Dortmund: Nếu vô địch Champions League thì sao?

24/05/2013 13:32
Hoàng Quân
(GDVN) – Borussia Dortmund sẽ đá trận chung kết với Bayern Munich ngày 25/5 này, nhưng sau đó họ sẽ phải tham gia vào cuộc chiến sinh tồn đầy nhọc nhằn.
Khó để có thể xác định rõ bí quyết vì sao Borussia Dortmund trở thành một đội bóng mạnh như ngày nay sau một thời gian chìm nghỉm cho tình trạng nợ nần, sự yếu kém trong quản lý tài chính ở đầu thiên niên kỷ mới.
Nói chính xác hơn, không phải là bí quyết nào cả, mà là một quá trình như thế này: Thuê HLV giỏi – Biến cầu thủ bình thường thành cầu thủ giỏi – Đoạt danh hiệu quốc nội – Dùng tiền thưởng từ các danh hiệu để mua cầu thủ rất giỏi – Vươn tới đỉnh cao.
Đó chính xác là con đường mà Dortmund đã đi trong thập kỷ 1990. Họ thuê Ottmar Hitzfeld, người biến một tập thể Dortmund chỉ ở mức trung bình tới ngôi Á quân Bundesliga trong mùa đầu tiên dẫn dắt, rồi năm tiếp theo lọt tới chung kết UEFA Cup và nhận 25 triệu Mác Đức cho ngôi Á quân. Sau đó là 2 chức vô địch Bundesliga 1995, 1996, và đỉnh điểm là chức vô địch Champions League 1997.
Sự thăng tiến gần đây cũng như vậy. Dortmund thuê Jurgen Klopp năm 2008, và ông quy tụ những cầu thủ chủ chốt của mình (tiêu biểu là bộ 3 Hummels – Gotze – Lewandowski) vào năm 2009 để sau đó  giành vé dự Europa League năm 2010. Những ngôi sao lớn khác lần lượt đến với Westfalen, và kế đến là 2 chức vô địch Bundesliga cùng suất dự trận chung kết Champions League sắp tới đây.
Một quá trình như vậy trên thực tế rất dễ thấy ở nhiều CLB khác, những đội bóng thành công ở một giai đoạn nhất định nhưng không duy trì được tên tuổi của mình về mặt lâu dài do nằm ở những khu vực địa lý ít dân cư hay thi đấu cho một giải đấu không được quốc tế chú ý nhiều. 


Wolfsburg là một ví dụ khi thành công với Felix Magath cách đây hơn nửa thập kỷ. Con đường của Wolfsburg cũng như thế, họ thuê Felix Magath, người dựng nên tam giác Misimovic – Grafite – Dzeko nổi tiếng, và Wolfsburg về đích ở vị trí thứ 5 trong mùa giải đầu tiên Magath dẫn dắt trước khi đoạt chức vô địch Bundesliga 1 năm sau. Sau sự thành công của Wolfsburg ở mùa 2008/09, Felix Magath ra đi và “Bầy sói” bắt đầu sa sút không phanh, kèm theo đó là sự ra đi của Edin Dzeko sang Man City và Grafite sang Al-Ahli. Wolfsburg từ đó đã sa thải 3 huấn luyện viên, và giờ lại đang sử dụng Felix Magath một lần nữa.
Còn với Borussia Dortmund, họ cũng trải nghiệm một quá trình tương tự. Sau mùa 2001/02 vô địch Bundesliga, Dortmund rơi vào cảnh nợ nần chỉ 3 năm sau khi trở thành CLB đầu tiên ở Đức lên sàn chứng khoán. Do quản lý tài chính yếu kém, họ phải bán tên sân để trả nợ (ngày nay là sân Signal Iduna Park, theo tên công ty bảo hiểm). Trong năm 2003, Bayern Munich phải ra tay cứu vớt kình địch khi cho Dortmund vay 2 triệu euro để thanh toán tiền lương. Năm 2005, Dortmund suýt phá sản khi cổ phiếu trên sàn chứng khoán sụt giảm 80% so với giá ban đầu khi mới lên sàn trước đó 5 năm, và CLB phải cắt 20% lương của tất cả các cầu thủ.
Bất chấp nằm ở một thị trường lớn tại Đức giống như Bayern Munich, Dortmund lại không bằng được Bayern về mặt quản lý và họ cũng không có được một thị trường rộng lớn ở bên ngoài lãnh thổ. Nếu như Dortmund vô địch Champions League, ổn thôi, họ sẽ thu hút sự chú ý của người xem bóng đá trên toàn thế giới. Thế nhưng sức ảnh hưởng sẽ không lớn là bao, khi mà những đội bóng lớn khác đã chiếm lĩnh thị phần ở các quốc gia đông dân. Manchester United, Barcelona và Bayern Munich đều có thị phần rất lớn ở châu Á.

Hiểu một cách đơn giản, miếng bánh đã được chia phần sẵn, những kẻ mới chen chân vào sẽ phải rất quyết liệt, thậm chí hiếu chiến để giành một phần bánh về cho mình. Cứ thử hỏi xem lý do vì sao nước Đức từng có chủ nghĩa Phát xít?
Vậy thì điều gì sẽ xảy ra với Borussia Dortmund nếu họ vô địch Champions League? Chưa nhìn thấy những điều tích cực đâu, nhưng chắc chắn họ sẽ mất Mario Gotze vào chính tay Bayern Munich. Và rất nhiều ông lớn khác – những kẻ chiếm giữ thị phần bóng đá và có sức mạnh tài chính vô tận trong tay – đang săm soi những cầu thủ sáng giá của Dortmund như Lewandowski, Marco Reus và Mats Hummels. Ngay cả Jurgen Klopp cũng trở nên ăn khách hơn bao giờ hết.
Đó là thực tế khắc nghiệt. Bóng đá chuyên nghiệp không chỉ là thể thao, nó là một ngành kinh doanh. Mà trong ngành kinh doanh ấy, những kẻ mạnh nhất là những kẻ độc quyền. Dù sản phẩm của những kẻ độc quyền có kém hấp dẫn, lượng người mua vẫn luôn đông đảo. Vô địch một cái cúp vẫn chưa có ý nghĩa gì nhiều (kể cả Champions League - cứ hỏi Porto về vấn đề này) về mặt làm ăn lâu dài. Xin được kết thúc bài viết bằng một câu nói đến từ ngài chủ tịch Uli Hoeness của Bayern Munich:

"Nếu bạn đi bộ trên đường phố Bắc Kinh và yêu cầu một người bất kỳ gọi tên một CLB của Đức, câu trả lời sẽ luôn là Bayern chứ không phải Dortmund".
Hoàng Quân