Các chuyên gia hiến kế "triệt tiêu" tin đồn thất thiệt

26/10/2012 06:32
Duy Châu
(GDVN) - Các chuyên gia đều cho rằng, để ngăn ngừa các tin đồn thất thiệt cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trao đổi với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông (xin giấu tên) cho rằng, dưới góc độ truyền thông, những tin đồn thất thiệt xuất hiện trong thời gian vừa qua như sữa có đỉa bên trong... sẽ gây sụt giảm uy tín của thương hiệu, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng khá nặng, doanh thu sụt giảm. Còn đối với người tiêu dùng, nhưng tin đồn kiểu như có đỉa trong hàng loạt các thực phẩm khiến họ hoang mang, sợ hãi, mất niềm tin vào thương hiệu. Chia sẻ về hướng giải quyết các tin đồn này, chuyên gia này nhấn mạnh, nếu không có những giải thích thỏa đáng về tin đồn thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ có xu hướng tin vào tin đồn mà sợ hãi và hơn thế nữa là "tẩy chay" sản phẩm, thương hiệu đó.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

"Để tránh những tin đồn thất thiệt như hiện nay, không phải bất cứ doanh nghiệp nào có thể làm được mà nó cần sự phối hợp đồng bộ của các bên. Các cơ quan chức năng nên có hoạt động quản lý giám sát thường xuyên, chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra nên có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi tung tin đồn thất thiệt để răn đe, làm gương. Bản thân doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm trong tất cả các khâu đoạn để đảm bảo không có bất cứ vấn đề nào về sản phẩm. Khi xuất hiện tin đồn, cần có kế hoạch xử lý khủng hoảng khôn ngoan, tỉnh táo để kiểm soát tình hình, cần biết nói lời xin lỗi khách hàng để xoa dịu tình hình. Sau đó nhanh chóng xác minh tình hình để sớm có câu trả lời cho công chúng. Công chúng thường chỉ tẩy chay và giận dữ với những doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm và hay đổ lỗi mà thôi Ở góc độ người tiêu dùng nên bình tĩnh trước những tin đồn và tỉnh táo nhìn nhận vấn đề, không nên quá lo sợ khi chưa đủ thông tin xác đáng. Người tiêu dùng có thể tạm thời không sử dụng sản phẩm cho đến khi mọi thông tin rõ ràng nhưng không nên "vơ đũa cả nắm" và mất niềm tin vào tất cả những sản phẩm cùng loại khác", chuyên gia truyền thông khẳng định. Đồng quan điểm đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Tích, chuyên gia trong lĩnh vực bò sữa cũng nhấn mạnh, rõ ràng những tin đồn thiếu dẫn chứng, thiếu căn cứ khoa học này đều nhằm mục đích xấu, là phá hoại hoạt động sản xuất kinh doanh, phá hoại nền kinh tế của nước ta. "Những tin đồn thất thiệt, không có dẫn chứng cụ thể, thiếu căn cứ khoa học như đỉa trong sữa sẽ gây hoang mang, lo lắng đối với người tiêu dùng nói chung nên sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm việc tung tin đồn thất thiệt này là rất quan trọng.  Bên cạnh đó, các chức năng cũng cần giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người tiêu dùng, để họ không hoang mang, không tin vào những tin đồn thiếu dẫn chứng, thiếu khoa học này, PGS.TS Nguyễn Khắc Tích nói. Đứng về phía doanh nghiêp, khi trao đổi với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Hòa, Giám đốc Chi nhánh sữa Mộc Châu tại Hà Nội từng cho biết, thông tin về tin đồn thất thiệt trong sữa của hãng có sinh vật lạ cũng đã gây ra những ảnh hưởng nhất định tới lượng tiêu thụ ở một số nơi và không ít người tiêu dùng cũng hoang mang, gọi điện về hỏi.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Để giải quyết những tin đồn này, ông Hòa cho hay: "Với Mộc Châu, ngay sau khi có tin đồn, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ, tích cực với các cơ quan chức năng trong việc cử đại diện xuống để kiểm tra, xác minh sự việc. Cùng với sự lên tiếng rất kịp thời của Hiệp hội sữa và nhiều nhà khoa học bác bỏ tin đồn thất thiệt trên, chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp để cung cấp các thông tin chính xác đồng thời cử các nhân viên đi giải thích, tuyên truyền để người dân nắm được. Không những vậy, để người tiêu dùng an tâm hơn, chúng tôi còn cùng cơ quan chức năng lấy các mẫu sữa đưa đi kiểm nghiệm, rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất và thông tin những kết quả một cách công khai, minh bạch, rộng rãi". Bên cạnh đó, theo ông Hòa: "Ngoài việc vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, của doanh nghiệp ở đây, chúng tôi cho rằng chính người tiêu dùng cần tự ý thức, cảnh giác, không nên tin vào những tin đồn thiếu căn cứ khoa học, dẫn chứng cụ thể như thế này. Điều đó sẽ giúp giảm thiểu các tin đồn thất thiệt này".
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Duy Châu