Để lan tỏa khát vọng Việt, cần đánh thức tinh thần dân tộc

10/01/2014 10:22
Độc giả Phục Long
(GDVN) - Tinh thần dân tộc là “liều thuốc mạnh” của người VN. Tinh thần dân tộc khi được khơi gợi lên cùng khát vọng làm giàu, lập nghiệp sẽ tạo ra sự cộng hưởng lớn...

Rất tâm huyết khi gửi bài viết đến chuyên mục Vì khát vọng Việt, độc giả Phục Long (Hà Nội) cho rằng: "Cái gốc rễ của sự phát triển là ở con người. Mỗi thường nhân hay vĩ nhân đều bắt đầu từ một đứa trẻ vì vậy, không có gì hiệu quả bằng giáo dục khát vọng tự lập, làm giàu cho con người ngay khi họ còn là những đứa trẻ". Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trích đăng nguyên văn bài viết "Làm thế nào để lan tỏa Khát vọng Việt" của độc giả Phục Long dưới đây:

"Sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, thế giới gọi Việt Nam là con hổ kinh tế bên bờ Thái Bình Dương. Nhưng khi chúng ta trở thành con hổ thì nhiều nước xung quanh đã kịp hóa thành rồng… Thực trạng đó cho thấy một điều: Chúng ta quá chậm! Mà trước tiên là chậm trong khát vọng vươn lên.

Sẽ không còn phải bàn nhiều về vai trò to lớn của khát vọng đối với mỗi con người nói riêng hay đối với đất nước nói chung, bởi thế kỉ XXI đã cho chúng ta hàng triệu triệu câu nói. Cái chúng ta cần bàn là làm sao cho khát vọng ấy lan tỏa ra xã hội, ngấm vào máu của từng người và trở thành động lực cho sự phát triển. Mà phải làm sao cho càng nhanh càng tốt.

Cái gốc rễ của sự phát triển là ở con người. Mỗi thường nhân hay vĩ nhân đều bắt đầu từ một đứa trẻ vì vậy, không có gì hiệu quả bằng giáo dục khát vọng tự lập, làm giàu cho con người ngay khi họ còn là những đứa trẻ.

Cái cần nhất của một quốc gia là lòng người, vạn người như một thì dẫu khó khăn cũng sẽ vẫn trụ vững. Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Cái cần nhất của một quốc gia là lòng người, vạn người như một thì dẫu khó khăn cũng sẽ vẫn trụ vững. Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Tại Nhật, trước khi bắt đầu buổi học, giáo viên thường nói với các em học sinh rằng nước ta còn rất nghèo, chúng ta không có tài nguyên thiên nhiên, đất nước ta luôn chịu nhiều thiên tai địch họa, vì vậy để thoát nghèo, các em phải nỗ lực học tập để làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước. Những lời giảng giải đó của người giáo viên đã in hằn lên vỏ não của những trẻ em Nhật, biến thành những động lực to lớn cho chúng học tập, sáng tạo và làm việc không ngừng. Nước Nhật đã hùng cường từ những đứa trẻ thơ.

Còn với chúng ta, sách vở vẫn còn đó những lời ngợi ca nước ta rừng vàng biển bạc, đồng ruộng bao la... trong khi sự thực nước ta vẫn còn ngổn ngang những khó khăn về kinh tế, xã hội chưa giải quyết được. Cách giáo dục như thế của chúng ta đã vô tình tạo ra “sức ì” trong tâm lý trẻ, triệt tiêu động lực phấn đấu vì gia đình và đất nước.

Hằng năm, có hàng nghìn học bổng được trao cho học sinh giỏi, có thể nhận thấy ¾ trong số đó là những học sinh con nhà nghèo. Tại sao vậy? Bởi hoàn cảnh là cái buộc con người phải thay đổi. Với những con người đó, trong đầu họ chỉ có một phương châm: Phải thay đổi và họ đã thành công nhờ sự thay đổi đó.

