Mở rộng chế độ thương binh - liệt sĩ cho nhà báo?

18/05/2012 11:02
CN. Vũ Xuân Triệu, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵn
(GDVN) - Lực lượng vũ trang có chế độ Thương binh - Liệt sĩ. Nhà nước cũng nên cân nhắc mở rộng hơn chế độ này cho những người làm báo.

Nghề làm báo - nghề nguy hiểm. Vì nhiệm vụ, những người làm báo có thể bị thương, có thể không bảo toàn được tính mạng của mình và để lại đằng sau họ là gia đình. Chúng ta cần ghi nhận công lao của họ bằng một tấm bằng "Tổ quốc ghi công", một tấm thẻ thương binh...

Từ trong những ngày tháng trước Cách mạng tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và ngay cả bây giờ, những người làm báo là những con người cống hiến thầm lặng cho sự thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ xuất hiện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội để truyền tải thông tin đến chúng ta hàng ngày. Nhưng không phải lúc nào công việc ấy cũng thuận lợi, để lấy được tin bài không ít nhà báo phải đánh đổi bằng tính mạng của mình.

Thành quả cho sự hy sinh của họ là những vụ tham nhũng, những góc khuất của tệ nạn xã hội... được đưa ra ánh sáng công luận. Đó là đóng góp to lớn cho xã hội mà ai cũng dễ thấy được. Vậy có ai đã bao giờ đặt câu hỏi rằng: cá nhân những người làm báo đó họ được gì?

Tiền nhuận bút?

Đó là tiền trả cho những nhà báo khi có "sản phẩm" được đăng và có độc giả. Song ít người biết rằng số tiền đó chỉ có sau khi nhà báo vượt "chỉ tiêu" số lượng bài viết theo quy định của tòa soạn. Tuy nhiên với những nhà báo dành tâm lực của mình cho nghề báo thì đó có lẽ không phải là chính yếu. Điều quan trọng, đó là trách nhiệm của người làm báo phải làm để xứng đáng với tấm thẻ nhà báo mang trên ngực áo.

Thù hằn cá nhân, hành hung, dọa giết...

Điều này không hiếm gặp... Nhiều trường hợp, sau khi các tin bài phản ánh những tiêu cực được đăng, các đối tượng có liên can gọi điện đe dọa cá nhân và gia đình nhà báo... Độc giả chắc chưa quên phiên tòa xét xử những kẻ côn đồ ở thành phố Vinh - Nghệ An chém trọng thương nhà báo Võ Thanh Mai (Báo Nông nghiệp Việt Nam). Vụ nhà báo Hồng Sơn (Báo Đất Việt tại miền Trung) bị gọi điện "dọa giết" phải nhờ sự can thiệp của Công an tỉnh Quảng Nam mới bảo toàn được tính mạng. Hay vụ việc phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (tại Bình Phước) bị nhóm côn đồ hành hung khiến công an huyện Đồng Phú (Bình Phước) phải vào cuộc... Và mới đây nhất là sự vụ hai nhà báo VOV bị hành hung ở Hưng Yên.

Đấy là những gì những người vạch trần tiêu cực trong xã hội nhận được đằng sau những trang viết và tên tuổi. Những bản án nghiêm khắc dành cho những kẻ côn đồ hành hung nhà báo đã được tuyên. Song vết thương mà họ mang trong mình vẫn còn mãi với thời gian. Những bất trắc cả trước và sau khi những "người làm báo nguy hiểm" thực hiện nhiệm vụ luôn rình rập họ và gia đình.

Nhưng với tinh thần "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà", họ vẫn sẵn sàng dấn thân vào những "vùng tối" của xã hội. Họ cũng giống như những người chiến sĩ sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng đổ máu vì sự bình yên của cuộc sống nhân dân.

Bởi vậy, mở rộng hơn chế độ này đối với nhà báo là sự ghi nhận cho những đóng góp của họ đối với xã hội bên cạnh những tên tuổi đằng sau các bài báo.


Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (14/5- 20/5): Nghề báo - Nghề nguy hiểm

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
CN. Vũ Xuân Triệu, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵn