Hài tết Vượng râu ăn khách nhờ... Chí Tài

22/01/2013 06:30
Ngọc Nguyên
(GDVN) - Nghệ sĩ hài Vượng râu vừa ra mắt DVD hài Tết 2013 với hai tiểu phẩm “Phụ huynh khó tính” và “Thầy già con hát trẻ” do đích thân anh đảm nhiệm nhiều vai trò: biên kịch, vai diễn chính, đạo diễn.

Nếu năm ngoái, Vượng râu mời Thúy Nga tham gia đĩa hài Tết thì năm nay, nhân vật xuất hiện lại là Chí Tài. 

Trong tiểu phẩm “Phụ huynh khó tính”, Chí Tài vào vai ông bố giàu có nhưng khó tính, đăng tin kén rể cho cô con gái đã chuẩn bị xếp vào diện ế chồng nhưng chàng rể nào cũng không làm ông vừa ý. Vượng râu là một trong số 2 chàng rể tìm tới nhà Chí Tài hỏi vợ - sau anh chàng Tây đen.

Với bản tính lém lỉnh, mồm mép tép nhảy, vừa ca hát, ứng khẩu thành thơ, Vượng râu dám thách đố ông bố thi nhảy theo nhạc. Bên cạnh những màn đấu khẩu “kẻ tám lạng, người nửa cân”, khán giả sẽ phải bò lăn khi chứng kiến Chí Tài nhảy điệu Michael Jackson cực kỳ vui nhộn.

Tuy nhiên, phải khẳng định thêm rằng, nếu không nhờ duyên hài của Chí Tài, tiểu phẩm sẽ không thực sự hấp dẫn. Vượng râu diễn hài chưa mượt, còn "cương" và lời thoại dù vận dụng cách nói lóng, làm thơ con 'cóc' nhưng chưa thực sự hấp dẫn.

Màn đấu khẩu giữa Chí Tài và Vượng râu trong "Phụ huynh khó tính"
Màn đấu khẩu giữa Chí Tài và Vượng râu trong "Phụ huynh khó tính"

Đúng với tiêu chí của ngày Tết cổ truyền, tiểu phẩm hài “Thầy già con hát trẻ” đã giúp người xem tìm về một không gian thấm đẫm những làn điệu dân ca ngọt ngào, ca ngợi nét văn hóa đặc sắc của người Việt.

Sau một thời gian lên thành phố làm ăn sinh sống, cô học trò Mận ngày nào (nghệ sĩ hài Trà My thủ vai) giờ đã là ca sĩ nổi tiếng, trở về thăm người thầy dạy cô hát dân ca thuở xưa. Choáng váng trước sự lột xác từ vẻ ngoài, cách ăn mặc cho tới lối hát đua theo thị trường của cô trò cũ, người thầy già (Vượng râu thủ vai) không cầm được nước mắt tiếc nuối cho nghề Tổ dân ca nay coi như thất truyền.

Giữa cuộc sống bộn bề bon chen, người xem như lắng lại với những câu hát đằm thắm, từ dân ca Bắc bộ tới Nam Bộ, rồi hình ảnh người mẹ hiền ru con bên cánh võng, tất cả đã mang lại cảm xúc thật dịu dàng. Có thể nói đây là một kịch bản hay, phản ánh thực tế về đời sống giới trẻ, mải mê chạy theo những xu hướng mới của thị trường, ăn mặc thiếu văn hóa, thích những thể loại nhạc hiện đại gào thét, chộp giật, lắc lư… mà quên đi truyền thống văn hóa dân tộc.

“Kênh truyền hình nào bây giờ cũng mở nào là Hip hop, nào là Gangnam, thi giọng hát cho người Việt mà lại hát tiếng nước ngoài…” – Trích lời người thầy trong phim.

Trích cảnh "Thầy già con hát trẻ"
Trích cảnh "Thầy già con hát trẻ"

 
“Thầy già con hát trẻ” mang hơi hướng hài ca nhạc, lời thoại không nhiều mà chủ yếu là hát, bởi vậy trong tiểu phẩm, cặp đôi Trà My – Công Vượng có cơ hội khoe giọng ca “ngọt như mía lùi” của mình. Công Vượng vào vai người thầy râu tóc bạc phơ, nghiêm nghị, mực thước, uốn nắn từng câu từng chữ khi dạy hát dân ca, lại có lúc trổ tài nhún nhảy dẻo quẹo khiến cho khán giả không ngớt tràng cười.

Nghệ sĩ Trà My cũng không hề kém cạnh, khi là một cô ca sĩ thời thượng, ăn mặc nhố nhăng khoe thân hình “phì nộn”, gầm thét những ca khúc thị trường, lúc lại biến hóa trở thành một liền chị yếm thắm, nón quai thao, hát câu quan họ.

Bộ phim còn nói hộ tiếng lòng của những người nghệ sĩ, dù nặng lòng với truyền thống cũ nhưng bị miếng cơm manh áo, dòng đời xô đẩy, đành phải chạy theo cái mới “thời thế thế thời, thời phải thế”. Song đến cuối phim thì kết thúc cũng khiến cho người xem cảm thấy hài lòng, người trò xưa lại trở về làng, nối nghiệp thầy, gắn bó với những câu ca quen thuộc, những gì tinh túy nhất của tâm hồn người Việt.

Ngọc Nguyên