Phân nhóm đối tượng để kiểm soát thuốc lá

29/05/2012 16:28
Vũ Thị Thanh Nga
(GDVN) - Thuốc lá không khác gì thuốc phiện. Cũng là làn khói âm ỉ giết chết con người từng giờ từng phút.

Chỉ có điều cái chết của thuốc lá đôi khi làm người ta thỏa mãn với lí do: 50, 60, 70 là sống đủ rồi, đâu cần phải sống nhiều hơn thế và biết đâu trong 40.00 người chết mỗi năm vì ung thư do hút thuốc lá sẽ “trừ” họ ra?

Người ta hút thuốc ở những cuộc vui, khi chia sẻ nỗi buồn hoặc khi cần suy nghĩ. Đây là vấn đề thuộc về tâm lí của con người. Tuy nhiên phương pháp dùng truyền thông mang lại hiệu quả chưa thực sự cao. Cần biện pháp mạnh hơn nữa.

Một ví dụ thế này: Nếu không có Nghị định 13/CP của Chính phủ ngày 14- 3- 2007 về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì khẩu hiệu: “Nên đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông” sẽ không có kết quả như mong muốn.

Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định 1315/ QĐ- TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Theo đó, từ ngày 1/1/2010 nghiêm cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng; thực thi nghiêm chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất cứ một ai bị xử phạt mặc dù họ vẫn hút thuốc nơi công cộng. Ta vẫn thường thấy hình ảnh các thầy giáo cố hút thêm một hơi trước khi đứng trên bục giảng hay các bác sĩ vẫn hút thuốc ở hành lang; ở đám cưới, đám ma thì không thể thiếu khói thuốc,…

Để giảm tác hại của thuốc lá, chúng ta cần thắt chặt kiểm soát bằng cách phân nhóm các đối tượng.

1. Đối với nhóm đối tượng là nhân viên, cán bộ, công chức

56% nam giới ở Việt Nam hút thuốc lá, trong đó 65% số nam giới trong độ tuổi 25 đến 45. Phần lớn họ là nhân viên, cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị- xã hội. Để giảm thiểu tỉ lệ hút thuốc lá ở nhóm đối tượng này, cần đưa tiêu chí “không hút thuốc lá” là một tiêu chuẩn để xét duyệt các danh hiệu thi đua.

Bên cạnh đó, tiến hành trừ lương các đối tượng vi phạm hút thuốc lá ở nơi làm việc tùy theo mức độ vi phạm (nếu vi phạm từ 3 lần trở lên có thể trừ nửa số tiền lương). Cần lập ra tổ tự quản để kiểm tra và giám sát hoạt động này hoặc thực hiện giám sát chéo; cần có văn bản cụ thể để triển khai trên diện rộng. Phát động phong trào thi đua “không hút thuốc lá” giữa các nhóm, các tổ, các khoa, giữa các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức… với nhau để tạo động lực “loại bỏ hoàn toàn khói thuốc” tại nơi làm việc.

2. Đối với nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên (chiếm 31,6% tỉ lệ người hút thuốc lá)

Cứ 100 sinh viên nam thì có đến 40 người hút thuốc lá. Và có 44% nam sinh và 12% nữ sinh bậc trung học phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh có thói quen tai hại này. Đây là kết quả nghiên cứu do trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe Thành phố thực hiện tại 27 trường THPT trên địa bàn Thành phố. Đối với nhóm đối tượng này, ngoài công tác tư tưởng giáo dục thì cần coi đây như là công tác quản lí học sinh, sinh viên. Áp dụng các hình thức cảnh cáo, xử phạt như: lao động, hạ hạnh kiểm, học lực…

Các học sinh, sinh viên vi phạm sẽ không được kết nạp vào đoàn thanh niên và không được vào Đảng nếu không sửa đổi. Nên có đội cờ đỏ kiểm tra, phát hiện các bạn hút thuốc lá. Các trường hợp sau khi vi phạm có thay đổi tích cực thì khen ngợi, tuyên dương. Đặc biệt, các biện pháp nêu trên chỉ có tác dụng khi các thầy cô giáo, cha mẹ, ông bà,… là những tấm gương để các em noi theo. Nhà trường cần nghiêm khắc, nghiêm minh để tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh, trong sạch và công bằng.

3. Đối với nhóm đối tượng là người nông dân

Biện pháp hiệu quả nhất là tăng giá thuốc lá. Biện pháp này cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Theo kết quả nghiên cứu Tổng quan về Thuế Thuốc lá tại Việt Nam, hiện ở Việt Nam thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ năm 2008 là 65% giá xuất xưởng và 10% thuế giá trị gia tăng, tương đương 45% giá bán lẻ. Giá trung bình của một bao thuốc lá 20 điếu khoảng 3.500 đồng gần như thấp nhất thế giới. Vì vậy, nếu giá bán lẻ thuốc lá tăng khoảng 80% sẽ giảm được một tỉ lệ lớn người hút thuốc lá là nông dân.

Ngoài ra xin đề cập thêm một số biện pháp như: cấm hút thuốc lá ở đám cưới, đám ma. Nếu hộ gia đình hoặc cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, phạt tiền. Gia đình nào có người hút thuốc sẽ không được xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”,….

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (21/5- 31/5): Phòng chống tác hại thuốc lá

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Vũ Thị Thanh Nga