Luật sư hiến kế lấy lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

19/09/2011 11:12
Phương Thúy (thực hiện)
(GDVN) - Theo Luật sư Nguyễn Hồng Linh - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Công ty Luật Gia Phạm: Hoàn toàn có căn cứ để lấy lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột...
Giới kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam đang đứng ngồi không yên khi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Linh – Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Công ty Luật Gia Phạm xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa luật sư, việc một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột có đúng với luật pháp?

Luật sư Nguyễn Hồng Linh:
Trước hết, cần xét về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Hiện nay, trên thế giới tồn tại 2 nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu là “first to used – sử dụng trước” và “First to filed – nộp đơn trước”. Trung Quốc là nước theo nguyên tắc “first to filed” nên theo nguyên tắc này, chủ thể nào nộp đơn trước đương nhiên sẽ được bảo hộ trước. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa đăng ký các nhãn hiệu này tại nước ngoài nên tất yếu phải chịu hậu quả là bị doanh nghiệp khác đăng ký mất.
Thứ hai, xét về điều kiện bảo hộ cho nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột”: Tuy hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Công ước Paris, Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid nhưng các Điều ước quốc tế này đều được dựa trên việc tôn trọng các nguyên tắc bảo hộ của từng quốc gia chứ chưa các điều kiện cụ thể áp dụng chung cho tất cả các thành viên. Do vậy, trong trường hợp Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc xét thấy nhãn hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ thì sẽ cấp văn bằng bảo hộ.
Luật sư hiến kế lấy lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ảnh 1
Cà phê Buôn Ma Thuột khó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế nếu mất thương hiệu.

Do đó, để xác định một cách chính xác nhất việc cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu này có hợp pháp hay không, chúng ta cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ luật Sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đặc biệt là các quy định về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu nổi tiếng và tham khảo cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu của Trung Quốc mới có thể đưa ra một nhận xét một cách chính xác nhất.
- Doanh nghiệp cà phê chịu ảnh hưởng thế nào khi thương hiệu đã mất về tay doanh nghiệp khác, đặc biệt đây lại là doanh nghiệp của nước ngoài, thưa luật sư? Theo tôi, việc mất thương hiệu sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp cà phê: các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ bị thua ngay tại cửa khẩu và không có đường xâm nhập vào thị trường Trung Quốc do có thể bị coi là sử dụng nhãn hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác. Ngoài ra, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý của nước khác làm nhãn hiệu của mình sẽ giảm năng lực cạnh tranh của chỉ dẫn địa lý đó nếu trong trường hợp chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp đang sở hữu thương hiệu không tốt hoặc họ cố tình sử dụng nhãn hiệu đó vào các mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Một ảnh hưởng tiêu cực khác đó là những vụ việc như thế này có thể tạo ra tiền lệ rất xấu trong hoạt động thương mại quốc tế, đó là việc không tôn trọng chỉ dẫn địa lý của các quốc gia khác. Nếu như tại Việt Nam, bạn đăng ký nhãn hiệu là tên địa danh của chính Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới làm nhãn hiệu của mình thì chắc chắn sẽ bị từ chối. Tuy nhiên, tại các nước khác, các nhãn hiệu này lại vẫn được bảo hộ. Điều này sẽ tạo ra rất nhiều các vụ việc tương tự về sau.

- Vậy theo luật sư, cà phê Buôn Ma Thuột có thể lấy lại thương hiệu của mình được không?

Tôi cho rằng có căn cứ để cà phê Buôn Ma Thuột lấy lại được thương hiệu của mình dựa vào các quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý và căn cứ vào quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.
Hiện nay, điều 6bis Công ước Paris có quy định về việc các nước thành viên có quyền từ chối bảo hộ hoặc hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu nếu như nhãn hiệu đó trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, việc có thể lấy lại nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” được hay không lại phải nhờ vào quá trình thu thập chứng cứ, cung cấp thông tin và năng lực của các luật sư giải quyết vụ việc.- Để lấy lại thương hiệu cà phê Buôn Ma thuột, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì, thưa luật sư? Theo các quy định pháp luật hiện hành thì có thể có 2 cách để lấy lại chỉ dẫn địa lý “Buôn ma Thuột”:Thứ nhất: Cần tiến hành thủ tục hủy hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” cho doanh nghiệp Trung Quốc. Căn cứ để thực hiện biện pháp này là nhãn hiệu “Buôn Ma thuột” là tên một địa danh tại Việt Nam và là chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại Việt Nam. Đồng thời, nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” cho sản phẩm cà phê là nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Muốn chứng minh nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” là nhãn hiệu nổi tiếng, UBND tỉnh Đắk Lắk phải cung cấp các chứng cứ về lịch sử lâu đời của nhãn hiệu, về danh tiếng sản phẩm, về thị phẩn, sản lượng, phạm vi xuất khẩu, các danh hiệu, giải thưởng, các hội chợ đã tham gia…Thứ hai: Có thể đàm phán mua lại nhãn hiệu. Tuy nhiên, đây là biện pháp khó khăn và tốn kém nếu như không nhận được sự hợp tác từ phía doanh nghiệp nước bạn. Do vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk cần tham khảo ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ, kết hợp với các luật sư để tiến hành các biện pháp trên trong thời gian sớm nhất.- Xin chân thành cảm ơn luật sư!
Phương Thúy (thực hiện)