"Ghế nóng" tại FPT: Cái bóng ông Trương Gia Bình quá lớn!

10/10/2012 10:06
Hà Nhi
(GDVN) - “Đội ngũ lãnh đạo FPT khó có được một người như anh Bình mà nếu có thì cũng chịu một áp lực không hề nhỏ. Bất kỳ ai ngồi vào chiếc ghế ấy cũng chịu một “cái bóng” quá lớn của Trương Gia Bình” – cựu Giám đốc một công ty con của FPT nhận xét.

FPT bế tắc trong việc tìm lãnh đạo?!
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, bộ phận phân tích của một công ty chứng khoán tại TP.HCM đánh giá: 4 năm trở lại đây, với chiến lược mà HĐQT đã đề ra, FPT đã có bước tiến tốt hơn so với thời điểm FPT cách đây 4 năm. Tuy nhiên, việc liên tục thay 2 tướng trong khoảng thời gian vừa qua đã khiến hình ảnh FPT “không còn đẹp lắm” trong mắt của nhiều người. Được kỳ vọng sẽ đưa FPT lọt vào danh sách Top 500 trong Forbes Global 2000 nhưng sự ra đi khá nhanh chóng của ông Trương Đình Anh đã khiến nhiều người vỡ mộng về thế hệ lãnh đạo mới cũng như mục tiêu dài hạn của tập đoàn này. Mặc dù chính cựu tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh đã từng tuyên bố sẽ không bao giờ từ chức CEO chỉ khi nào HĐQT yêu cầu, tuy nhiên, sau gần 20 tháng ngồi "ghế nóng", chính ông đã có quyết định từ bỏ...
Những gương mặt tài năng và nổi bật như ông Trương Đình Anh hay ông Nguyễn Thành Nam đều đã không "trụ" được với vai trò "thuyền trưởng" của con tàu công nghệ FPT.
Những gương mặt tài năng và nổi bật như ông Trương Đình Anh hay ông Nguyễn Thành Nam đều đã không "trụ" được với vai trò "thuyền trưởng" của con tàu công nghệ FPT.
“Thông tin về việc Trương Đình Anh xin nghỉ việc, thị trường chứng khoán dường như đã tiên liệu trước đã lâu. Bây giờ, điều mà nhiều người quan tâm đó là việc ai sẽ là người thay Trương Đình Anh và liệu ông Trương Gia Bình có ngồi ở vị trí đó luôn không? Chiến lược của FPT trong thời gian tới và cách tiếp cận với chiến lược mà ban HĐQT đã đề ra sẽ thay đổi như thế nào? Tất cả cổ đông đều đang chờ đợi những thông tin như thế” – Bộ phận phân tích của một công ty chứng khoán TP.Hồ Chí Minh nhận định. Trước đó, ngày 27/9/2012 sau khi thông tin ông Bình quay trở lại điều hành cổ phiếu của FPT đã tăng 2,7% lên 38.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ sau đó 2-3 ngày, cùng với xu hướng ảm đạm chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT diễn biến theo chiều hướng không tăng như trước, mà tương đối đi ngang.
