Khó tin chuyện cầu siêu, xuất ngoại cho thú cưng của nhà giàu Việt

25/10/2012 09:41
Theo Người đưa tin
Chó được ăn sữa ngoại, nằm điều hòa, được uống sừng tê giác chữa bệnh; khi chết được chôn ở nghĩa trang riêng, được cầu siêu hàng tháng... đó là câu chuyện của những con vật cảnh được nuôi ở những nhà giàu.
 
Hiện nay, trên thị trường đang nở rộ các dịch vụ chăm sóc thú cưng với yêu cầu ngày càng cao cùng chi phí khá đắt đỏ. Phổ biến nhất là các dịch vụ xuất cảnh, làm đẹp như cắt lông, tỉa móng, tắm gội… với mức giá trọn gói lên đến tiền triệu.Tấp nập đến “bệnh viện” thăm thú cưng Hai tuần nay, không ngày nào anh N.P.L. (Q.Đống Đa, Hà Nội) không tới phòng khám thú y của bác sĩ Võ Văn Hải (số 7, hẻm 9, ngách 35, ngõ 462, đường Bưởi, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để thăm chú béc-giê 4 tháng tuổi đang điều trị bệnh viêm dạ dày - ruột cấp tính. Khi đi, anh không quên mang theo hộp sữa tươi tiệt trùng, mà nhất định phải là loại sữa không đường, nhập ngoại cho cún con tẩm bổ. Anh L. cho biết: “Hễ có thời gian rảnh trong ngày là tôi tạt qua thăm Shin (tên mà anh đặt cho chú béc-giê) và dắt nó loanh quanh gần đó cho nó mau khỏe. Nếu không, nó lại nghĩ bị chủ bỏ rơi thì tội nghiệp”. Cũng theo lời kể của anh L, con béc-giê có chế độ ăn uống khá nguyên tắc. Trung bình một ngày, chú ăn 4 - 5 bữa, gồm cả cơm, trứng vịt lộn, thức ăn khô, bánh quy, sữa bột và sữa chua. Thỉnh thoảng kèm thêm cháo dinh dưỡng dành riêng cho chó. Chú chó được tẩy giun sán định kỳ. Ngày nào, anh L. cũng lướt tất cả các trang hướng dẫn cách chăm sóc chó để áp dụng với béc-giê, thậm chí, anh còn đến cửa hàng đồ chơi của chó để “rinh” về những đồ chơi mà chú béc-giê thích thú. Chú cún được anh L. nhờ người tỉ mẩn chọn từng loại sữa tắm riêng đến những loại nước hoa vừa thơm dịu, vừa không gây dị ứng.
Bác sĩ Hải đang khám cho "bệnh nhân".
Bác sĩ Hải đang khám cho "bệnh nhân".
Anh L. kể, mùa đông thì tháng tắm 1 lần, còn nóng nực thế này ngày nào cũng tắm cho béc-giê, khăn tắm, đồ chải lông của béc-giê lúc nào cũng phải thật sạch. Thậm chí, chú chó còn được chủ sắm riêng cho một cái gối và ngủ cạnh chủ. Theo chân anh L. đến thăm chú cún vào buổi tối, chúng tôi ghi nhận được tình hình nhộn nhịp và lạ lẫm không ngờ tại đây. Chốc chốc, lại có gia đình đến thăm thú cưng đang chữa bệnh nội trú tại phòng khám. Có gia đình có liền ba người đến thăm, ôm, hôn chó thân mật; thậm chí khi thấy chú thú cưng chưa lành bệnh họ còn sụt sịt thương tiếc. Gia đình anh H. (Liễu Giai, Q.Ba Đình) có chú chó phốc đã nửa tháng điều trị bệnh viêm gan ở đây. Đều đặn hai ngày một lần, gia đình anh H. cử người đến thăm phốc. Trên một chiếc bàn nhỏ, chú phốc nằm lim dim, bác sĩ Hải phải nhờ người giữ tai, giữ chân chú chó trong khoảng 15 phút để truyền đạm, mỗi ngày truyền ít nhất hai lần. Cảnh tượng không khác gì ở một bệnh viện thông thường. Trao đổi với PV, bác sĩ Hải cho biết, nhiều gia đình tận Bắc Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Hải Phòng… cũng lặn lội tới thăm thú cưng đang chữa bệnh. Những gia đình có thú bị bệnh nhẹ thì bác sĩ trực tiếp đến thăm khám, tiêm thuốc, nặng quá mới đến “nằm viện” điều trị nội trú. Chị Thanh (La Thành, Hà Nội) đưa đến một chú chó Ngao rất đắt tiền bị nhiễm căm bệnh Parvovirut – một căn bệnh do virut tấn công đường tiêu hóa của vật nuôi gây viêm dạ dày, đường ruột. Với chi phí lên tới hàng triệu đồng điều trị kết hợp với sự can thiệp tích cực từ phía bác sỹ nên không thể điều trị tại nhà, buộc gia chủ phải gửi bệnh nhân điều trị nội trú. Hàng ngày, chú chó được chủ nhà chăm sóc theo một chế độ đặc biệt với các loại cao lương mỹ vị: Cháo hầm chân giò, thịt, giò chả…, thậm chí cả sữa loại đắt tiền.
