Ám ảnh những chuyến hàng "bão táp" nơi cửa khẩu Trung Quốc

03/08/2011 00:23
(GDVN) - "Bị ép giá vẫn còn chưa kinh khủng bằng việc chính thương lái TQ đặt hàng mình thu gom nông sản, nhưng khi mình mang hàng đến họ lại lật lọng...".

(GDVN) - "Bị ép giá phải bán rẻ cho thương lái Trung Quốc vẫn chưa kinh khủng bằng việc chính thương lái nước họ đặt hàng mình thu gom nông sản, nhưng khi mình mang hàng đến họ lại lật lọng không lấy hàng vì những lý do "trời ơi" chỉ chúng mới hiểu", anh Ng kể về những thương vụ với người Trung Quốc mà công ty anh từng giao dịch.

>> "Vựa thuốc Nam" bị thương lái phương Bắc tận diệt như thế nào?

Những chuyến hàng đầy nước mắt


Tốt nghiệp đại học Nông Lâm Thái Nguyên, anh Lê Anh Ng. (trú tại Thái Bình) quyết định thành lập công ty chuyên trồng và thu mua nông sản để xuất khẩu sang Trung Quốc. Chia sẻ với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam anh Ng. thốt lên: buôn bán với thương lái Trung Quốc, mạo hiểm lắm!

Công ty X.L của anh Ng. đặt trụ sở tại thành phố Hải Dương, chuyên thu mua các loại mặt hàng nông sản như dưa hấu, dưa chuột, bí đao, bí đỏ, ớt, dưa chuột, khoai... Đến nay, công ty anh được thành lập đã 3 năm, nhớ lại khoảng thời gian đó, anh Ng. tự nhận đã nếm đủ đắng cay, ngọt bùi của một thương gia buôn hàng sang Trung Quốc.

Bài học đau nhất mà anh gặp phải là mùa vải thiều năm 2008. Khi đó, vải rẻ và được mùa hơn năm nay. Anh Ng. cùng bạn bè trong công ty được mối nhờ đi gom hàng vải để xuất sang Trung Quốc. Một tuần đầu, 3 anh em trong công ty đi gom được hàng trăm tấn vải rồi cho xe chở thẳng lên Lạng Sơn.

Cảnh xe chở nông sản ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh. ảnh TT
Cảnh xe chở nông sản ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh. ảnh TT.
Mua vải tại Bắc Giang chỉ giá 2.500 đồng/kg, lần đầu lên đến cửa khẩu Tân Thanh, được khách bên đó trả 4,5 nghìn đồng/kg nhóm anh Ng. "mừng như bắt được vàng" vì như vậy là lãi gần gấp đôi. “Bọn anh trừ chi phí xe cộ, ăn uống thoải mái, chia lãi ra mỗi người còn được vài chục triệu", anh Ng. kể.
Sau chuyến đi, anh Ng nhanh chóng tiếp tục đi gom hàng đợt hai. Đợt này, mua với giá 3.000 đồng/kg tại vườn thì lên đến cửa khẩu, thương lái Trung Quốc bất ngờ ép giá khi cũng chỉ trả đúng 3.000 đồng/kg không hơn. "Lúc này, nếu mình không bán thì chẳng có ai vào mua nữa cả”, anh Ng cay đắng.

Xót ruột vì có thể thua đậm, anh bàn với đồng nghiệp bán rẻ rồi về. Nhưng khi đã đồng ý bán, thương lái Trung Quốc lại "trở mặt" không lấy  vì cho rằng tại vườn còn rẻ hơn rất nhiều và tiếp tục ép giá thấp hơn. Anh đành ngậm ngùi bán lỗ vì không muốn mất trắng.

“Nếu mình không biết tiếng Trung cực lắm, nó chửi mình ngu mình cũng chịu, mọi giao dịch chỉ nhờ vào mấy thông dịch viên nửa mùa câu được câu chăng. Mình muốn cầm đằng chuôi cũng khó”, anh Ng chia sẻ.

Chuyện những xe hàng ùn tắc tại cửa khẩu chờ thông quan sang nước bạn đối với những người đi buôn như anh Ng. là chuyện thường ngày ở phố huyện. Mỗi ngày có đến hàng trăm xe tải từ mọi miền đất nước đổ về cửa khẩu Tân Thanh, xe đổ về thì nhiều mà xe bán được hàng thì ít nên cảnh ùn tắc xảy ra hàng ngày.

Đau lòng mang hàng tấn ớt, dưa hấu đi bán lẻ

"Bị ép giá phải bán rẻ cho Trung Quốc vẫn còn chưa kinh khủng bằng việc chính thương lái Trung Quốc đã đặt hàng mình thu gom nông sản, nhưng khi mình mang đến họ lại lật lọng không lấy hàng vì những lý do "trời ơi" chỉ chúng mới hiểu. Không bán được hàng các tiểu thương xót của lại mang về các chợ đầu mối ở miền bắc bán lẻ cho nhân dân mình dùng", anh Ng trầm ngâm.
Nhắc đến đây, anh Ng. vẫn còn "cay nơi sống mũi" vì câu chuyện năm ngoái, anh mất vài chuyến xe đưa dưa hấu từ Bình Định ra Lạng Sơn. Xe chở 12 tấn dưa của công ty anh đến cửa khẩu xuất khẩu để làm thủ tục sang Trung Quốc, nhưng đến nơi, cửa khẩu đang ùn hàng, khách chê ỏng, chê eo hàng xấu. Không chỉ anh Ng. mà rất nhiều tư thương giống anh đều rơi vào cảnh, xe dưa "ngâm" ở cửa khẩu vài ngày liền. Dưa ế chỉ chờ thối. Cửa khẩu đang ùn tắc, mình cũng không thể mang dưa quay trở lại để bán lẻ được.

