Nếu Coca Cola trốn thuế, ngành Thuế phải chịu trách nhiệm?

20/12/2012 12:57
Trần Đức Tuấn (Đại học Victoria, New Zealand)
(GDVN) - Dưới góc độ của một người nghiên cứu luật học, ông Trần Đức Tuấn (Đại học Victoria, New Zealand) cho rằng: Nếu chuyện Coca Cola chuyển giá, né thuế là có thật thì ngành Thuế cũng phải nhận trách nhiệm trong việc để thất thoát nguồn thu cho Ngân sách Quốc gia.

Dư luận vừa qua rất bức xúc trước việc công ty Coca Cola Việt Nam 10 năm không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến vụ việc này, chủ yếu là việc quy trách nhiệm tới công ty đang được coi là đơn vị thống lĩnh thị phần đồ uống tại Việt Nam. Tuy nhiên, với tư cách là người dân, đồng thời, xét dưới góc độ của một người nghiên cứu luật học, ông Trần Đức Tuấn (Đại học Victoria, New Zealand) cho biết: “Điều mà tôi mong muốn là việc ngành thuế, đặc biệt là người đứng đầu ngành này phải chịu trách nhiệm”.
Trách nhiệm chính đáng lẽ ra là cơ quan thuế?
Được người dân ủy nhiệm, Chính phủ giao quyền, ngành thuế có trách nhiệm thu thuế các doanh nghiệp cho Ngân sách Quốc gia. Do vậy, nếu có việc trốn thuế của các doanh nghiệp, mà cụ thể là Coca Cola, thì lỗi đầu tiên phải kể đến đó là trách nhiệm của ngành thuế đối với nhân dân.

Nếu có việc trốn thuế của các doanh nghiệp, mà cụ thể là Coca Cola, thì lỗi đầu tiên phải kể đến đó là trách nhiệm của ngành thuế đối với nhân dân. (Ảnh minh họa)
Nếu có việc trốn thuế của các doanh nghiệp, mà cụ thể là Coca Cola, thì lỗi đầu tiên phải kể đến đó là trách nhiệm của ngành thuế đối với nhân dân. (Ảnh minh họa)
 

>> Toàn cảnh "nghi án" né thuế của các công ty đa quốc gia


Thứ nhất, cơ chế để thu thuế, kê khai thu chi của doanh nghiệp có lẽ đang có vấn đề. Và ngành thuế đã không đề xuất Chính phủ sửa đổi kịp thời. Thứ hai, liệu rằng có sự “bao che” của ngành thuế đối với các doanh nghiệp hay không? Do vậy, “anh” không làm được việc, anh phải chịu trách nhiệm, có thể là phải “từ chức”.

Kê khai lỗ hay lãi là việc của doanh nghiệp. Do đó, nhà nước có trách nhiệm ban hành các chính sách phù hợp, để không còn chỗ cho việc “gian” hay “lậu” đó, cũng như giao cho những người có năng lực thực hiện quyền mà nhân dân giao phó.

Việc kêu gọi người dân tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp trốn thuế, thực sự không công bằng đối với cả doanh nghiệp, lẫn người tiêu dùng. Sống ở đâu, theo “lệ” ở đó. Việc nộp thuế, các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật. Nhà nước có đầy đủ quyền lực để ban hành luật, kiến tạo ra các chế tài để “xử lý” các doanh nghiệp trốn thuế. Việc trốn thuế là quan hệ trực tiếp giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Còn việc tẩy chay hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp nên chăng chỉ trong trường hợp hàng hóa, sản phẩm có hại cho người tiêu dùng. Việc kêu gọi người dân tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp trốn thuế là một sự đùn đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng. Và có thể, những doanh nghiệp ấy sẽ phải phá sản, công nhân sản xuất ra các sản phẩm ấy thất nghiệp, trong khi trách nhiệm chính đáng lẽ ra là cơ quan thuế.

Lỗ thủng nào khiến Coca Cola bị nghi trốn thuế tới tận 10 năm?

Tại sao ở các nước, các doanh nghiệp rất khó để trốn thuế, và trốn thuế trong khoảng thời gian rất dài là điều dường như không thể, mà ở nước ta Công ty Coca Cola có thể né thuế đến tận 10 năm như vậy? 

Có phải, doanh nghiệp ở các nước làm ăn thật thà hơn ở nước ta hay không? Có lẽ, ở mọi nơi trên thế giới đều giống nhau, các doanh nghiệp, cụ thể hơn là các ông chủ sở hữu chúng, luôn mong muốn có lợi nhuận cao, sẵn sàng dùng mọi phương kế để đạt được. Việc có gian lận hay không tùy thuộc vào pháp luật, chính sách của nước sở tại, mà quan trọng hơn là việc thực thi những nhân viên công quyền. 

Ở nhiều nước phát triển, những người làm trong cơ quan thuế được hưởng mức lương đãi ngộ, nhưng tài sản của họ sẽ phải công khai. Một khi, có sự gia tăng “bất thường” thì những người này có trách nhiệm giải trình về khối tài sản tăng thêm. Đây có thể xem như yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo cho những người làm việc trong ngành thuế làm việc có “hiệu quả”, bởi ngành thuế là một trong những ngành có xu hướng tham nhũng nhất. 

Điều này do ngành thuế có đặc thù, đó là thẩm quyền “tự làm theo ý mình” (discretion) của ngành thuế rất lớn. Từ việc ấn định các khoản thuế tùy từng trường hợp, đến việc quyết định các khoản nào được miễn, giảm thuế… đã tạo cho các “công bộc” ngành thuế có những quyền hạn, mà các doanh nghiệp rất muốn chi phối.

Do vậy, việc công khai tài sản của những người làm công trong ngành thuế, hay nâng cao trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình, của người đứng đầu ngành này được xem như một công cụ giám sát hiệu quả. Điều này, giúp những người làm công ăn lương ngành thuế chuyên tâm với công việc. Chắc chắn, các doanh nghiệp sẽ không còn “cửa” để kê gian, khai dối nhằm trốn thuế được nữa.

Hy vọng, qua vụ việc của công ty Coca Cola, chúng ta cần xem xét lại chính sách về thuế đối với doanh nghiệp cũng như nâng cao trách nhiệm của ngành thuế để đảm bảo việc thu thuế đạt hiệu quả cao.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Trần Đức Tuấn (Đại học Victoria, New Zealand)