Chí Trung 'liều' với chính kịch

28/11/2012 07:42
An Ninh Thủ Đô
Nghệ sĩ Chí Trung có một quyết định cực “liều” là phục dựng lại vở kịch quá cũ nhưng trở lại với một vai trò khác: Trợ lý đạo diễn.
Vở kịch Lời thề thứ 9 của tác giả Lưu Quang Vũ đã từng làm khán giả cả nước nức lòng những năm 1980, trong đó, bản dựng của Nhà hát tuổi trẻ (1988) được đánh giá cao nhất với 320 suất diễn. Nghệ sĩ Chí Trung - diễn viên mà hơn 20 năm trước đã vào vai Đôn “sứt” trong Lời thề thứ 9, vốn đã thuộc lòng từng lời thoại trong vở kịch, nay anh lại có một quyết định cực “liều” là phục dựng lại vở diễn nhưng trở lại với một vai trò khác: Trợ lý đạo diễn.

- Chào Nghệ sĩ Chí Trung, nghe nói anh đang phục dựng lại một vở kịch quá cũ. Hình như anh hy vọng sức nặng của cái tên Lưu Quang Vũ sẽ kéo khán giả đến rạp?

- Cũng có nhiều người hỏi tôi như vậy. Nhưng thực ra thời gian gần đây chúng tôi cũng đã dựng lại một số vở của Lưu Quang Vũ và cũng đã có thất bại. Đúng là cái tên Lưu Quang Vũ thực sự rất “hot” nhưng ở thời điểm này, nó có làm khán giả mua vé đến rạp không lại là chuyện khác. Tôi dựng lại vở này trước hết vì muốn cho những diễn viên trẻ của tôi cần có một cái tâm với nghề, tâm với một tác phẩm đẹp. Tôi cần có một nhân vật lớn để diễn viên khi bước vào đấy họ được lớn theo. Kịch Lưu Quang Vũ làm được điều đó. Nhân vật của anh Vũ rất bình thường đối với chúng ta, nhưng anh đã thổi hồn vào, thổi cái nhân văn vào nên bỗng dưng nó rất lớn, và nếu diễn viên tải được cái đó thì cũng sẽ lớn theo. Với cái mục đích đó nên nếu khán giả đến được rạp là rất tốt, đó là điều kiện đủ, điều kiện thứ 2 chứ chưa phải điều kiện cần. 

- Nhưng nếu dựng vở mà không có khán giả thì có thể coi như thất bại?

- Tôi sẽ chọn khán giả. Thường thì khán giả sẽ chọn bọn tôi, họ xem vở diễn này là của ai, diễn viên nào thì họ mới xem. Nhưng với Lời thề thứ 9, tôi sẽ đặt tiêu chuẩn cho khán giả. Tôi muốn cái tâm huyết của chúng tôi phải đến với những người tâm huyết chứ không cần những khán giả vào giải trí. Nếu quý vị muốn giải trí, chúng tôi sẵn sàng đổi vé để quý vị xem Đời cười, Phố cười. Còn nếu bạn thực sự rung cảm với những vấn đề xã hội, những vấn đề thời sự mà chúng tôi trăn trở thì hãy ngồi lại. Chúng tôi sẽ làm cho quý vị hài lòng. 
- Có vẻ anh đi ngược lại với lo lắng của nhiều người rằng những vở diễn “tử tế” đang khó tìm khán giả?
- Tất nhiên chẳng có ai vui nếu khán giả vắng cả, nhưng tôi khẳng định là chúng tôi vẫn đủ sống, đủ tiền để dàn dựng những vở diễn “tử tế”. Chúng tôi vẫn có hàng trăm chương trình Đời cười, phố cười, có nhiều người hỏi tôi anh cứ cười hềnh hệch mãi thế này có sợ méo mồm không. Nhưng khi chúng tôi dựng một vở “tử tế” thì mọi người lại lo không có khách. Hóa ra mọi người cứ quá lo. Ví dụ thứ 6 chúng tôi diễn Lời thề thứ 9, thì thứ 7 chúng tôi lại có Đời cười. Chúng tôi phải biết điều tiết cho chính mình chứ. 

- Như thế có nghĩa là vẫn còn khoảng cách giữa thị hiếu khán giả và những người làm nghệ thuật?

- Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng vở kịch có thành công không còn phụ thuộc vào tính thời sự, tính công dân trong mỗi khán giả, cái tâm huyết của khán giả dành cho những vấn đề nhức nhối của xã hội. Chúng tôi lo lắng nhất là nếu khán giả vô cảm, họ nghĩ rằng kịch chỉ là kịch chứ làm sao thay đổi được xã hội. Những năm 1988-1989, cả đất nước đổi mới, ai cũng muốn thay đổi, muốn phá tung chế độ bao cấp cũ… cái rung động chính trị của người dân nó lớn lắm.

- Ngoài việc để những diễn viên trẻ được “lớn” cùng vai diễn thì lý do gì khác khiến anh phục dựng lại vở kịch?

- Lời thề thứ 9 tôi tin là sẽ vẫn rất nóng. Đó là câu chuyện, là vấn đề cũ nhưng nhưng tính thời sự của nó thì còn nguyên. Sự phân chia đẳng cấp, giàu nghèo, sự vô cảm của một bộ phận tầng lớp lãnh đạo với cuộc sống người dân. Có khác chăng là ngày xưa người xấu chỉ là 1, 2 nhân vật trong vở diễn còn nay kết thành một bè lũ trong khi người tốt vẫn lơ ngơ như cũ. Dù là vở kịch chính luận nhưng Lời thề thứ 9 có rất nhiều yếu tố hài, khán giả sẽ được cười rất nhiều, nhiều nhân vật hài một cách kệch cỡm, nhiều lúc khán giả phải cười chảy nước mắt.

- Anh có nghĩ rằng lần này, Lời thề thứ 9 sẽ vượt qua bản cũ?

- Đừng đặt bẫy tôi câu đó (Cười to). Bố tôi vẫn hay kể rằng: Ông nội thường nói với bố tôi, con không bằng bố; bố tôi cũng nói với tôi như vậy và tôi cũng nói với con tôi như vậy. Luôn luôn những người đi trước lo như vậy. Nhưng thực ra có nhiều cái ông bố không thể bằng con, chẳng hạn bọn trẻ giờ có thể xem một bộ phim nước ngoài mà chả cần phiên dịch, chúng tôi thì chịu chết…

- Hình như anh đang có ý định khuấy đảo sân khấu kịch phía Bắc?

- Tôi đang làm một cái nghề mà xã hội không cần lắm. Người ta không thể không ăn, không yêu, nhưng hoàn toàn có thể không đến xem kịch. Vì vậy, muốn mọi người chú ý thì tôi luôn phải tạo sóng. Và tôi luôn là người tạo sóng ở thị trường Hà Nội này, nếu không muốn nói là toàn miền Bắc và cả miền Trung nữa. Muốn tạo sóng thì bạn phải khuấy mạnh cái mặt nước đang phẳng lặng lên, và phải giơ cờ lên cho mọi người biết mình đang ở đó. Tôi nghĩ tôi luôn là như thế.

- Xin cảm ơn anh!
An Ninh Thủ Đô