Tăng cường sử dụng hình ảnh sốc trên vỏ bao thuốc lá

29/05/2012 16:27
Đặng Hương
(GDVN) - Cảnh báo bằng hình ảnh trên bao thuốc lá có thể giúp tránh được khoảng 500 ca tử vong sớm do thuốc lá vào năm 2023 và khoảng 750 ca vào năm 2033.

Con số trên được đưa ra bởi tiến sĩ Jean-Marc Olive, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh diện tích lớn (từ 50% trở lên) có thể giúp tránh được rất nhiều ca tử vong do thuốc lá. 

Thực tế, phòng chống tác hại thuốc lá, nước ta đã áp dụng nhiều biện pháp như đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền; quy định cấm hút thuốc nơi công cộng… nhưng hiệu quả không đáng là bao khi Việt Nam là một trong những quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, giờ đây, chúng đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đơn giản bởi người ta chưa thực sự nhìn thấy tác hại khói thuốc hiện hữu ngay lập tức. Nó như thứ ma túy vô hình, âm thầm tồn tại, âm thầm xâm nhập và hủy diệt cơ thể. Như con mối gặm nhấm sức khỏe để đến khi biểu hiện thành bệnh thì hối hận đã quá muộn.

Đối lập với con số khủng kiếp về số ca tử vong vì thuốc lá, hiện nay, những cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá cũng như pano, áp phích ở Việt Nam còn quá giản đơn, khiêm tốn, nặng tính hình thức, đặc biệt dễ gây hiểu nhầm rằng: thuốc lá chỉ “CÓ THỂ” gây MỘT bệnh “ung thư phổi”. Nên chăng cần tăng cường sử dụng cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh?

Về lí thuyết, khoa học đã chứng minh hình ảnh tác động mạnh hơn tới trực quan con người so với chữ viết. Những hình ảnh sống động, chân thực về hậu quả của khói thuốc như hình ảnh bệnh nhân mình đầy dây rợ, hình ảnh một hàm răng ố, phổi bị hủy hoại… chắc chắn giúp người ta hình dung một cách rõ ràng nhất, cụ thể nhất tác hại từ khói thuốc.

Mẫu in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh sốc trên vỏ bao thuốc lá
Mẫu in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh sốc trên vỏ bao thuốc lá
Đồng thời, chúng sẽ gây sang chấn tâm lí, lưu lại trong bộ nhớ lâu hơn, ấn tượng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với dòng chữ vỏn vẹn vài từ “Hút thuốc có thể gây ung thư phổi” hay “Hút thuốc có hại cho sức khỏe”.

Liệu có ai còn muốn mua thuốc lá khi đập vào mắt mình là một hình ảnh cơ thể tàn tạ rất có thể của chính mình trong vài năm tới nếu duy trì thói quen hút thuốc?

Đã đến lúc, những hình ảnh sốc, đánh vào tâm lí sợ hãi, hoang mang của con người trên vỏ bao thuốc cũng như các tranh cổ động, pano… cần và rất nên được áp dụng khi các biện pháp khác đã trở nên kém hiệu quả.

Về thực tiễn, trên thế giới, đã có 23 quốc gia kí Công ước khung về việc đưa những cảnh báo sức khỏe khác nhau bằng hình ảnh và thông điệp, sử dụng luân phiên và chiếm 50% diện tích trở lên trên vỏ bao thuốc lá. Ngay những nước trong khu vực như Thái Lan đã quy định sử dụng 9 thông điệp; Malaysia, Brunei sử dụng 6 thông điệp in luân phiên và chiếm từ 60-90% diện tích vỏ bao thuốc lá.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các nước cũng đã cho thấy: những cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh thúc đẩy người hút thuốc bỏ thuốc và ngăn cản mọi người, đặc biệt là giới trẻ khỏi việc bắt đầu hút thuốc. Tại Brazin, 2/3 số người hút thuốc cho biết các cảnh báo sức khỏe làm họ muốn bỏ thuốc. Tại Canada, gần một nửa số người hút thuốc (44%) nói rằng các cảnh báo sức khỏe đã làm tăng động lực bỏ thuốc của họ.

Có thể nói: phương pháp cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh là cách làm hiệu quả và ít tốn kém nhất trong phòng chống tác hại thuốc lá. Rất mong, sắp tới, Luật phòng chống tác hại thuốc lá được ban hành sẽ tăng cường hơn nữa việc sử dụng hình ảnh sốc, coi đó là chiến lược trọng tâm để hướng tới một Việt Nam không khói thuốc.


Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (21/5- 31/5): Phòng chống tác hại thuốc lá

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Đặng Hương