bằng pháo bầy, pháo chụp, song chúng tôi vẫn dũng cảm lao tới.

Nhớ đến trận đánh ác liệt năm nào, ông Tòng lại nhớ về người thuyền trưởng của mình. Ông tấm tắc:

- Phải công nhận thuyền trưởng Giản của chúng tôi rất giỏi. Trong cơn mưa đạn, anh vẫn bình tĩnh chỉ huy tàu cơ động tránh đạn và tìm lợi thế đánh trả. Mấy chục năm đã qua, trong tôi vẫn văng vẳng khẩu lệnh đanh thép “Chuẩn bị phóng lôi!’’ của thuyền trưởng Giản và hình ảnh quân địch chạy toán loạn trên tàu...

Tuy nhiên, cuộc tập kích của địch làm tàu 339 chịu nhiều tổn thất. Hệ thống máy tê liệt hoàn toàn. Đồng chí Định, sau khi kéo cò trợ lực phóng lôi bị trúng đạn gãy chân. Pháo thủ, Hạ sĩ Phạm Trẹo hy sinh tại chỗ. Ông Tòng cũng bị dính nhiều mảnh đạn vào cổ, ngực, máu ướt đẫm cả mảng áo trước ngực. Bị thương nặng nhất là Hạ sĩ Nguyễn Văn Luân, thợ máy, khi trúng đạn vào ngực.

- Luân quê ở Quảng Bình, trẻ và rất thông minh, nhanh nhẹn. Cậu ấy vừa mới rời ghế nhà trường...

Kể đến đây, giọng ông Tòng nghẹn lại:

- Biết mình bị thương nặng, không thể qua khỏi, Luân nắm chặt tay tôi thì thào: “Anh ơi, em đã không hoàn thành nhiệm vụ! Em không sống được... nhưng còn con tàu, con tàu của chúng ta nhất định phải sống. Các anh hãy mang cờ Tổ quốc về đất mẹ’’.

Lời nói, ý nguyện của Luân như tiếp thêm sức mạnh cho thủy thủ đoàn. Quyết tâm đưa con tàu 339 trở về đất liền trong mỗi người càng trở nên mãnh liệt

- Phải nghi binh tránh máy bay địch, tiếng thuyền trưởng hô to.

Đinh Xuân Tòng nhanh chóng đập thùng khói mù. Tức thì, một vầng khói lớn bao trùm mặt biển. Tiếng máy bay xa dần. Các thủy thủ lại lao xuống hầm máy. Khi ấy nước bắt đầu tràn vào tàu qua những vết thủng do đạn pháo địch. Ông Tòng dùng búa nhanh chóng bịt các lỗ thủng bằng nút đạn gỗ thông. Tiếng thuyền trưởng lại hô:

- Xem lại máy!

Đinh Xuân Tòng và người đồng đội tên Thạo nhanh chóng mở nắp hầm. Hơi nóng hầm hập phả lên khiến đôi giày vải của hai người chảy nhựa cao su. Mặc cho cái nóng đang hun bỏng rẫy, hai người tập trung kiểm tra và phát hiện thấy máy vỡ, đường ống dầu vỡ. Ngay lập tức, các ông kiểm tra máy nén khí, xử lý ống dẫn dầu song gió khởi động không còn. Hai người nạp thêm gió nhưng máy vẫn không nổ.

- Lại sửa, lại tiếp tục nạp đến 120 kg/cm2... Cứ thế, sau 2 tiếng vật lộn, tiếng máy quen thuộc đã khục khục trở lại rồi nổ rền vang. Chúng tôi rời khỏi khu vực chiến đấu hướng về đất liền, giọng ông Đinh Xuân Tòng bồi hồi xúc động...

{iarelatednews articleid='10573,10517,10487,10408,10511,10442,9953,6015'}

Theo Thu Hương/Báo Quân Đội Nhân Dân