"Tôi không tin Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ tiền “đánh bóng” tên tuổi"

13/05/2011 00:14
(GDVN)- “Tôi không tin Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ tiền ra để “đánh bóng” tên tuổi...anh ấy có thể là nạn nhân trong chuyện này", giám đốc Thái Hà Books đưa ra ý kiến.

(GDVN) – “Tôi không tin Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ tiền ra để “đánh bóng” tên tuổi trong trường hợp này. Anh Vũ là một người thông minh, nếu bỏ tiền để hình ảnh mình đứng cạnh các vĩ nhân, đó là một quyết định vô cùng sai lầm vì nó sẽ phản tác dụng. Tôi cho rằng có thể anh ấy là nạn nhân trong việc này” – Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Thái Hà Books suy đoán.

>> Đặng Lê Nguyên Vũ xếp cạnh vĩ nhân: Một công trình được đánh giá tốt
>> TGĐ Trung Nguyên được vinh danh "vĩ nhân" theo tiêu chí nào?
>> TGĐ Trung Nguyên đứng chung cùng các vĩ nhân từ năm 2008?

Mấy ngày qua, sau khi đọc cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”, nhiều độc giả cho rằng việc xếp Đặng Lê Nguyên Vũ đứng cạnh các vĩ nhân lẫy lừng của Việt Nam và thế giới là một sắp xếp hết sức khập khiễng, thậm chí gây phản cảm, “thể hiện một thái độ hết sức hồ đồ”.

Bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc Truyền thông - Đối ngoại Công ty Cổ phần Trung Nguyên cũng đã phản bác thông tin không chính xác về việc Tổng Giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ là đồng tác giả của cuốn sách này. Bà cho biết: “Chúng tôi chỉ cung cấp tư liệu theo yêu cầu, còn cuốn sách ra đời thế nào đó là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả nọ”.

Là một người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh sách, Giám đốc Thái Hà Books - ông Nguyễn Mạnh Hùng - cho rằng: ông Đặng Lê Nguyên Vũ nên lên tiếng để giải thích rõ ràng việc này. Bởi lẽ, có thể bản thân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng không thích đưa tên tuổi mình cạnh các vĩ nhân lớn như vậy, thậm chí, cũng không ngoại trừ khả năng: Trước khi cuốn sách được xuất bản, anh Vũ cũng không hề biết việc này.

a

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, GĐ Thái Hà
Books: "Anh Vũ có thể là nạn nhân".

Theo ông Hùng: Những người chủ biên hay tất cả những ai trân trọng, ngợi ca anh Vũ nếu không suy nghĩ kỹ khi phát biểu, không thận trọng khi viết về anh thì có thể đó là “con dao hai lưỡi” vô tình “giết chết” anh.

“Đối với tôi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ là người bạn lớn. Anh là một trong những người mà tôi rất khâm phục, thuộc nhóm rất ít những người mang được sản phẩm của Việt Nam vươn ra thế giới. Bên cạnh Phở 24, gốm sứ Minh Long,… café Trung Nguyên được nhiều người nước ngoài biết đến – đó là một thành công của riêng anh Vũ và là niềm tự hào của thương hiệu Việt. Ở góc độ khác, tôi khâm phục anh bởi anh là người rất trẻ, sinh năm 1971, nhưng đã có những ý tưởng rất táo bạo, dám nghĩ, dám làm. Ví dụ, ý tưởng thành lập “thánh địa” café ở Buôn Mê Thuật và ước vọng trở thành thánh địa café của cả thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam” – Nói về những ấn tượng của mình với Đặng Lê Nguyên Vũ, ông Hùng luôn dành một tình cảm trân trọng và quý mến, cảm phục và nêu gương.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Tôi đánh giá thành công của Đặng Lê Nguyễn Vũ trong kinh doanh cũng như những cá tính tốt đẹp của anh, rất đáng để thế hệ trẻ 8x, 9x học tập và noi gương. Hôm vừa rồi, tôi và Đặng Lê Nguyễn Vũ cùng là khách mời cho chương trình “biến ý tưởng thành vàng” của Liên hiệp hội Thanh niên TP.HCM. Giao lưu với các bạn trẻ, điều mà tôi cũng như Đặng Lê Nguyễn Vũ muốn nhắn nhủ với các bạn là: Để thành công phải có bầu nhiệt huyết, quyết tâm và ý chí lớn”. 

Tuy nhiên, với tài năng, tính cách và những đóng góp lớn lao của Đặng Lê Nguyễn Vũ như vậy có xứng đáng là 1 trong 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới, xếp chung với các vĩ nhân, các tên tuổi nổi tiếng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ,… và cả Thomas Alva Edison - nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 19 hay Bill Gates - biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức hay không?.

Trả lời câu hỏi này của báo Giáo Dục Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn nêu lên quan điểm: “Theo tôi, việc đưa Đặng Lê Nguyên Vũ vào cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” trong trường hợp này là không nên. Nếu tôi là tác giả cuốn sách, tôi sẽ không đưa. Lý do là: Nếu tôi làm vậy, người ta sẽ nghĩ tôi PR cho Đặng Lê Nguyên Vũ một cách vô lý. Nếu tôi là tác giả, tôi có thể bị chửi bới và đánh giá tôi ở 2 góc độ: Một là tôi kém hiểu biết, hai là tôi “ăn tiền” để PR cho Đặng Lê Nguyên Vũ một cách lộ liễu”. Ông Hùng cho rằng: “Việc PR, thuê viết bài thậm chí cả cuốn sách là điều hết sức bình thường và trong kinh doanh vẫn thường xuyên xảy ra bởi đó là một hợp đồng kinh tế. Nhưng vấn đề là cuốn sách đó ra đời sẽ được đánh giá như thế nào, nhìn nhận ra sao và nhất là phản ứng của xã hội – điều đó mới quan trọng. Trong trường hợp này, nếu như người biên soạn có thể đặt Đặng Lê Nguyên Vũ vào cuốn sách mang tựa đề “100 doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam” thì hoàn toàn hợp lý”.

Theo ông Hùng, để dẫn tới những dư luận trái chiều như hiện nay, với không ít những ý kiến lên án, chê trách, thậm chí gay gắt phê bình, “có lẽ do chủ biên cuốn sách không thận trọng, chưa tìm hiểu kỹ về các nhân vật mà mình đưa lên, hoặc thiếu nhân vật trong khi thời hạn hoàn thành công trình nghiên cứu đã hết. Họ mong muốn tìm kiếm một nhân vật thời hiện đại nhưng không tìm ra ai hợp lý nên đã “vội” đưa Đặng Lê Nguyên Vũ vào. Đó là phán đoán ban đầu của tôi, cũng có thể do cảm xúc cá nhân của một ai đó trong ban chủ biên”.
alt

Theo ông Hùng, có thể chủ biên cuốn sách không thận trọng,
chưa tìm hiểu kỹ về các nhân vật mà mình đưa lên.

Phân tích thêm một điều bất hợp lý của cuốn sách, ông Hùng thắc mắc: Tại sao lại là con số 14 nhân tài của lịch sử mà không phải 15, số lượng nhân tài trong từng lĩnh vực cũng không bằng nhau. Dựa vào những tiêu chí nào để đánh giá và xếp loại? Thêm vào đó, một điều đáng lưu ý là: Hầu hết các nhân vật đưa vào cuốn sách này đều đã là quá cố, những con người đã qua đời và được lịch sử ghi nhận và kiểm chứng. Đặng Lê Nguyên Vũ hầu như chỉ là 1 trong 2 nhân vật đang còn sống (cùng với Bill Gates). Ông Hùng nói: “Ngay cả những con phố muốn đặt tên các anh hùng, những bậc vĩ nhân của Việt Nam cũng phải đợi vài năm, sau khi họ mất đi, xem cuộc đời họ có sai lầm, kiện cáo gì không rồi mới được quyết định đặt tên phố, chứ đừng nói gì tới người còn đang sống, liệu tương lai có còn thành đạt?”.

Với tư cách là Giám đốc một công ty sách, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Đây có thể coi là một bài học cho Thái Hà Books trong việc cẩn thận khi đặt tên và lựa chọn nhân vật tiêu biểu. Theo ông Hùng: Khi chọn những nhân vật nổi tiếng phải có một hội đồng mang tính quốc gia hay ít nhất là gồn những nhân vật có uy tín để xét duyệt và nghiệm thu. “Nếu tôi là chủ biên của cuốn sách này, tôi phải chọn khoảng 10 – 20 thành viên hội đồng có tên tuổi, công bố công khai danh sách hội đồng, vì hội đồng phải có trách nhiệm về những nhân vật mà mình đã chọn. Thêm vào đó, phải nói rõ chọn nhân tài ấy được lựa chọn dựa trên tiêu chí gì, đồng thời cũng công bố minh bạch, rõ ràng các tiêu chí xét chọn đó giống như các giải thưởng Hồ Chí Minh, Sao Vàng đất Việt,… mà chúng ta đã làm”.

“Cá nhân tôi mong rằng anh Đặng Lê Nguyên Vũ bị oan do sự không cẩn trọng của các tác giả và nhà xuất bản. Tôi mong rằng xã hội và mỗi bạn đọc thông cảm với nhân vật và có cái nhìn khách quan. Muốn hay không Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là tấm gương sáng cho các doanh nhân thế hệ 7x, 8x và 9x học theo”, ông Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.
 
Tiểu Phương

>> Đặng Lê Nguyên Vũ xếp cạnh vĩ nhân: Một công trình được đánh giá tốt

>> TGĐ Trung Nguyên được vinh danh "vĩ nhân" theo tiêu chí nào?

>> TGĐ Trung Nguyên đứng chung cùng các vĩ nhân từ năm 2008?

>> Choáng với sách xếp Tổng Giám đốc Trung Nguyên chung với vĩ nhân

>> Trần tình của tác giả cuốn sách xếp TGĐ Trung Nguyên chung với vĩ nhân

Theo bạn, liệu doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã xứng đáng trong cuộc tôn vinh này hoặc ai có thể xứng đáng hơn ông Vũ? Bạn nhìn nhận thế nào về các tiêu chí sắp xếp trong quyển sách “Tài năng và đắc dụng”? Hãy chia sẻ ý kiến với báo Giáo dục Việt Nam bằng cách gửi vào ô phản hồi dưới đây hoặc gửi về địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng!