Chuyện ít người biết: Cả làng Ước Lễ chỉ còn... một nhà làm giò chả

25/01/2012 06:12
Ít ai biết tại Ước Lễ, làng nghề có truyền thống làm giò chả ngon nổi tiếng hàng trăm năm nay, chỉ còn duy nhất một hộ làm giò chả.
Nói đến giò chả, người ta thường nhắc đến Ước Lễ, làng nghề có truyền thống làm giò chả ngon nổi tiếng hàng trăm năm nay thuộc xã Tân Ước - Thanh Oai - HN. Nhưng ít ai biết tại Ước Lễ chỉ còn duy nhất một hộ làm giò chả.

Nhan nhản biển giò chả Ước Lễ ở Hà Nội

Dạo qua thị trường giò chả Hà Nội dịp cuối năm, trên các phố Trần Xuân Soạn, Lê Văn Hưu … hàng chục cửa hàng treo biển thương hiệu giò chả Ước Lễ gia truyền. Qua tìm hiểu, PV ghi nhận: một số cơ sở giò chả Ước Lễ nổi danh ở Hà Nội, thực chất nghề gia truyền của gia đình là nghề bốc thuốc, buôn bán…

Tìm đến cửa hàng Hương Lan (166 Tây Sơn) cạnh gò Đống Đa, được nhiều chị em “bình chọn”. Giò lụa tại đây ngon, giữ được độ giòn, dai thơm hương vị tự nhiên. Trên biển hiệu của quán, dòng chữ đảm bảo không dùng hàn the, chất bảo quản trong chế biến được in đậm.
Trên các phố nội thành Hà Nội biển giò chả Ước Lễ treo nhan nhản khiến người mua không biết đâu mà lần.
Trên các phố nội thành Hà Nội biển giò chả Ước Lễ treo nhan nhản khiến người mua không biết đâu mà lần.

Theo chủ quán, hiện nay nhiều cửa hàng treo biển Ước Lễ vì thương hiệu, đi kèm với đó là giá cả. Nếu như giò thường, giá 120.000 – 130.000 đồng/1kg, thì giò mang thương hiệu Ước Lễ có giá dao động từ 150.000 – 170.000 đồng/1kg.

"Hai chữ Ước Lễ trên biển hiệu cửa hàng là chuẩn mực cho người kinh doanh. Bởi ngoài bí quyết làm giò đặc biệt từ làng nghề truyền thống Ước Lễ, là lương tâm nghề nghiệp của người thợ, phải chế biến đúng tiêu chuẩn chất lượng, nguyên liệu thực sự tươi ngon đem đến món ăn đặc biệt cho khách. Nhưng hiện nay rất nhiều cửa hàng giò chả trên phố trưng biển Ước Lễ, chất lượng không đảm bảo khiến thương hiệu giò chả Ước Lễ đang giảm đi trong mắt người tiêu dùng", chị Lan cũng cho biết thêm.

Đời sống nâng cao, những thương hiệu uy tín, nổi tiếng thường được khách tìm đến nhiều dù giá có đắt hơn. Chị Tú (Thanh Xuân, HN) khách tại cửa hàng giò trên phố Trần Xuân Soạn tâm sự: “Là dâu mới, Tết này tôi muốn mua ít giò Ước Lễ về biếu người thân trong gia đình và dùng trong bữa. Biển giò chả Ước Lễ gia truyền treo nhiều trên phố, thấy hoang mang, không biết quán nào là chất lượng đảm bảo, thôi thì bấm bụng mua nhưng lo lắm, không biết giò Ước lễ thật hay giả".

Có người lại phàn nàn vì mua phải hàng giả dù đã dùng thử trước: “Bây giờ cái gì cũng nhái, chả biết đằng nào. Mua thử về ăn để Tết đặt hàng cho chuẩn, rồi cũng không yên tâm. Năm ngoái tôi vẫn bị lừa vì chất lượng thật không bằng khi ăn thử. Năm nay không biết mua ở đâu mới thực là giò Ước Lễ”, bác Thanh (Kim Mã – Hà Nội).

