Giờ Trái đất - không chỉ là tắt đèn

Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

30/03/2012 14:41
Bùi Thuỷ
Chiến dịch Giờ Trái Đất với thông điệp “tắt đèn, bật tương lai” sắp bắt đầu. Nhưng liệu đã là đủ nếu chỉ tắt đèn?

Việc tắt đèn trong 1 tiếng đồng hồ ở nhiều nước trên thế giới đã đem lại một hiệu quả không hề nhỏ, đặc biệt trong việc tiết kiệm được một nguồn năng lượng điện khổng lồ và giảm thiểu được khối lượng lớn những chất thải độc hại thải ra hại môi trường. Tuy nhiên, sau 1 tiếng đồng hồ ấy, phải chăng cuộc sống lại quay lại với quỹ đạo bình thường và chúng ta vẫn tiếp tục làm tổn hại đến môi trường sống – ngôi nhà chung của chúng ta?

Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi sẽ làm nhiều hơn thế.

Phát động chương trình “bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình”

Đây là thông điệp mà tôi sẽ chuyển đến đông đảo tất cả mọi người đang sinh sống trên đất nước Việt Nam (ở đây tôi chỉ xin đề cập phạm vi trong nước). Thông qua các phương tiện truyền thông: báo in, báo mạng, truyền hình, phát thanh…, tôi sẽ chuyển tải những hình ảnh thiên nhiên của chúng ta đang bị hủy hoại ra sao.

Đó là những cánh rừng đang bị chặt phá, tiếng những con thú hoang kêu gào như man rợ khi mất đi mảnh đất sống, tiếng lửa cháy bùng bùng trên những cánh rừng khô, cảnh lũ quét chực trào xuống cuốn trôi nhà cửa, con người…đến những hình ảnh những làn khói đen thải từ các nhà máy, những dòng sông rác chất đầy làm tắc nghẽn dòng chảy, băng tan, nước biển dâng làm Trái Đất đang bị méo mó…

Tất cả sẽ tạo nên một sự ám ảnh đối với người xem và nó cũng như là một lời kêu cứu, khẩn cầu của môi trường sống đến con người.

Với mỗi cá nhân, tôi sẽ khuyến khích nhớ tắt đèn khi ra khỏi phòng. Những bóng điện “hành lang” sẽ không được bật khi không cần thiết. Bên cạnh đó là yêu cầu mọi người thực hiện những hành động nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tự đốt các loại vật liệu độc hại gây ô nhiễm môi trường không khí; hoặc đơn giản hơn là thu gom các loại phế liệu sau khi đã sử dụng để tái chế tái sử dụng.

Hằng ngày, chúng ta sẽ vệ sinh sạch sẽ ngôi nhà của mình, hàng tuần cùng với những người hàng xóm chung quanh vệ sinh đường làng, khu phố của mình. Những việc làm này được tiến hành thường xuyên sẽ góp phần làm cho đường phố, làng xóm sạch sẽ, gọn gàng hơn, con người từ đó cũng khỏe mạnh theo.

Đây là những việc làm tưởng chừng như thật bé nhỏ nhưng ý nghĩa của nó lại không tầm thường một chút nào. Bởi mỗi hành động vì môi trường của mỗi người sẽ được nhân lên thành hàng triệu người.

Vệ sinh làng xóm, ngõ phố là bảo vệ môi trường và cuộc sống của chính bạn (nguồn internet)
Vệ sinh làng xóm, ngõ phố là bảo vệ môi trường và cuộc sống của chính bạn (nguồn internet)

Những hoạt động này, một mặt tôi vừa khuyến khích mỗi người dân thực hiện hành động, một mặt sẽ được đề ra trong quyết định yêu cầu các tổ trưởng dân phố, các trưởng thôn, xóm  thực hiện nghiêm túc. Nếu như không chấp hành, tôi sẽ có những hình thức xử phạt riêng biệt dành cho mỗi cá nhân, đơn vị phường xóm.

“Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”

Để góp phần chống lại Biến đổi khí hậu toàn cầu, trồng nhiều cây xanh đóng một vai trò không nhỏ trong việc tạo bầu không khí trong lành, cung cấp oxy cho sự sống và đặc biệt giữ được đất không bị xói mòn, tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật.

Về chiến dịch trồng cây xanh, ngoài các chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc ở nhiều vùng miền núi, tôi sẽ phát động mỗi người, mỗi nhà sẽ trồng cây xanh vào hàng tháng. Mỗi tháng như vậy, chúng ta có thể trồng nhiều cây xanh tùy theo từng điều kiện của mỗi nhà. Với những người có ruộng vườn, chúng ta sẽ trồng thêm các loại cây ăn quả, cây che bóng,.. Còn với những gia đình ở thành phố, chúng ta có thể trồng cây bằng những chậu cây cảnh có sẵn hoặc có thể sẽ trồng vào những khoảng đất còn trống của ngôi nhà.

Nếu như mỗi tháng, ít nhất chúng ta trồng được thêm một cây, một năm với số lượng người trồng lên đến hàng triệu, thì con số cây xanh được trồng thêm là một con số không hề nhỏ.

Trồng nhiều cây xanh góp phần làm cho môi trường trong lành hơn (nguồn internet)
Trồng nhiều cây xanh góp phần làm cho môi trường trong lành hơn (nguồn internet)

“Một cây làm chẳng nên non -  Ba cây chụm lại nên hòn đá cao”. Khi đó, không chỉ sức người cùng nhau hợp lại để hành động vì môi trường mà nhiều cây xanh nhỏ, mỗi lần được tái sinh, chúng sẽ góp phần làm môi trường trong lành hơn, chống lại môi trường khí hậu đang bị suy thoái hằng ngày.

Bùi Thuỷ