Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần cấm cả gốc, phạt cả ngọn

28/05/2012 08:45
Như Quỳnh
(GDVN) - Thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất "gây chết người" khi không được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Siết chặt quản lý là điều cần thết.

Những nghịch lý

Chỉ cần một loại sữa, một loại thực phẩm nào nghi ngờ có độc hại là mọi người đều lo sợ, hoang mang và ngưng sử dụng. Ấy vậy mà, thuốc lá được khuyến cáo sử dụng ngay trên bao bì “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” lại được tiêu thụ rất nhanh chóng.

Theo kết quả nghiên cứu “Đánh giá sự tuân thủ và hiệu quả của bộ cảnh báo sức khỏe in trên vỏ bao thuốc lá" của Trung tâm nghiên cứu và trợ giúp phát triển cộng đồng thì  gần  58% người được hỏi cho biết  những dòng chữ đó không khiến sợ hãi mà bỏ thuốc. Dường như, nếu chỉ dừng ở việc tuyên truyền bằng những dòng chữ, tạo những phòng hút thuốc riêng thì mọi thứ phòng chống hút thuốc coi như vô tác dụng.

Một nghịch lí nữa là ở Việt nam có tỉ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới nhưng giá thuốc lại vào hàng rẻ nhất thế giới, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Tuy có quy định cấm hút thuốc nơi công cộng nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Không có chế tài xử phạt, nhiều người vẫn ngang nhiên hút thuốc ở bệnh viện, trường học, nơi công cộng có mái che. Hầu như không có ghi nhận trường hợp nào vi phạm. Những nghịch lí này đã tồn tại từ nhiều năm qua, người hút cứ hút, nguy cơ bệnh tật và tử vong vẫn gia tăng, kéo theo gánh nặng về kinh tế và ô nhiễm môi trường.

Việc đánh thuế kinh doanh thuốc lá , buộc ghi những cảnh báo trên bao bì đã được thực hiện nhưng kết quả không cao, doanh nghiệp vẫn cứ sản xuất, bởi đây là mặt hàng đem lại lợi nhuận cao. Vì thế, công cuộc chống tác hại của thuốc lá như đem muối đổ biển.

Siết chặt khâu quản lí

Thuốc lá là nguyên nhân tử vong 40.000 người và ước tính 2030, con số tăng lên 70.000 nếu chúng ta không thực hiện những biện pháp, hiệu quả để giảm tỷ lệ hút thuốc. Điều đáng lo ngại, không chỉ  độc hại với người hút mà trên 33 triệu người lớn không hút thuốc và  2/3 số trẻ em cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của khói thuốc thụ động từ  gia đình, nơi làm việc.

Để mọi việc thực hiện có hiệu quả, cần “ cấm cả gốc, phạt cả ngọn”. Công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá, điều quan tâm trước hết là bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng khỏi khói thuốc thụ động. Với những phương pháp cũ, giờ đã không còn phù hợp. Cấm hút thuốc nhưng lại có phòng riêng cho người hút thuốc là điều không dễ thực thi, vừa tốn kém, lại không có tác dụng bảo vệ.

Ông Nguyễn Văn Hùng (Hưng Yên) có ý kiến : “Tác hại thuốc lá vô cùng lớn như vậy, ai cũng nhìn thấy, mới 3/25 căn bệnh liên quan đến thuốc lá đã tốn 2.300 tỷ đồng/năm để chữa bệnh. Tác hại như thế, tại sao không cấm triệt để? Hãy đánh thuế thật nặng như Trung Quốc, các nước tư bản. Những người đi viện do hút thuốc lá thì không được hưởng bảo hiểm. Đánh thuế trực tiếp như vậy để họ thấy tác hại của thuốc không chỉ với họ mà cộng đồng nữa. Cấm đồng loạt mọi chỗ, mọi nơi, chứ chỗ này cấm chỗ kia lại không thì thật không công bằng”.


Trẻ em vùng Hà Giang hút thuốc, trẻ em là đối tượng cần được quan tâm trong chiến dịch phòng chống tác hại của thuốc lá.
Trẻ em vùng Hà Giang hút thuốc, trẻ em là đối tượng cần được quan tâm trong chiến dịch phòng chống tác hại của thuốc lá.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, cần đánh thuế cao hơn, số thuế  đó được đóng góp vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, được đề cập trong dự án Luật chống tác hại thuốc lá ngày 22/5 vừa qua. Vừa giảm sự sản xuất và tiêu thụ thuốc lá, đánh thuế cao hơn giúp đóng góp một khoản không nhỏ vào việc đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Mặt khác, hình ảnh hoặc âm thanh thường tác động mạnh tới nhận thức con người hơn những con chữ vô hồn, tĩnh lặng trên vỏ bao kia. Thay vì in chữ, hãy in những hình ảnh gây giật mình, thậm chí khiếp sợ, mới đem lại tác dụng. Mà việc này, không hề gây ảnh hưởng đến ngân quỹ, hay chi phí gì cho nhà nước.

Ngăn chặn sự can thiệp ngành thuốc lá của tổ chức Y tế thế giới WHO  là trọng tâm có thể kiểm soát hiệu quả nạn dịch này. Bộ luật mới cần được đưa vào thực thi, khi thực hiện luật nhất thiết phải siết mạnh tay, chống đối luật thì sẽ phải chịu hình phạt đích đáng. Không được thực hiện luật nửa vời, có như thế công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá mới có hiệu quả được. Việc phòng chống tác hại của thuốc lá cần có sự vào cuộc của xã hội, không trừ một ai.

Nếu bạn là người Việt Nam, bạn sẽ cảm thấy thế nào khi sang Singapore nhìn thấy dòng chữ cấm hút thuốc lá bằng Tiếng Việt? Vâng, tiếng mẹ đẻ của các bạn chứ không phải dòng chữ “ No Smoking”  mà chúng ta đều được nhìn thấy hằng ngày tại khắp các trường học, công sở, bệnh viện. Thuốc lá với Việt Nam bây giờ trở thành một bệnh dịch nguy cấp cần chữa ngay chứ không đơn giản là phòng chống nữa rồi !

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (21/5- 31/5): Phòng chống tác hại thuốc lá

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Như Quỳnh