TGĐ Vifon "bày" cách giúp sản phẩm cà phê Trung Nguyên "toàn cầu hóa"

28/11/2012 13:32
Lê Ngọc Dương Cầm
(GDVN) – Theo bà Phương Mai, TGĐ Công ty Vifon: Cà phê của Việt Nam muốn xuất khẩu vào các thị trường Châu Âu, Mỹ, Pháp, Nhật… không chỉ đơn giản là cà phê cộng với đường, mà chủ nhân của nó phải biết phơi bày hết toàn bộ quá trình sản xuất ra tách cà phê... 
Bà Phương Mai dẫn dắt câu chuyện: “Theo đánh giá của các chuyên gia, nền ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng và truyền thống được ông bà ta lưu hành trong dân gian. Vì mang tính truyền thống nên thực phẩm Việt Nam cũng rất là đơn giản. Thế nhưng nếu bê nguyên xi thì chỉ lưu hành ở thị trường trong nước, chứ không thể nào lưu hành ở thị trường quốc tế, nhất là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật và Châu Âu, mỗi nước đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn riêng, rất khắt khe”.
Bà Bùi Phương Mai - TGĐ Công ty ViFon.
Bà Bùi Phương Mai - TGĐ Công ty ViFon.
 Về lời "chê" thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks “pha mùi vị cà phê với đường” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Phương Mai nhìn nhận: “Như vậy, theo đánh giá của anh Vũ, tôi nghĩ đúng là thành phần của Starbucks rất đơn giản nhưng nó đã được sản xuất tại một nước Châu Âu thì sự tin tưởng của người tiêu dùng về Tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm đã là tuyệt đối. Họ tin dùng cà phê Starbuck là hiển nhiên.
Ngay cả cà phê của Việt Nam muốn xuất khẩu vào các thị trường Châu Âu, Mỹ, Pháp, Nhật… không chỉ đơn giản là cà phê cộng với đường, mà mình phải biết phơi bày hết toàn bộ quá trình sản xuất tách cà phê, từ khâu trồng, thu hoạch hạt cà phê, các dư lượng chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuộc trừ sâu phải thế nào, đạt chuẩn không? Thậm chí đường cũng phại đạt tiêu chuẩn. Nghe đơn giản nhưng hoàn toàn không đơn giản như lời anh Vũ nói đâu”. Với kinh nghiệm là người đứng đầu công ty Vifon, bà Phương Mai nói về quy trình xuất khẩu sản phẩm Phở ăn liền để đến được với thị trường thế giới: “Với sản phẩm phở ăn liền của Vifon, muốn xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Châu Âu, chúng tôi đều phải tuân theo tiêu chí của Vệ sinh An toàn thực phẩm của cơ quan chức năng từng nước, sao cho phù hợp. Mỗi nước mình phải có sự diều chỉnh riêng. Nguyên liệu đầu vào phải được kiểm soát rất chặt chẽ, tức là phải kiểm tra hết tất cả các khâu sản xuất. Sau đó, khi sản xuất ra sản phẩm rồi, chúng tôi lại mang sản phẩm đó đi kiểm tra ở các cơ quan chức năng, khi họ khẳng định đạt chỉ tiêu, chúng tôi mới bắt đầu xuất khẩu”.
ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)
Và thành quả cho những nỗ lực và “giấc mơ” toàn cầu hóa sản phẩm của Vifon chính là giải thưởng Công nghệ thực phẩm toàn cầu năm 2012 (The IUFoST Global Food Industry Awards 2012) cho sản phẩm Bánh Đa cua ăn liền Vifon ngày 18/11 vừa qua.  Không riêng Vifon, theo đánh giá của nhiều "đại gia" doanh nghiệp Việt, thông tin thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới Starbucks bước chân vào thị trường Việt Nam vào đầu tháng 12 tới được xem là tín hiệu vui, cho thấy tiềm năng của thị trường cà phê Việt còn rất lớn. Sự có  mặt của Starbucks còn "hiện thực hóa" mô hình kinh doanh chuyên nghiệp đã thành công trên toàn thế giới mà nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt rất muốn được thử nghiệm.  Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp cà phê trong nước trong cuộc chiến tìm thương hiệu số 1 và sự lên tiếng của cà phê Trung Nguyên trong những ngày qua đã cho thấy sự quyết tâm của doanh nghiệp cà phê trong "cuộc chiến" này. Trước đó, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), từng nhận định việc “vua cà phê Việt” đã sẵn sàng thách đấu với “người khổng lồ” cà phê Mỹ Starbucks đủ thấy ý chí và quyết tâm trở thành thương hiệu toàn cầu của doanh nghiệp Việt. 
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Lê Ngọc Dương Cầm