Chi tiền “đô” xin visa cho chó xuất ngoại
Nhiều gia chủ còn cẩn thận mời bác sỹ đến nhà để tiện phục vụ thú cưng được chu đáo hơn, kèm theo đó là các khoản phục vụ tỉ mỉ như vệ sinh tai, mắt, chải mượt lông… Theo đó, giá thành cũng cao hơn từ 1,5 lần – 2 lần so với việc khách cất công đưa đến bệnh viện cho bác sỹ thăm khám, chăm sóc. Nhẹ nhàng hơn là dịch vụ khám sức khỏe định kỳ 1 tháng/lần với giá 200.000 đồng. Trong đó, nặng nhất là dịch vụ làm các thủ tục visa xuất cảnh cho thú cưng với chi phí hàng trăm đô la như: Visa đi Nhật giá hơn 600 USD, đi Mỹ giá 800 USD, còn xin visa cho thú sang các nước châu Âu khác có thể chi phí tăng gấp 2 - 3 lần. Được chủ nhà đưa đi thăm khám, chữa bệnh không chỉ là những loại thú nhập ngoại, đắt tiền mà có những “bệnh nhân” nếu mua chỉ đáng giá 40.000 - 50.000 đồng nhưng cũng được gia chủ nâng niu, chăm sóc rất cẩn thận. Anh Hải chỉ vào một cái lồng ở góc sân cho biết: “Đây là một con mèo ta không có gì đặc biệt được chủ nhà ở Khâm Thiên đưa tới đây để chữa bệnh sỏi thận. Hiện, bác sĩ đang phải thực hiện các biện pháp thông bàng quang trong vòng 7 ngày với chi phí lên tới 2 triệu đồng”. Tuy nhiên, đôi khi các bác sỹ cũng gặp phải trường hợp dở khóc dở cười vì bị khách hàng “đem con bỏ chợ”. Số là có lần, bác sĩ Hải tiếp một vị khách là một cô bé khoảng 15 tuổi (giới thiệu ở Cầu Giấy) mang theo một con mèo bị nhiễm nấm rất nặng nên phải giữ lại điều trị nội trú. Trong suốt quá trình điều trị không thấy chủ nhân đến thăm nom cho đến khi con mèo hoàn toàn bình phục vẫn không thấy vị khách đó quay lại. Anh Hải đoán có lẽ họ nghĩ chi phí cao, không đủ tiền trả nên không dám quay lại chăng? Hiện tại, con mèo đã được anh Hải gửi gắm một khách khác nuôi nấng.
Chó đi viện cũng phải... phong bì
Anh Nguyễn Huy M. (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói như phân trần: “Mình nghĩ, con vật cũng là sinh mệnh, ốm đau phải được bác sĩ chăm sóc. Nhà mình nhập “em” Danoir (chú chó Danoir - PV) từ Đức về với giá hơn 1.000 USD, ai cũng cưng, “em” ấy ngoan và rất khôn. Hôm vừa rồi mới bị tai nạn đầu ngõ, đưa Danoir tới bác sĩ thú y nằm liền một tuần. Cả gia đình, ai cũng lo lắng đến mất ăn, mất ngủ, bố mình phải đưa thêm tiền nhờ bác sĩ mới lưu tâm đến con Danoir nhiều hơn”. Trường hợp khác, sau thời gian dài nằm viện, sức khỏe chú béc-giê đã hồi phục, ăn được cơm, anh L. (Q.Đống Đa) và gia đình rất vui mừng. Ngày đến đón béc-giê ở phòng khám thú y, ngoài tiền chữa bệnh, tiền thuốc men, tiền nội trú của con chó, anh L. cẩn thận cho 200.000 đồng vào riêng một phong bì gửi bác sĩ, thay cho lời cảm ơn. “Cách đây một tuần, khi béc-giê nhập viện, chỉ nằm bẹp một chỗ, cả mấy ngày không ăn uống, đi lại được, gia đình tôi tưởng như không cứu chữa được. Giờ nó khỏe lại, ai cũng vui mừng, nhiều thì chẳng có nhưng cũng muốn thêm một chút gọi là cảm ơn bác sĩ” - anh L. chia sẻ thật thà. Bác sĩ Hải nhớ có lần, hai mẹ con chị N. lặn lội từ Bắc Ninh sang Hà Nội mang theo một con chó nhỏ bị liệt hai chân. Chi phí thuốc thang điều trị lên tới cả triệu đồng nhưng gia chủ không hề nề hà, thậm chí hàng ngày gia chủ còn xay cháo mang đến để tẩm bổ cho chú chó. Khi chú chó không qua khỏi gia đình đành đưa về lo hậu sự rất chu đáo, thậm chí còn lập đàn cầu siêu cả tuần trời cho chú chó xấu số.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Người đưa tin