Bạo lực học đường sẽ tạo nên những Lê Văn Luyện tương lai

05/05/2012 10:09
Nguyễn Thơm
(GDVN) - Học đường là môi trường chuẩn mực của xã hội, nhưng hiện nay, môi trường ấy đang sống chung với quá nhiều bạo lực. Điều cần làm là xóa sổ bạo lực.
Bạo lực học đường – chuyện xảy ra như cơm bữa
Hình ảnh những vụ bạo lực kinh hoàng trong lớp học cũng như thái độ thờ ơ, vô cảm của giới trẻ ngày nay xảy ra quá đỗi quen thuộc, cứ như chuyện cơm ăn nước uống hằng ngày. Chỉ cần xảy ra những mâu thuẫn rất nhỏ như chuyện cãi nhau lặt vặt trên lớp, chuyện đứa này nhìn xéo, đứa kia liếc đểu, hay chuyện yêu đương nhăng nhít… mà học trò sẵn sàng “ thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, thậm chí sử dụng cả “ hàng nóng” để thanh toán nhau. Học trò cư xử với nhau theo kiểu côn đồ, chẳng khác gì xã hội đen. Không nói đâu xa, chỉ trong tháng 4/2012 mới đây nhất, liên tiếp những video clip bạo lực học đường được phát tán tràn ngập trên mạng. Đầu tháng 4, một nữ sinh THCS Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động, Hưng Yên) đã bị một nhóm nữ sinh đánh đấm vào mặt và bắt phải lột quần áo. Và hình ảnh của vụ bạo hành này sau đó cũng được tung lên mạng. Sáng 2/4, tại trường THPT Đông Thụy Anh (Thái Bình), một nữ sinh hung hãn đã cầm ghế và liên tiếp đập vào đầu bạn gái, vẻ ác độc không nên có ở độ tuổi teen bộc lộ khi nữ sinh đó xông vào tát và túm tóc giằng kéo khiến chiếc bàn học đổ lên người nạn nhân, trước sự chứng kiến của bao ánh mắt vô hồn của đám học trò. Ngày 8/4, một nhóm nữ sinh đã dùng điếu cày “xử” nhau. Vụ ẩu đả xảy ra tại Sơn Tây (Hà Nội). Số nữ sinh trên được xác định đang học lớp 10 của một trường cấp 3 trên địa bàn. Hay vào ngày 23/4, tại trường Cao đẳng nghề Việt Đức, phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh, sinh viên Doãn Văn Điền, 19 tuổi, trú tại xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) do một số mâu thuẫn trên lớp đã dùng dao đâm chết bạn mình là Nguyễn Đức Biên (22 tuổi) trú tại xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Những mầm mống phát sinh
Vấn nạn bạo lực học đường hoành hoành trong xã hội hiện nay xuất phát từ muôn vàn lí do. Ví dụ như: không thích thì đánh, nhìn mặt nó mà ghét, con bé đó kiêu hay đánh cần gì lý do,… Cũng có khi học trò đánh nhau là tự “ lăng xê” bản thân, ra vẻ oai, khiến mọi người phải nể sợ. Không chỉ dừng lại ở đó, bạo lực học đường còn xuất phát từ những nguyên nhân rất sâu xa. Đó là do các em thiếu sự quan tâm, chăm sóc và giám sát từ gia đình. Hay sự nuông chiều từ cha mẹ, các em thích gì, đòi gì là được nấy. Và có thể do cách giáo dục cũng như cách cư xử của những thành viên trong gia đình với nhau cũng như với những người xung quanh chưa đúng mực. Những thói quen xấu, hay những vụ cãi lộn, thậm chí là bạo lực trong gia đình đã gieo rắc lên đầu những đứa trẻ những thói quen xấu. Từ đó, ảnh hưởng tới cách cư xử và hành vi của các em bên ngoài xã hội. Nhiều trường học cũng chưa có những biện pháp thực sự hiệu quả trong việc giáo dục các em, chưa giúp các em nhận thức được văn hóa ứng xử giữa người với người sao cho thân thiện và đúng chuẩn mực. Đặc biệt, kĩ năng sống của học trò còn rất kém, các em không biết cách xử sự, giải quyết những mâu thuẫn sao cho thỏa đáng mà chủ yếu sống theo bản năng, bộc phát và hết sức nông nỗi. Nguyên nhân của tình trạng bạo lực còn xuất phát từ phía xã hội. Xã hội càng phát triển thì càng có nhiều những tệ nạn với nhiều hệ lụy. Cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet là sự bùng nổ của các loại game và những bộ phim chưởng đầy bạo lực. Chính những hình thức giải trí này đã dần hủy hoại nhân cách đạo đức của bộ phận đông đảo là giới trẻ. Và nặng nề hơn, chúng làm cho lối sống của giới trẻ bị lệch lạc, dễ bị kích động, khó kiềm chế, kiểm soát bản thân và sẵn sàng giải quyết bằng vũ lực, gây tổn thương cho người khác. Bên cạnh đó, trong xã hội này đâu đâu cũng thấy bạo lực, nào giết người cướp của, thầy đánh trò, trò cãi thầy, bạn đánh bạn,… đã khiến học trò bị tiêm nhiễm thói xấu và rất có thể sẽ hình thành nên những thế hệ Lê Văn Luyện tương lai.

Cần gắn kết gia đình - nhà trường - xã hội
Nhân cách của con người được hình thành khởi điểm từ nền móng của gia đình. Sau đó mới phát triển và hoàn thiện trong môi trường giáo dục và tự giáo dục. Vì vậy, chúng ta cần phải biết gắn kết mô hình gia đình – nhà trường – xã hội để đẩy lùi bạo lực học đường. Về phía gia đình, cần phải có những biện pháp giáo dục trẻ ngay từ nhỏ. Mỗi thành viên trong gia đình phải gây dựng tình thương và lối sống văn hóa chuẩn mực cho trẻ. Đồng thời, mỗi người phải là tấm gương sáng về đạo đức và cần loại bỏ bạo lực ra khỏi gia đình. Về phía nhà trường, cần phải có những biện pháp giáo dục giúp học sinh nhận thức được văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả giáo dục thông qua các môn Văn và Giáo dục công dân. Đồng thời, nhà trường có thể thêm một phòng tư vấn về tâm lý cho học sinh cũng như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, gắn kết tình cảm cộng đồng và hình thành kĩ năng sống cho học sinh. Về phía toàn xã hội, cần phải củng cố, nâng cao vai trò của mình. Xã hội phải hướng tới những giá trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những nguồn văn hóa phẩm độc hại. Nhất là cần ngăm cấm những loại game bạo lực và phim ảnh đồi trụy. Hi vọng tương lai không xa sẽ không còn bạo lực học đường, chỉ có  tình  thương yêu và rộn tiếng cười học trò nơi sân trường!

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (30/4- 6/5): Bạo lực học đường

 
 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

 

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Nguyễn Thơm