Cả làng Ước Lễ chỉ còn... một nhà làm giò chả


Để tìm hiểu rõ hơn về thương hiệu giò chả Ước Lễ, PV đã mục sở thị về ngôi làng có truyền thống làm giò chả thuộc xã Tân Ước - Thanh Oai - HN. Không tấp nập ồn ào, không còn tiếng chày, tiếng cối giã thịt làm giò thay vào đó là sự tĩnh lặng, im ắng lạ thường khiến PV không khỏi giật mình.
Làng nghề giò chả gia truyền Ước Lễ nổi tiếng hàng trăm năm nay giờ không còn tiếng chày, tiếng cối giã thịt làm giò, đường làng vắng vẻ, yên tĩnh đến lạ thường trong ngày giáp Tết
Làng nghề giò chả gia truyền Ước Lễ nổi tiếng hàng trăm năm nay giờ không còn tiếng chày, tiếng cối giã thịt làm giò, đường làng vắng vẻ, yên tĩnh đến lạ thường trong ngày giáp Tết

Hỏi người dân trong làng được biết: Bây giờ người ta không còn làm giò chả ở làng nữa. Bởi nhu cầu tiêu thụ của người dân nơi đây không nhiều, vận chuyển đi nơi khác bán, chi phí sẽ rất tốn kém. Nếu nhà ai có công việc cưới xin, mà chay, giỗ tết thì thường người nhà chuyển giò chả đã chế biến ở những cơ sở kinh doanh của mình về.

Theo ông Trịnh, trưởng thôn Ước lễ cho biết: “Làng làm giò Ước Lễ giờ chỉ còn là cái tên. Người dân trong thôn đều đi nơi khác làm ăn. Cả làng hiện nay chỉ có duy nhất gia đình anh Lê Tiến Mạnh sản xuất giò chả tại nhà. Dân ít nhu cầu tiêu thụ không cao, đường vào thôn trước đây khó khăn không tiện đi lại nên các gia đình đã bỏ làng đi thuê địa điểm khác kinh doanh”.

Gặp anh Mạnh - người làm giò chả duy nhất còn lại ở làng, anh chia sẻ: “Nghề giò chả này có đặc điểm phải sản xuất ở những nơi đô thị đông dân cư, làng nhỏ, nhiều hộ sản xuất bán cho ai. Trước tôi cũng theo anh em bạn bè về các tỉnh như Hải Phòng, Hà Nội thuê địa điểm làm giò thu nhập khá. Nhưng vì gia đình neo người, mẹ già giờ không thể ở mình nên tôi mới về lại làng tiếp tục nghề gia truyền”.

“Số lượng bán không được nhiều, mỗi ngày chỉ khoảng 10kg giò chả, chủ yếu bán cho người trong xã và các xã lân cận. Tôi không làm thường xuyên, khi nào có khách đặt hàng tôi mới bật máy chế biến giò”. Anh Mạnh bộc bạch thêm.

Người Ước Lễ đem theo nghề làm giò chả truyền thống đi khắp nơi làm ăn. Khu vực Quan Nhân – Hà Nội hình thành một làng Ước Lễ thu nhỏ bởi rất nhiều gia đình người Ước Lễ dời quê lên mở xưởng sản xuất mua nhà và sinh sống tại đây. Một số cửa hàng của người làng Ước Lễ trên các phố Vọng, phố Huế, Quang Trung, Lý Quốc Sư… Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều cửa hàng lấy thương hiệu Ước lễ để kinh doanh.

Làng nghề Ước Lễ có một điều khác với làng nghề khác, đó là làng có nghề nhưng không làm tại làng. Phải chăng chính vì vậy mà thương hiệu Ước lễ dễ bị nhái mác?.

Theo Infonet