Gần Tết, bánh chưng "ngon nhất xứ Bắc" làm không kịp bán

11/01/2012 11:02
Bài, ảnh: Phương Thúy
(GDVN) - Tại làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, không khí Tết đã về từ rất lâu. Người dân tấp nập gói bánh, tiếng cười nói râm ran khắp cả một góc làng.
Giáp Tết, mỗi ngày một cơ sở ở Tranh Khúc ra lò 3.000 – 4.000 chiếc bánh Về làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thường Tín, Hà Nội) những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là những đống lá bánh chưng cao ngất ngưởng, xếp san sát từ tận ngoài cửa vào sâu bên trong nhà của các hộ dân nơi đây. Không khí làm bánh đông vui náo nhiệt, tiếng cười nói râm ran khắp cả một góc làng. Nói đến bánh chưng, người làm bánh Tranh Khúc không khỏi tự hào khi làm ra những chiếc bánh chưng ngon nhất miền Bắc. Đi đến đâu, nhắc đến món bánh truyền thống của làng mình, ai cũng tấm tắc khen. Nghề gói bánh chưng truyền thống Tranh Khúc có từ rất lâu nhưng không ai nhớ "lâu đến mức nào", chỉ biết cứ đời này truyền lại cho đời kia và đã trở thành một làng nghề truyền thống nơi đất thành đô.
Gần Tết, bánh chưng "ngon nhất xứ Bắc" làm không kịp bán ảnh 1
Cả gia đình cô Ngần đang làm bánh chưng, mỗi người một việc.

>> Chùm ảnh: Cầu kỳ gói bánh chưng Tranh Khúc


Tự hào với nghề gói bánh chưng quanh năm của nhà mình, anh Thắng (chủ cơ sở bánh chưng Trang Thắng) cho biết: cả nhà từ thế hệ ông bà đến đời con, đời cháu đều làm bánh chưng. Cũng nhờ làm bánh chưng mà anh trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến qua các phóng sự, phim ảnh trên truyền hình đặc biệt là những ngày giáp Tết. Cơ sở nhà anh Thắng được đánh giá là quy mô và lớn nhất thôn Tranh Khúc. Ngày bình thường, cơ sở nhà anh đều gói 500 chiếc bánh chưng nhưng từ 23 tháng Chạp trở đi là bắt đầu gói mỗi ngày lên đến 3.000 – 4.000 chiếc bánh. Hiện tại, cơ sở Trang Thắng có đến hơn 10 công nhân đang làm việc. Mỗi người một việc như một "dây chuyền" nhuần nhuyễn từ rửa lá, chia thịt đến gấp lá, cắt lá... Theo tiết lộ của người làm bánh: Lá dong gói bánh to, xanh mướt được kỳ công mua về từ Yên Bái, Lào Cai sau đó được công nhân tỉ mỉ lấy bàn chải cọ rửa từng chiếc lá. Kết thúc công đoạn rửa, lá lại được cho vào bể nước trong vắt bơm liên tục để tràn những vết bẩn ra ngoài và dùng nước tráng từng lá bánh một.
Gần Tết, bánh chưng "ngon nhất xứ Bắc" làm không kịp bán ảnh 2
Mẹ anh Thắng dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn tham gia gói bánh chưng
cùng
con cháu bằng việc cắt lá.