Cũng không phải ngẫu nhiên khi bài thuyết trình của ứng cử viên Barrack Obama (đưa ông trở thành Tổng thống Mỹ năm 2009) lại bắt đầu bằng 3 câu nói được hô vang “We are change! We are change! We are change!” (Chúng ta phải thay đổi).

Giáo dục phải thay đổi, nhưng thay đổi về nhận thức cần phải đi trước tất cả các thay đổi. Bởi nhận thức, tư tưởng là căn cơ của mọi sự biến đổi của con người. Giáo dục phải khơi lên trong mỗi người học tinh thần dân tộc.

Tinh thần dân tộc là “liều thuốc mạnh” của con người Việt Nam. Tinh thần dân tộc khi được khơi gợi lên cùng khát vọng làm giàu, lập nghiệp sẽ tạo ra sự cộng hưởng to lớn, làm chúng ta có đủ sức để đương đầu với bất cứ một khó khăn nào. Cái cần nhất của một quốc gia là lòng người, vạn người như một thì dẫu khó khăn cũng sẽ vẫn trụ vững.

Để lan tỏa khát vọng Việt và củng cố nó, không chỉ cần vai trò của giáo dục mà còn cần đến vai trò to lớn của truyền thông.

Truyền thông, với những ưu thế của mình đã và đang ngày càng tham gia sâu rộng và có tác động to lớn đến những biến chuyển của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của các quốc gia trên toàn thế giới. Sức mạnh của truyền thông là có thể điều chỉnh, hướng dẫn và tạo sự thay đổi trong nhận thức xã hội. Chúng ta phải khai thác triệt để vai trò này để tạo hiệu ứng domino đối với việc truyền bá khát vọng Việt.

Người Việt Nam và đăc biệt là người trẻ luôn có khát vọng, ý chí được vươn lên làm giàu, được khẳng định giá trị của bản thân. Nhưng những người trẻ, thế hệ trực tiếp gánh trên vai trách nhiệm nặng nề là phát triển đất nước, lại đang thiếu hụt những tổ chức, những công ty hay những mô hình kinh doanh cho họ “thực nghiệm”.

Máu nóng của tuổi trẻ và sự thiếu hụt này đã đẩy rất nhiều sinh viên tìm đến với mô hình kinh doanh đa cấp (mô hình bị xã hội phê phán nghiêm khắc) để rồi khi nhận lấy quá nhiều thất bại, họ trở nên chán nản, buông xuôi, phó thác cho dòng đời xô đẩy, mất đi hết những khát vọng ban đầu.

Ở đây, tôi không quy kết tội cho các công ty đa cấp, mà tôi cho rằng lỗi là do sự thiếu hụt kiến thức và kĩ năng, kinh nghiệm của người trẻ do họ không có môi trường để phát triển. Thế hệ trước chưa tin tưởng thế hệ sau, chưa chịu đầu tư để họ phát triển, không chấp nhận rủi ro như một lẽ tất yếu trong làm ăn kinh tế… điều đó đã buộc người trẻ phải tự thân vận động. Và trong khi tự đốt đuốc để soi đường đi giữa bao nhiêu chông gai, sự thất bại, đổ vỡ đã xảy ra với đa số họ.

Chính vì thế, để củng cố niềm tin cho khát vọng, đòi hỏi sự dấn thân của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Bởi tạo lập được sự lan tỏa sự khát vọng Việt trong xã hội đã khó, giữ cho nó không bị phai nhạt lại càng khó hơn.

Nói như tác giả Vũ Tuấn Anh – Viện quản lý Việt Nam, để khát vọng Việt không còn là cơn khát, chúng ta cần phải Nói và Làm. Chỉ có như vậy mới có thể hoàn thành ước nguyện trong tương lại không xa, đất nước ta hóa thành rồng!".

Độc giả Phục Long