Hiệu trưởng mua dâm nữ sinh trải lòng trong trại giam

04/02/2013 08:43
Công Lý
Chúng tôi dùng kẹo chúc Tết nhau sau đó trò chuyện cho tới sáng nhưng mỗi người theo đuổi một tâm sự riêng. Tôi nghĩ đến vợ con, nghĩ về những cái Tết trước đó, chợt thấy sống mũi mình cay cay', cựu hiệu trưởng Sầm Đức Xương. 
Sẽ hát khi đón giao thừa
Không còn tâm trạng tự ti, rụt rè của một kẻ tội lỗi, muốn trốn tránh ánh mắt soi mói của mọi người, Sầm Đức Xương khá thoải mái, cởi mở khi trò chuyện với chúng tôi, kể về ba lần đón Tết trong tù. Hai lần đầu ở trại tạm giam, Xương chỉ ngồi và nghĩ nhưng đến cái Tết thứ 3, anh ta đã đọc thơ còn năm nay, Xương bảo sẽ hát, một chuyện hiếm chưa từng xảy ra.
Vẫn dáng người tầm thước nhưng rắn rỏi, Sầm Đức Xương béo khỏe hơn so với những ngày ở trại tạm giam. Từ ngày về trại giam Quyết Tiến thi hành bản án 9 năm tù, Xương đã yên phận hơn, chính vì thế mà khi trò chuyện cũng rất cởi mở.
“Năm đầu tiên đón Tết ở trại tạm giam, trong phòng tôi chỉ có 3 người. Chúng tôi mang kẹo ra mừng tuổi nhau, vừa nói chuyện vừa ngóng xem đã đến giao thừa chưa”, Sầm Đức Xương mở lòng về cái Tết đầu tiên trong tù.
Đó là Tết năm 2010, sau khi bị bắt tạm giam mấy tháng, Xương còn hăng máu kêu oan nhưng trước thời khắc năm mới, anh ta cũng có chút chạnh lòng. Ba người một buồng giam, Xương ngó ra bên ngoài bằng cửa sổ mắt cáo mà nước mắt cứ thế ướt rượt khi nghĩ tới những cái Tết trước đó, ấm cúng, sáng choang bên vợ con chứ không lạnh lẽo, tối đen như bây giờ. Xương kể hôm đó nếu không có một phạm nhân đi lao động qua bảo tối nay là giao thừa đấy thì không biết đâu. Thế nên ăn cơm tối xong là cả ba người gồm Xương, một can phạm là bác sỹ và một người dân tộc nữa mang bánh kẹo gia đình gửi cho xếp xuống sàn xi măng rồi ngồi quây lại nói chuyện. Cứ lan man chuyện này chuyện kia song cả ba người đều cố dỏng tai nghe động tĩnh bên ngoài để đoán xem khi nào thì đến giao thừa.
“Chúng tôi chẳng nghe được bài chúc Tết của Chủ tịch nước, chỉ khi tiếng pháo hoa trong tivi nổ lụp bụp mới biết đã sang năm mới”, Xương kể. Nước trắng và kẹo thay rượu và phong bao lì xì để mừng tuổi nhau. Xương và hai người cùng phòng đã đón cái Tết đầu tiên trong tù như thế.
Sầm Đức Xương đang dạy chữ cho các bạn tù
Sầm Đức Xương đang dạy chữ cho các bạn tù
“Cái Tết thứ 2 cũng không hơn gì”, Xương kể tiếp. Do chống án và nhiều tình tiết đưa ra khi Tòa xét xử nên vụ án của Sầm Đức Xương được trả hồ sơ điều tra lại nên cựu hiệu trưởng mua dâm này tiếp tục ở lại trại tạm giam, chưa được đến nơi mới cải tạo.
Lần này buồng can phạm của Xương đông hơn nhưng cũng vì thế mà phức tạp hơn, không có được sự yên tĩnh để suy tư như năm đầu tiên. Cũng nước trắng, bánh kẹo và vài lời chúc suông nhưng cổ họng Xương nghẹn đắng khi nghĩ tới gia đình, nghĩ tới đứa con trai lớn vừa từ bỏ ước mơ làm giáo viên chỉ vì không vượt qua được nỗi mặc cảm trước xì xào dư luận. Xương kể năm đầu bị bắt giam, bạn bè, học trò cũng tới thăm, chúc tết nhưng càng khiến anh ta buồn và xấu hổ hơn.