“Bánh chưng Tranh Khúc ngon từ khâu chọn gạo, chọn đỗ. Gạo đều đặt từ Hải Hậu, Nam Định đã xay trắng. Đỗ xanh được mua từ Hưng Yên, Hà Nam. Yêu cầu hạt đỗ phải to đều và thơm. Gạo được vo sạch để ráo nước, đỗ được xay vỏ sau đó cho vào nồi đồ cho bở đỗ” – Mẹ anh Thắng, một người già gắn bó lâu năm với nghề chia sẻ. Khâu gói bánh được coi là nghệ thuật nhất bởi những công nhân làm bánh ở làng đều không cần khuôn. Lá được gấp sẵn, thịt và đỗ được chia sẵn. Người thợ tay thoăn thoắt chưa đầy 1 phút đã gói xong một chiếc bánh chưng vuông chằn chặn. "Nhiều khi một người gói cả 4, 5 người buộc lạt còn không kịp" - một “nghệ nhân” làm bánh nói. Những chiếc bánh sau khi gói được đưa vào nồi hơi luộc, sau 7,8 giờ bánh mới chín. Vào tuần cuối cùng của năm cũ, cả làng Tranh Khúc, đâu đâu cũng sáng ánh đèn, người dân nơi đây cần mẫn làm việc suốt đêm để gói bánh, luộc bánh.
"Cháy" hàng, bánh chưng tăng giá 30%
Theo ghi nhận của phóng viên Giáo Dục Việt Nam, năm nay giá thực phẩm, nguyên liệu làm bánh tăng nên giá bánh chưng cũng tăng hơn năm ngoái. Bánh chưng có nhiều loại để cho khách lựa chọn từ 30 cho đến 50 nghìn đồng. Các loại bánh đều được gói cùng loại gạo, loại đỗ, loại thịt như nhau chỉ khác về khối lượng gạo, đỗ, thịt. Một chiếc bánh giá 30 nghìn đồng được gói từ 1 lạng thịt, 6 lạng gạo, 1 lạng đỗ. Tính theo giá thị trường, hiện tại, giá gạo nếp 23 nghìn đồng/kg, thịt 10 nghìn/lang, lá lạt, đỗ, điện nấu, những người làm bánh thường lắc đầu nói vui: Chúng tôi chỉ lấy công làm lãi! Cô Đỗ Kim Ngần (một người làm bánh) chia sẻ: nếu phải thuê công nhân làm bánh nữa, tính ra mỗi chiếc bánh chưng chỉ lãi vài trăm đồng. Giá thuê nhân công làm bánh vào giáp Tết (nhân công mùa vụ) thường đòi hỏi tiền công rất cao. Nhiều khi phải thuê người ở bên ngoài về làm bánh chưng.
Gần Tết, bánh chưng "ngon nhất xứ Bắc" làm không kịp bán ảnh 3
Thịt làm bánh chưng được mua tại địa phương và đều trần qua
nước sôi trước khi thái nhỏ cho vào nhân bánh.

>> Chùm ảnh: Cầu kỳ gói bánh chưng Tranh Khúc


Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, bánh chưng Tranh Khúc vẫn "cháy" hàng. Bánh luộc xong ngay lập tức theo chân những người trong làng vào các siêu thị, chợ lớn ở Hà Nội. Một số cơ sở còn mua hẳn máy hút chân không để gói bánh chưng mang vào siêu thị. Ông Nguyễn Văn Thanh (trưởng thôn Tranh Khúc) hồ hởi tự hào về làng Tranh Khúc được công nhận là làng nghề truyền thống của Hà Nội. Từ khi được công nhân làng nghề bánh chưng Tranh Khúc có thêm cơ hội quảng bá đi xa hơn nữa.  “Cả làng có hơn 200 hộ dân thì có đến 70% hộ làm bánh chưng. Nếu vào ngày bình thường, họ làm vài trăm cái, ít thì trăm cái nhưng đến ngày Tết thì có gia đình làm vài nghìn cái một ngày là bình thường. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được chính quyền quan tâm thường xuyên tuyên truyền đến các hộ gia đình làm bánh” – Ông Thanh bày tỏ. Hàng ngày, ông Thanh thường ghé qua các hộ gia đình gói bánh để thăm hỏi, quan tâm đồng thời quan sát và theo dõi thường xuyên, nếu người dân không đeo găng tay, làm bánh mất vệ sinh thì sẽ được nhắc nhở ngay – ông Thanh cho biết.
Bài, ảnh: Phương Thúy