Anh đành chọn những quả ngon, quả còn tươi thuê xe nhỏ hơn chở về chợ đầu mối Gia Lộc, Hải Dương bán chạy để kiếm lại vốn. "Mua tại vườn giá  6.000 đồng/kg nhưng họ chỉ ép giá chừng đó hoặc thấp hơn", anh Ng nói.
Nhiều thương lái cho rằng chuyễn lỗ lãi là bình thường của nhà buôn
Nhiều thương nhân Việt cho rằng, buôn bán với Trung Quốc, lỗ
lãi, rủi ro là chuyện bình thường.
Năm 2010, anh Ng. và bạn bè phải chở cả xe 5 tấn ớt kim về chợ Long Biên (Hà Nội) bán lẻ từng kg trong vài ngày. Anh Ng. xót xa: “Lần đó bọn anh nhập hàng với giá 12 nghìn đồng/kg nhưng lên đến cửa khẩu, khách chê chỉ mua với giá 7 nghìn đồng/kg và bắt người bán phải đổ hết hàng xuống để chọn những quả ngon, ít hạt…
Nếu tính như vậy, một xe ớt có thể lỗ đến vài chục triệu trong khi đó ớt bán lẻ ở chợ Long Biên là 22 nghìn đồng/kg. Anh bàn với bạn bè mang ớt về chợ Long Biên bán, đằng nào cũng phải chở ớt về. Không chỉ bán lẻ ớt tại chợ Long Biên, nhiều lần khách chê hàng không lấy, thương lái Việt Nam còn phải chở đi bán hạ giá cho các nhà máy thực phẩm….

Sau nhiều lần suýt lâm vào cảnh "khuynh gia bại sản", công ty anh cũng rút là nhiều bàu học kinh nghiệm và dần tìm cách cầm đằng chuôi chứ không thể nắm đằng lưỡi mãi được. Anh Ng. "bật mí": “Công ty anh thuê hẳn phiên dịch tiếng Trung, góp vốn chung với người Trung và trong các vụ hợp đồng những loại nông sản dễ gặp rủi ro mình sẽ bắt họ ký hợp đồng và đặt cọc tiền trước, mình chỉ đi mua theo kiểu mua hộ".

Người Trung Quốc cung cấp hạt giống, cây chết... nông dân chịu


Không chỉ chuyên thu mua các loại nông sản, công ty anh Ng. còn được người Trung Quốc cung cấp hạt giống chịu trách nhiệm chuyên trồng các mặt hàng như ớt, bí đỏ, bí đao, dưa chuột, dưa hấu…

Đến giờ, anh Ng. không nhớ nổi công ty anh quản lý bao nhiêu diện tích cây trồng. Anh chỉ nhớ, diện tích kéo dài xuống cả Bình Đình, Phú Yên và sang cả bên Lào. Thông thường, chủ buôn người Trung Quốc sẽ cung cấp hạt, anh Ng. và bạn bè sẽ làm nhiệm vụ đi vận động người dân trồng cây nông sản thay vì chỉ cấy lúa. Ban đầu anh sẽ cung cấp hạt để người dân trồng và sau này khi thu hoạch sẽ trừ chi phí giống cây sau.

Trồng cây nông sản cũng không dễ chút nào, nếu bà con gặp thời tiết xấu như hạn hán, mưa lũ... mình cũng thua lỗ vì không gom được hàng, người dân mất mùa nhưng vẫn phải trả tiền giống cây.

Các loại hạt giống các thương gia Trung Quốc mang sang đều có giá lên đến vài triệu đồng/lạng nên nhiều người dân trồng cây bị chết đều phải hoàn tiền lại chủ hàng.

Phóng viên đặt câu hỏi trong trường hợp thời tiết xấu, mưa gió hoặc đất cát không phù hợp với loại cây trồng mà thương lái Trung Quốc muốn thu mua thì người dân được những gì?. Anh Ng. chỉ phân tích, nếu sản lượng thấp, thương lái Trung Quốc mua với giá cao hơn nhưng mất mùa thực sự thì người dân mình phải gánh chịu đầu tiên, người Trung Quốc không đền bù.

Lan Chi

>> Thương lái TQ vét cạn sản vật rừng, cả làng 20 năm ăn đong gạo

>> Nước mắt mặn chát nơi cửa khẩu do thương lái TQ ép giá

>> TS.Nguyễn Minh Phong bày chiêu đối phó “bẫy” thu mua của TQ

>> Bà Phạm Chi Lan “bắt mạch” những “ngón đòn hiểm ác” của thương lái TQ

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ: Điêu đứng "độc chiêu" phá giá

alt