Khả năng giành lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột rất cao

03/11/2011 16:02
Theo đánh giá của các công ty luật Vn và Trung Quốc khả năng thắng kiện giành lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là rất cao.
Ngày 2/11, UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã có cuộc họp thống nhất chọn Văn phòng luật sư Phạm và liên danh (Hà Nội) đại diện cho tỉnh khởi kiện đòi hủy bỏ nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Trung Quốc. Đồng thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “cà phê Buôn Ma Thuột” ra nước ngoài. Chi phí để khởi kiện dự kiến và chi phí để đăng ký bảo hộ quốc tế nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại các thị trường khác (trong đó có Trung Quốc) vào khoảng 40.000 USD (khoảng 800 triệu đồng). UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ Khoa học - công nghệ và các doanh nghiệp trong Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ cùng chịu phi phí trên.Mất vì chậm Trước đó, luật sư Lê Quang Vinh - Công ty tư vấn sở hữu công nghiệp Bross & Partners (Hà Nội) - có văn bản gửi Sở Khoa học - công nghệ Đắk Lắk cho biết chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee có văn phòng đặt tại Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Thu hoạch cà phê tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk) - Ảnh: Trung Tân
Thu hoạch cà phê tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk) - Ảnh: Trung Tân
Theo ông Y Ghi Niê - giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Đắk Lắk, sau khi biết được thông tin trên, sở có báo cáo lên UBND tỉnh nhằm xin ý kiến sẽ thông qua con đường ngoại giao hay khởi kiện đòi lại thương hiệu. Và UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học - công nghệ... đề nghị tác động bằng con đường ngoại giao để yêu cầu phía doanh nghiệp Trung Quốc hủy bỏ.
Tổ chức hội thảo về thương hiệu cà phê

Hôm nay 3/11, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì tổ chức hội thảo về thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Hội thảo sẽ mổ xẻ nguyên nhân để mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, ý kiến của các doanh nghiệp để nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.

Hội thảo cũng nghe ý kiến của các chuyên gia pháp lý về việc đòi lại thương hiệu, khả năng thắng kiện, trình tự pháp lý... Qua đây, các đại biểu cũng sẽ góp ý về việc đăng ký bảo hộ bản quyền trong nền kinh tế mở khi VN đã tham gia WTO...
Thế nhưng, sau đó UBND tỉnh lại có quyết định ủy quyền cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đứng ra khởi kiện để đòi lại chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột chứ không thông qua đường ngoại giao. Ông Trịnh Đức Minh, phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, giải thích: “Theo tư vấn từ Cục Sở hữu trí tuệ và các công ty luật thì thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được đăng ký độc quyền thành công tại Trung Quốc nên không thể thực hiện bằng con đường ngoại giao. Chỉ khi họ đang làm các thủ tục đăng ký mà chúng ta biết được mới có khả năng đòi lại bằng đường ngoại giao”. Về việc để mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc, ông Y Ghi Niê kể lại năm 2004 UBND tỉnh Đắk Lắk đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Cục Sở hữu trí tuệ. Và đến tháng 10/2005, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp đăng bạ quốc gia, công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, mãi đến tháng 10/2010 mới thành lập được Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột để tập hợp các doanh nghiệp kinh doanh cà phê nên việc đăng ký chỉ dẫn địa lý này tại các thị trường nước ngoài chậm trễ. Hiện sở cũng mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này cho tám doanh nghiệp với diện tích hơn 8.800 ha, sản lượng khoảng 26.000 tấn/năm.Khả năng thắng kiện cao Ngày 2/11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hiếu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết: “Theo các chuyên gia, việc khởi kiện đòi lại chỉ dẫn địa lý là trong khả năng nên tỉnh đã ủy quyền để Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột chủ trì công việc này... Song song với quá trình khởi kiện đòi lại thương hiệu, tỉnh cũng đang xúc tiến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU...”.
Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của VN bị đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc
Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của VN bị đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Xuân Thu - phòng nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, Văn phòng luật sư Phạm và liên danh, việc đòi lại chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sẽ tiến hành theo trình tự hai bước. Thứ nhất gửi các chứng cứ như quyết định chứng nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ, các tài liệu chứng minh nguồn gốc lịch sử, danh tiếng, doanh thu, uy tín của cà phê Buôn Ma Thuột... lên phòng xét xử và xem xét lại nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc để yêu cầu họ hủy bỏ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee độc quyền nhãn hiệu. Nếu bước này không thành sẽ nhờ đối tác phía Trung Quốc gửi hồ sơ khởi kiện ra tòa hành chính Trung Quốc để yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột... “Theo đánh giá của chúng tôi cũng như công ty luật phía Trung Quốc mà chúng tôi liên hệ pháp lý, khả năng thắng kiện giành lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là rất cao. Tuy nhiên, có thể phải mất nhiều thời gian vì phía Trung Quốc có lượng hồ sơ về sở hữu trí tuệ rất lớn, thời gian thụ lý thông thường phải mất 2-3 năm” - ông Thu nhấn mạnh. Tương tự, luật sư Hà Hải - Văn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM), một trong bốn công ty luật nộp đơn đăng ký làm chủ đơn khiếu kiện trong vụ kiện đòi lại chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột - khẳng định cơ hội thắng rất cao trong vụ kiện này. Luật sư Hà Hải dẫn chứng: các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ đều có đề cập đến việc hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký hợp pháp ở một quốc gia thành viên nếu như bên đăng ký có hành vi gian dối, tên gọi nhãn hiệu hay kiểu dáng đó gây nhầm lẫn, ngộ nhận cho khách hàng. Đặc biệt Luật thương hiệu của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có sửa đổi lần 1 (ngày 22/2/1993) và lần 2 (27/10/2001) đã quy định: Theo khoản 2 và điều 10 quy định những biểu tượng dưới dây không được sử dụng làm nhãn hiệu như giống với tên quốc gia, quốc kỳ, biểu tượng quốc gia, giống với quân kỳ hoặc gần giống của nước ngoài, ngoại trừ trường hợp được chính phủ quốc gia đó đồng ý. Ngoài ra tên địa danh hành chính từ cấp huyện trở lên hoặc địa danh nước ngoài mà mọi người đều biết đến cũng không được sử dụng làm nhãn hiệu. Tương tự, tại điều 16 Luật thương hiệu của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa còn quy định rõ hơn: Trong nhãn hiệu sản phẩm có biểu tượng địa lý, mà sản phẩm đó có nguồn gốc không phải tại khu vực chỉ dẫn biểu tượng đó, gây sự nhầm lẫn cho mọi người thì không được phép đăng ký, đồng thời cấm sử dụng. “Như vậy Công ty Cà phê Quảng Châu đã vi phạm những điều luật trong bộ Luật thương hiệu của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa như đã được dẫn chứng ở trên. Do đó chúng ta có đầy đủ chứng cứ và lý lẽ để yêu cầu cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu “BUON MA THUOT” và “BUON MA THUOT COFFEE 1896” đã được đăng ký nhãn hiệu bởi Công ty Cà phê Quảng Châu (Trung Quốc)” - luật sư Hải khẳng định.
“Vô tư” đăng ký độc quyền