“Tết năm ngoái, tôi không nghĩ mình lại có được một cái Tết vui vẻ đến vậy. Cũng mâm ngũ quả, bánh chưng, giò, kẹo,… khiến tôi nhớ những ngày đón Tết ở vùng cao khi chưa lập gia đình”, Sầm Đức Xương cởi mở. Là người khó tính và đôi chút mặc cảm song trước một không khí náo nhiệt với những gương mặt hớn hở, Sầm Đức Xương như quên đi thân phận “thằng tù”. Khi tham gia trò chơi hái hoa dân chủ, Sầm Đức Xương bốc được câu đề nghị kể chuyện hoặc đọc một bài thơ và ông đã chọn ngay bài thơ tình lãng mạn đăng trên báo đọc cho cả buồng giam..
Xương bảo năm nay sẽ dự định tham gia hát một bài nào đó cho thật ý nghĩa và hợp cảnh cho dù ngày còn ở ngoài đời, chưa khi nào ca hát.
“Tôi chưa bao giờ hát, kể cả thời còn làm sinh viên dưới Hà Nội hay lên tận bản vùng cao nhưng năm nay tôi sẽ hát. Đã xác định được tư tưởng rồi thì phải dẹp những buồn phiền sang một bên để tiếp tục sống. Với tôi sống để tiếp tục sửa lầm lỗi và trở về”, Sầm Đức Xương bộc bạch.
Được dạy học là cơ hội chuộc lỗi
Ngày đầu mới về trại giam Quyết Tiến cải tạo, Sầm Đức Xương được đưa về tổ làm mây tre đan tuy nhiên do mắt kém, không làm được nên một thời gian sau, anh ta được phân công dạy lớp xóa mù chữ cho phạm nhân. Lại được đứng trên bục giảng với phấn và bảng đen, Sầm Đức Xương bảo đó là một cơ hội để chuộc lỗi bởi không bao giờ nghĩ có ngày còn được làm thầy nữa. “Dù học sinh tôi dạy bây giờ chỉ là những người phạm tội song với tôi đó là một đặc ân lớn. Tôi làm gì còn đủ tư cách để đứng trên bục giảng nữa sau khi gây ra những việc làm trước đó, thế mà Ban giám thị vẫn còn tin dùng, chứng tỏ tôi chưa phải hoàn toàn bỏ đi”, Sầm Đức Xương tâm sự.
Một tuần hai buổi đứng lớp vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật nên những ngày còn lại Sầm Đức Xương được nghỉ và anh ta dùng khoảng thời gian đó để đọc sách báo, chuẩn bị bài cho những buổi học sau và tập thể dục. Trước khi đi tù, Sầm Đức Xương mắc bệnh khớp, tiểu đường, cao huyết áp, từ ngày được dạy học, có thời gian đi bộ, tập yoga nên sức khỏe khá lên rất nhiều.
Hỏi chuyện gia đình, Sầm Đức Xương bảo bây giờ vợ chồng, bố con gặp nhau trò chuyện cởi mở hơn trước rồi. Cậu con trai lớn đang học năm thứ 3 ĐH sư phạm, vì chuyện của bố đã không thể vượt qua áp lực, bỏ học về nhà khiến Sầm Đức Xương buồn mất mấy ngày nhưng rồi “tin vào quyết định của con” nên Xương đã khuyên con trai nên đi học một nghề nào đó. Giờ thì con trai lớn của Sầm Đức Xương đang theo học một lớp kế toán ở Hà Giang, hàng tháng vẫn đèo mẹ xuống thăm bố.
“Tôi chỉ lo cho đứa con trai út đang theo học ở dưới Hà Nội”, Sầm Đức Xương chợt chùng giọng. Sống xa gia đình, học hành tốn kém trong khi gia cảnh rơi vào khó khăn kể từ ngày bố đi tù, lương của mẹ thì khiêm tốn nên nhiều lúc con trai Xương cũng muốn nghỉ học. “Mỗi khi nghe con tâm sự muốn nghỉ học, tôi lại thấy trong lòng quặn thắt. Mặc cảm tội lỗi lại ùa về nhưng không thể làm lại được nữa rồi. Tôi nhắn vợ khó khăn quá thì bán nhà đi lo cho con ăn học, còn người còn sức khỏe sẽ làm lại được”, Sầm Đức Xương tâm sự.
Hỏi Sầm Đức Xương mong ước điều gì, ông ta cười bảo chỉ mong vợ con khỏe mạnh, can đảm vượt qua giai đoạn khó khăn này còn ông ta sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình. 
Công Lý