Agribank dẫn dầu các ngân hàng có nợ xấu

21/08/2012 19:15
Hà Nhi
(GDVN) - Theo thông tin mới nhất từ Thống đốc NHNN trong phiên chất vấn chiều 21/8, Agribank có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất lên tới 6,14%.
Trước câu hỏi của đại biểu (ĐB) Quốc hội về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá về nợ xấu của các Ngân hàng Thương mại Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN không phải lúc nào cũng đánh giá được ngay mà phải có những đợt khảo sát, thanh tra. “Vừa rồi chúng tôi khảo sát vào ngày 31/3, ra con số nợ xấu là 8,6%, nhưng tại thời điểm này, để đánh giá nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước là bao nhiêu thì chưa có đủ cơ sở, tôi xin phép về sẽ đánh giá lại và sẽ gửi cho ĐB Quốc hội bằng văn bản sau”. Tuy nhiên, Thống đốc Bình cũng chia sẻ: Nếu tính theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành, nợ xấu tới ngày 30/6 của các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ trọng 3,76%, nợ xấu của các ngân hàng thương mại CP ngoài nhà nước vào cỡ 4,73%. Như vậy, theo báo cáo này, nợ xấu của các NH Thương mại cổ phần cao hơn các NH Nhà nước.
Tính tới thời điểm 30/6, ngân hàng NN và phát triển nông thôn (Agribank) có tỷ lệ nợ xấu cao nhất
Tính tới thời điểm 30/6, ngân hàng NN và phát triển nông thôn (Agribank) có tỷ lệ nợ xấu cao nhất
Ngoài ra, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng trình lên NHNN, hiện nay, Ngân hàng công thương VN (Vietinbank)nợ xấu 2,45% (tới ngày 30/6), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) là 6,14%, Ngân hàng đầu tư và phát triển VN (BIDV) 2,52%, Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) 3,55%, Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) 2,63%. Do đó, “theo con số này, Agribank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất” – Thống đốc Bình khẳng định. Mặc dù vậy, Thống đốc cho biết: tổ chức tín dụng có nợ xấu từ 16% trở lên mới được đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt”. Với câu hỏi: “Tại sao tổ chức tín dụng yếu kém không đưa vào diện phá sản”, Thống đốc giải trình: Đề án 254 của Chính phủ nêu rõ: trong thời điểm hiện nay, không để tổ chức nào phá sản để đảm bảo tính ổn định của các tổ chức tín dụng, không gây rối loạn nền kinh tế. Trong phần trả lời của mình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng lý giải lý do tại sao tỷ lệ nợ xấu do NHNN đưa ra lại “chênh lệch” quá lớn so với kết quả báo cáo của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng; trong khi theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Vị lãnh đạo nắm quyền cao nhất của NHNN cũng cho biết: có những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những con số khác nhau nói trên. Đặc biệt là có nguyên nhân từ sự chủ động của tổ chức tín dụng trong việc giấu nợ xấu để tránh trích lập dự phòng, để giảm bớt áp lực lợi nhuận… “Có những ngân hàng vẫn báo cáo kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, nhưng khi NHNN vào cuộc thanh tra mới lộ rõ thực chất” – Thống đốc Bình nhấn mạnh.
Hiện có 9 tổ chức tín dụng phải thực hiện tái cơ cấu và Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra tổng thể. Đáng chú ý là theo báo cáo của các tổ chức tín dụng gửi lên NHNN thì không có trường hợp nào có nợ xấu vượt quá 2,5%; thậm chí cả 9 đều báo cáo có lãi. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra trực tiếp thì có tổ chức tín dụng có nợ xấu lên đến trên 30%, đặc biệt có tổ chức tín dụng lên tới 60%, thậm chí không phải là có lãi nữa mà mất hết cả vốn tự có lẫn vốn điều lệ.

Theo đó, Thống đốc Bình nói rằng Ngân hàng Nhà nước không thể chỉ căn cứ vào báo cáo của các tổ chức tín dụng để điều hành, mà phải trực tiếp thông qua giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ để đánh giá thực chất nợ xấu của hệ thống. Và con số 8,6% tỷ lệ nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là đáng tin cậy hơn.
Hà Nhi