Thế hệ lãnh đạo F2 mà cụ thể là Trương Đình Anh dù đã được FPT quy hoạch nhưng vẫn là một sự chuẩn bị chưa tốt. “Trương Đình Anh đã được các cổ đông đặt kỳ vọng lớn với mục tiêu đề ra rất ấn tượng, sự ra đi của Trương Đình Anh cho tới thời điểm này vẫn là một điều đáng tiếc với mọi người. Thị trường đang chờ đợi một cái gì đó rõ ràng hơn, hướng đi mới, chiến lược mới, cách thức tiếp cận mới, người lãnh đạo mới (nếu có) của FPT trong thời điểm kinh tế đang gặp khó khăn hiện nay” – Một chuyên gia chứng khoán phân tích. Trong khi đó, theo quyết định mới nhất, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình sẽ kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 26/09/2012 cho đến khi việc ông Trương Gia Bình kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc được Đại hội đồng cổ đông thường niên FPT phê chuẩn, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2013. Ông Trương Gia Bình hiện nay đã 56 tuổi, trong tâm niệm, ông “luôn muốn chuyển giao thế hệ nên đã chủ động rút khỏi vị trí điều hành từ năm 2009, mở đường cho thế hệ lãnh đạo kế cận”. Vậy việc chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo mới sẽ được thực hiện tiếp theo như thế nào vẫn cần thời gian trả lời. Nhưng rõ ràng, điều mà giới đầu tư cảm nhận được, đây là việc hết sức khó khăn và có lẽ để có một thế hệ lãnh đạo tốt hơn ông Bình chắc phải cần thêm một thời gian lâu nữa ở FPT.Cái “bóng” của Trương Gia Bình quá lớn Năm 2009, khi FPT đang ở thời kỳ đỉnh cao và nền kinh tế đang ở đỉnh tăng trưởng, khi CEO Nguyễn Thành Nam ngồi ở vị trí TGĐ Tập đoàn FPT, đã từng có người hỏi ông rằng: Ông có sợ không khi “cái bóng” của Trương Gia Bình quá lớn. Lúc đó, ông Nam đã trả lời rằng: “Tôi làm việc ở FPT từ ngày đầu cho nên phải khẳng định khó khăn không đến mức như mọi người nghĩ. Nếu là một tổng giám đốc hoàn toàn mới và lạ với FPT thì quả thực sẽ rất khó khăn”. Còn về chuyện “cái bóng”, ông Nam cười và nói: “Tôi không lo lắm!”. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, người ta thấy CEO Nguyễn Thành Nam xin từ nhiệm. Có người lý giải: Ông Nam là một người không màng quyền lực. Có lẽ vì vậy, giới cổ đông không ngạc nhiên khi CEO Nguyễn Thành Nam bỏ “mũ áo quan” và nhường “ghế nóng” cho người trẻ hơn theo đúng chủ trương của lãnh đạo tập đoàn là trẻ hóa hơn nữa nhân sự, nhất là đội ngũ những cán bộ lãnh đạo cấp cao. Đến lượt Trương Đình Anh lên thay, ông có đủ sự tham vọng cần có của một người lãnh đạo. Nhưng ở FPT, ông Trương Gia Bình lại đòi hỏi “người lãnh đạo phải biết lắng nghe, có tính thuyết phục với mọi người, bên cạnh khả năng quyết định một cách quyết liệt”. “Đội ngũ lãnh đạo FPT khó có được một người như anh Bình mà nếu có thì cũng chịu một áp lực không hề nhỏ. Bất kỳ ai ngồi vào chiếc ghế ấy cũng chịu một “cái bóng” quá lớn của Trương Gia Bình” – cựu Giám đốc một công ty con của FPT nhận xét. Vị này cho rằng: Do sự kỳ vọng quá lớn của người sáng lập Trương Gia Bình và của cả các thành viên HĐQT, những ai ngồi vào ghế lãnh đạo hầu như đều phải làm việc cố gắng hết mình với công suất thậm chí là 300%.
“Bất kỳ ai ngồi vào chiếc ghế ấy cũng chịu một “cái bóng” quá lớn của Trương Gia Bình” – cựu Giám đốc một công ty con của FPT nhận xét.
“Bất kỳ ai ngồi vào chiếc ghế ấy cũng chịu một “cái bóng” quá lớn của Trương Gia Bình” – cựu Giám đốc một công ty con của FPT nhận xét.
“Thực tiễn Trương Đình Anh đã làm được điều này ở đơn vị do mình phát triển, nhưng gặp vô vàn khó khăn khi lên điều hành ở quy mô tập đoàn, khi phải lãnh đạo cả những đơn vị không do mình trực tiếp xây dựng, trong những lĩnh vực không thuộc thế mạnh của mình” - ông Bình đã chia sẻ với báo chí. Tuy nhiên, có thể thấy, dưới thời của Trương Đình Anh, FPT vẫn đạt doanh thu và lợi nhuận khá nhưng không được như kỳ vọng của người sáng lập FPT. Và lần đầu tiên người ta thấy HĐQT FPT mà đứng đầu là ông Trương Gia Bình đưa ra thông điệp “trảm tướng” nếu các con số mục tiêu kinh doanh không đạt được mốc 80%. Và cũng là lần đầu tiên kể từ khi Trương Đình Anh làm tướng, FPT ít lạc quan hơn vào các mục tiêu khi phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Những ai đã từng làm việc ở FPT có lẽ đã đúng khi nhận xét rằng: Cái bóng của Trương Gia Bình vẫn quá lớn mà thế hệ kế cận không thể vượt qua, hoặc cũng có thể là không được vượt qua.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi