Vườn cây cảnh bạc tỷ hiếm có của tay chơi vùng sông nước

08/01/2012 19:42
Sở hữu nhiều cây cảnh bạc tỷ và khoảng 400 chậu kiểng giá trăm triệu đồng/cây, nghệ nhân Thanh Công nức tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long làm giàu nhờ cây.
Vào những ngày cận Tết, bất cứ ai bước vào sân nhà anh Công ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cũng đều choáng ngợp trước những hàng cây kiểng cổ thụ hoành tráng, uy nghi và lẫm liệt mà miền Tây ít nơi nào có được.
Cây sanh giá 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Lộc
Cây sanh giá 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Lộc

Chủ vườn tâm sự: “Lúc đầu tôi chỉ mua vài ba cây đem về trang trí cho đẹp nhà đẹp cửa và tăng thêm phần lịch sự. Ai ngờ cây kiểng lại có sức cuốn hút lạ kỳ, càng khám phá tôi càng say mê. Thế là đi đến đâu tôi cũng thăm dò, tìm hiểu và săn lùng những gốc kiểng hay, lạ. Nhờ vậy mà số cây trong vườn cứ dần dần tăng lên”.

Anh Công cho biết khoảng năm 2000, khi phong trào hoa kiểng sôi động cũng là lúc anh bắt đầu nhập cuộc vào thú chơi độc đáo này. Mỗi lần nắm được thông tin có cây hay, cây đẹp, đặc biệt là những cây có dấu ấn thời gian, anh liền tìm đến mua về thuần dưỡng và tạo dáng. Nhờ vậy mà sau 10 năm sưu tầm, anh đã có được một bộ sưu tập khá hùng hậu với trên 400 hiện vật gồm bonsai, kiểng cổ, kiểng trái và tiểu cảnh.

Lúc đầu chưa có ý định kinh doanh, nhưng sau một vài lần bạn bè đến chia lại với giá cao gấp đôi, gấp ba giá vốn nên anh mới nảy ra ý định vừa chơi vừa làm kinh tế gia đình.
Cây nguyệt quế có giá 1 tỷ đồng.
Cây nguyệt quế có giá 1 tỷ đồng.

Vườn sưu tập của nghệ nhân Công có nhiều chủng loại như mai vàng, nguyệt quế, tùng, sanh, cằn thăn, mai chiếu thủy và nhiều cây rừng hoang dã như vú sữa, lộc vừng, dâu, xơ ri… cây nào cũng được cắt tỉa, uốn sửa và tạo dáng theo phong cách riêng. Dù là kiểng trung, kiểng đại hay tiểu cảnh, tất cả đều mang dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển, không cầu kỳ gượng ép. Riêng loại hình bonsai, chậu và cây lúc nào cũng tương xứng, cân đối, có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật đường nét và nghệ thuật mảng.

Nghệ nhân này nói, trong số các loại cây hiện có, anh mê nhất là nguyệt quế và kiểng trái. Theo anh, nguyệt quế cho hoa thơm dịu dàng, thanh khiết giúp con người lâng lâng thư giãn. Còn kiểng trái là biểu tượng của hạnh phúc tròn đầy, của cao sang và hậu lộc.

Mỗi cây đều có dáng vẻ và nét kỳ mỹ hấp dẫn khác nhau, do đó giá trị cũng khác nhau. Cây trung bình có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Những cây lâu năm, già dặn, dáng vẻ hùng kỳ và mang dấu ấn thời gian như cây sanh dáng cổ đã đưa ra Hà Nội triển lãm, trị giá 1 tỷ rưỡi và cây nguyệt quế cổ thụ giá 1 tỷ đồng…
Cây duyên tùng giá 500 triệu đồng.
Cây duyên tùng giá 500 triệu đồng.

Có lần anh mua cặp nguyệt quế giá 150 triệu đồng, chỉ sau 6 tháng nâng niu, tạo dáng, sửa cành, có người mua lại với giá 600 triệu. Riêng năm rồi ông chủ vườn này đã thu vô được 10 tỷ đồng từ tiền bán cây.

Ông Phạm Hồng Lựu, một nghệ nhân chuyên uốn sửa kiểng cho anh Công nhận xét: "Chính vì lòng say mê mà anh Công đã sẵn sàng bỏ hằng mấy chục triệu đồng để thuê xe cần cẩu và xe tải chuyển cây sanh ra Hà Nội dự triển lãm nhân Đại lễ ngàn năm Thăng Long". Năm rồi, tại lễ hội sinh vật cảnh Đồng Tháp, anh đã giành được một huy chương vàng cho cây tùng mà anh đã dành hết tâm huyết để uốn sửa và thổi hồn vào nó.