Nếu tôi là ngăn bàn: Không muốn "2 trong 1" với thùng rác

06/04/2012 08:40
Lan Anh
Ngăn bàn là chỗ cất sách vở, đồ dùng của học sinh - sinh viên (HS-SV), nhưng từ lâu được kiêm nhiệm một chức năng khác - thùng rác.

Có câu: “Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ, cái ngăn bàn thì có liên quan gì đến tính cách của mọi người, chứ chưa nói đến số phận, nhưng quả thật, cái gì cũng có mối liên quan của nó.

Mọi việc bắt đầu từ việc các bạn trẻ ngày nay đang hình thành một thói quen vô cùng xấu: tiện đâu vứt đấy. Mỗi khi HS-SV mang đồ ăn, thức uống vào lớp là ngăn bàn sẽ được "ăn" một bữa no nê…rác. Từ vỏ hạt hướng dương, vỏ bánh vỏ kẹo, đến bánh mỳ thừa, lon nước..., họ không ngần ngại nhét vào ngăn bàn. Từ chỗ cất đồ dùng, sách vở, ngăn bàn trở thành cái thùng rác bất đắc dĩ với đủ loại rác.

Học sinh, sinh viên không ngần ngại nhét rác vào ngăn bàn
Học sinh, sinh viên không ngần ngại nhét rác vào ngăn bàn

Thói quen này của HS-SV không chỉ làm mất vệ sinh mà còn gây phiền hà khá nhiều cho các bác lao công. Bên cạnh việc quét rác dưới sàn nhà, họ còn phải làm thêm một động tác nữa là quét rác trong ngăn bàn. Gặp phải bạn “chơi ác”, nhét nguyên một hộp mỳ tôm ăn dở đầy nước vào ngăn bàn. Kết quả là chiếc cốc đổ ụp xuống, khiến cả sàn nhà và ngăn bàn, có khi cả người bê bết mỳ tôm!

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng ở chỗ nếu các bạn trẻ đã ngang nhiên vứt rác ngay trong ngăn bàn, nơi rất gần gũi với các bạn thì việc xả rác ở những chỗ công cộng - những nơi các bạn đến rồi đi sẽ dễ dàng đến mức nào.

Vô tư xả rác ở bất kỳ đâu dường như đang trở thành thói quen của nhiều bạn trẻ hiện nay. Chắc nhiều bạn biết câu danh ngôn: “Thói quen xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà, và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính”. Đến khi thói quen này trở thành “ông chủ nhà khó tính” thì đây cũng là lúc nó tham gia vào việc hình thành tính cách của các bạn. Đó là tính cách bừa bãi, vô trách nhiệm với bản thân, nhà trường, xã hội. Đến lúc này, dù bạn có muốn từ bỏ thói quen cũng rất khó bởi nó đã trở thành một phần của các bạn.

Còn số phận? Khi các bạn đã vô tư xả rác trên vỉa hè, chai lỳ với ô nhiễm môi trường thì làm sao có thể có trách nhiệm với cuộc sống? Chính các bạn trẻ đã “góp phần” đưa nhân loại đối mặt với những thảm hoạ thiên nhiên và những bệnh dịch nguy hiểm do ô nhiễm môi trường gây ra.

Hãy để ngăn bàn và thùng rác trở lại với đúng chức năng của nó.

Lan Anh