'Chặt chém' ở Sầm Sơn: Nỗi kinh hoàng của các công ty du lịch Việt Nam

27/07/2012 06:45
Hứa Diện
(GDVN) - “Mài dao ba tháng, chém một lần” là điều mà các công ty du lịch phải thốt lên khi đưa khách đến Sầm Sơn. Không chỉ du khách thấy khiếp sợ mà đến các công ty du lịch cũng muốn “tránh xa” Sầm Sơn.
Sầm Sơn – nỗi kinh hoàng của các công ty du lịch
>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn Bị chặt chém ở Sầm Sơn, không những du khách bị ảnh hưởng mà các công ty du lịch cũng bị mất uy tín và thấy lo ngại khi đưa du khách đến mảnh đất này. Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Vũ Quyết Thắng - Giám đốc Công ty du lịch Hoàng Việt chia sẻ: Mỗi khi nhận đưa khách tới du lịch Sầm Sơn ông rất bất an. Thường khách du lịch theo tour sẽ đặt khách sạn, ăn uống và các dịch vụ vui chơi giải trí và  thỏa thuận giá cả  trước, nhưng ông Thắng chia sẻ, nhiều khi giá cả cũng sẽ bị thay đổi, không theo giá đã đặt trước đó. Nếu công ty không đáp ứng giá cả mới, sẽ “khóa” các dịch vụ, như vậy sẽ làm cho du khách phải bù tiền, ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu và uy tín  của công ty. Ông Thắng cho biết, doanh thu đối với khách du lịch đến Sầm Sơn năm nay giảm 30% so với năm ngoái.
Vào mùa du lịch, Sầm Sơn tuy nổi tiếng là nơi "chặt chém" nhưng khách đến vẫn rất đông.
Vào mùa du lịch, Sầm Sơn tuy nổi tiếng là nơi "chặt chém" nhưng khách đến vẫn rất đông.
Còn theo ông Lê Văn Viễn, Phó Giám đốc công ty du lịch MêKông: Thường khi đưa khách đến Sầm Sơn, ngoài những tệ nạn chặt chém công ty tôi còn gặp phải vấn đề an ninh không tốt. Đơn cử, có lần đoàn  đi lễ ở đền Độc Cước (trên dãy núi Trường Lệ), có du khách bị móc túi, mất 2 triệu đồng và điện thoại. Một du khách khác trong đoàn cũng mất điện thoại khi ngồi chơi trên bãi biển. Ông Viễn bày tỏ nỗi lo ngại khi đã tuyên truyền, phổ biến rất rõ ràng cho khách hàng mà vẫn không thể tránh khỏi “nạn” chặt chém của các dịch vụ ở Sầm Sơn. “Các “cò ” luôn lợi dụng sự sơ hở, lời nói không chặt chẽ của khách hàng khi mặc cả hay hỏi giá trước để chặt chém” – ông Viễn nói. Có lẽ đó cũng là một những nguyên nhân lý giải tại sao doanh thu của công  ty du lịch MêKông tại khu du lịch Sầm Sơn năm nay lại giảm nhiều so với năm ngoái, ước tính khoảng 15-20%. Là hướng dẫn viên tự do, nhưng đã nhiều lần đưa khách đến Sầm Sơn, chị Đỗ Tuyết Ny cũng gặp không ít những rắc rối về vấn đề giá cả khi dẫn khách đi tour ở Sầm Sơn.  Chị tâm sự: “Một lần đưa khách tới khách sạn Bông Hồng 1 ở đường Lê Hoàn, gặp trục trặc về vấn đề giá cả lại gọi ban quản lý, rất mệt mỏi. Hơn nữa, mỗi lần về, phải giải thích với khách hàng vì sao phải nộp thêm tiền, tôi thấy rất phức tạp và mất uy tín”.
"Mách nước" cách tránh xa nạn chặt chém
Có thể nói, Sầm Sơn là bãi biển đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh để thu hút khách du lịch như Hòn Trống Mái,… tuy nhiên, nạn  chặt chém tại đây đang là cản trở du khách đến với Sầm Sơn. Vậy làm thế nào để du  khách vẫn có thể đến du ngoạn ở Sầm Sơn mà không bị các “cò” chém giá? Là trưởng phòng phụ trách tour nội địa, ông Lê Hồng Thái, Công ty du lịch Hanoi Tourist, chia sẻ với độc giả một số kinh nghiệm rất quý báu khi đến Sầm Sơn.
Ông Lê Hồng Thái, trưởng phòng phụ trách tour nội địa, Công ty du lịch Hanoi Tourist nhắn nhủ: khi đi du lịch du khách nên đi cùng đoàn, không chỉ hỏi hay mặc cả giá trước bằng miệng mà cần ghi ra giấy hay ghi âm lại để làm chứng cứ.
Ông Lê Hồng Thái, trưởng phòng phụ trách tour nội địa, Công ty du lịch Hanoi Tourist nhắn nhủ: khi đi du lịch du khách nên đi cùng đoàn, không chỉ hỏi hay mặc cả  giá trước bằng miệng mà cần ghi ra giấy hay ghi âm lại để làm chứng cứ.
Theo ông Thái, các dịch vụ tăng giá cũng do áp lực về giá cả, tùy từng mùa vụ. Các khách sạn, dịch vụ phải chịu kinh phí cả năm trời, trong khi đó, chỉ ba tháng hè mới có thể kinh doanh nên họ ép giá, nhất là những ngày cuối tuần, giá cả đắt đỏ hơn. Khi “cầu” tăng thì giá cả cũng tăng theo. “Khác với các dịch vụ ở Cửa Lò, Hạ Long, … giá có đắt thật nhưng luôn tạo cho du khách cảm thấy họ bỏ tiền ra là xứng đáng, nhưng ở Sầm Sơn, không những giá đắt mà dịch vụ của họ không tốt. Một số người làm dịch vụ ở đó đưa lý do tăng giá, họ cải thiện, nâng cấp dịch vụ nhưng thực tế chỉ để lừa du khách” – ông Thái nhận xét. Vì vậy, theo ông Thái: khi đi du lịch du khách nên đi cùng đoàn, không chỉ hỏi hay mặc cả  giá trước bằng miệng mà cần ghi ra giấy hay ghi âm lại để làm chứng cứ. Ông Thái cũng cho hay, đối với những công ty du lịch, hay những hướng dẫn viên du lịch nên thỏa thuận hợp đồng  một cách chặt chẽ. Tốt nhất nên ký hợp đồng với những khách sạn mà công ty đã có quan hệ lâu năm, hay các khách sạn mang yếu tố nhà nước như khách sạn Đức Thành, Biển Nhớ,… Mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, không để một bãi biển đẹp như Sầm Sơn bị “ tẩy chay” hay trở thành nỗi hoảng sợ của khách du lịch và các công ty du lịch.>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn
Hứa Diện