Theo như thông tin trên website nhãn hiệu Trung Quốc (đây là website duy nhất kiểm tra trực tuyến thông tin đăng ký thương hiệu) của Tổng cục Quản lý hành chính công thương quốc gia - Cục Nhãn hiệu, hai nhãn hiệu cà phê “BUON MA THUOT” và “BUON MA THUOT COFFEE 1896” đã được đăng ký bảo hộ độc quyền trong 10 năm.

Cụ thể, ngày 13-8-2010, Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee (sau đây gọi là Công ty Cà phê Quảng Châu), có trụ sở tại số phòng 1903-1905, quảng trường Hợp Nhuận, số 2 đường Đại Nam, quận Việt Tú, TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và nhà xưởng sản xuất tại số 19 tự biên, đường Sá Khê Nam, quận Bách Vân, TP Quảng Châu, đã gửi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cà phê “BUON MA THUOT” lên Cục Nhãn hiệu của nước này.

Ngày 14/11/2010, Cục Nhãn hiệu đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm nhãn hiệu cà phê “BUON MA THUOT” cho Công ty Cà phê Quảng Châu. Tương tự, nhãn hiệu cà phê “BUON MA THUOT COFFEE 1896” cũng được Công ty Cà phê Quảng Châu đăng ký nhãn hiệu và ngày 14-6-2011 đã được Cục Nhãn hiệu cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm.

Cũng theo thông tin đăng ký trên, Công ty Cà phê Quảng Châu kinh doanh mặt hàng cà phê (không có mặt hàng cà phê hòa tan 3 trong 1) và một số hương liệu dùng trong chế biến cà phê cũng như thức uống khác. Kiểm tra trên một số website khác của Trung Quốc, chúng tôi cũng tìm được rất nhiều trang quảng cáo về một số mặt hàng cà phê mang nhãn hiệu “BUON MA THUOT COFFEE 1896” và “BUON MA THUOT”. Thậm chí có cả một địa chỉ web: www.bmtcoffee.com.cn chuyên quảng cáo về mặt hàng cà phê này.

Theo một số chủ doanh nghiệp kinh doanh cà phê tại các tỉnh Tây nguyên, để có sản phẩm cà phê bán ra thị trường, Công ty Cà phê Quảng Châu đã đi mua cà phê của một số doanh nghiệp chế biến cà phê của Việt Nam về bán.

Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Hùng, giám đốc Công ty cà phê An Thái (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết cuối năm 2010, Công ty Cà phê Quảng Châu có sang đặt hàng đơn vị ông làm sản phẩm cà phê hòa tan 3 trong 1.

“Họ đã đặt chúng tôi hai đơn hàng gần 20 tấn cà phê hòa tan 3 trong 1 và cuối năm 2010 chúng tôi đã giao đủ hàng cho họ. Sau này chúng tôi có liên hệ lại nhưng phía công ty nói không đặt hàng nữa vì không phát triển được thị trường. Từ đó tôi không biết họ có mua cà phê của ai nữa hay không” - ông Hùng nói.
Theo Tuổi trẻ