Táo Quân 2013 của VTC 'chưa đã' bằng VTV

22/02/2013 06:43
Thảo Nguyên
(GDVN) - Đã thành thông lệ, chương trình Táo quân đã trở thành món ăn tinh thần được người dân cả nước ngóng đợi vào dịp cuối năm. Năm nay, ngoài chương trình Táo quân của đài truyền hình VTV, người xem còn được thưởng thức một chương trình Táo quân khác của đài VTC.

Cả 2 chương trình Táo quân đều khai thác truyền thuyết ngày 23 tháng Chạp các Táo lên chầu Ngọc Hoàng để báo cáo về 1 năm làm việc của Hạ giới. Dù cùng một mô-tip thể hiện song mỗi chương trình có cách tiếp cận các vấn đề xã hội và cách thể hiện riêng.

Xét về mặt hiệu ứng, chương trình Táo quân của VTV được “ưu tiên” và chờ đợi số 1 trong lòng người dân mỗi đêm giao thừa. Điều này rất dễ hiểu, bởi chương trình đã đều đặn lên sóng tròn 10 năm, cộng với dàn diễn viên quen thuộc đến mức không thể thay thế như “Ngọc Hoàng Quốc Khánh”, “Bắc Đẩu Công Lý”, “Nam Tào” Xuân Bắc”, “Táo giao thông Chí Trung”, “Táo Kinh Tế Quang Thắng”, “Táo y tế Vân Dung”…

Các nhân vật Táo quân VTV đã trở thành “thương hiệu” của các diễn viên hài nổi tiếng, điều này đã khiến hình tượng của nhân vật khắc họa sâu sắc, ghi dấu ấn đậm nét hơn trong lòng công chúng. Người xem Táo quân của VTV ngoài việc chờ đợi xem vấn đề nổi cộm nào của năm được đưa lên “mổ xẻ”, còn vô cùng háo hức xem các nhân vật quen thuộc sẽ thay đổi ra sao trong chính vai diễn của mình qua từng năm.

So với Táo quân VTV thì Táo quân VTC là một chương trình mới. Cũng nhằm đi vào tiếp cận và châm biếm các vấn đề xã hội mang tính tiêu cực của 1 năm, Táo quân VTC quy tụ 1 dàn diễn viên hài được yêu thích của miền Bắc như: Quang Thắng, Vân Dung, Hiệp Gà, Quang Tèo, Đức Khuê… Trong đó, diễn viên Quang Thắng, Vân Dung và Hiệp Gà đã tham gia diễn xuất tại Táo quân VTV và tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Tuy phát sóng sớm hơn (chương trình lên sóng đúng ngày 23 tháng Chạp) nhưng Táo quân VTC vẫn chưa thành công như “phiên bản gốc” Táo quân VTV.

Cũng với mô-tip các Táo phụ trách từng mảng công việc của Hạ giới lên chầu và tâu với Ngọc Hoàng về tình hình công việc của mình, Táo quân VTC đưa ra các vấn đề nổi cộm của 8 lĩnh vực trong đời sống năm vừa qua: Y tế, giáo dục, văn hóa-thể thao-giải trí, kinh tế, quy hoạch, đầu tư, giao thông, thủy điện.

Các vấn đề của từng lĩnh vực đều là những điểm 'nóng' trong xã hội: Về Văn-thể-mỹ có vấn đề về các ăn mặc và ứng xử của giới nghệ sĩ, vụ “lùm xùm” di tích chùa Trăm gian. Về kinh tế đưa ra vấn đề nợ xấu, khủng hoảng. Về quy hoạch đưa ra vấn đề quản lý yếu kém trong việc quản lý đất đai, việc cưỡng chế giải tỏa…

Bước đầu, Táo quân VTC đã chạm tới các vấn đề nhức nhối của xã hội. Song, việc quá “tham” điểm lại những vấn đề gây nhức nhối trong năm khiến chương trình bị “rối” và chưa có điểm nhấn. Người xem sẽ rất khó để nhớ lại các vấn đề được “điểm mặt” trong gần 2 tiếng phát sóng của chương trình. Thêm vào đó, các tình tiết hài hước, châm biếm của Táo quân VTC còn ít và chưa sâu sắc.

Một cảnh trong Táo quân VTC.
Một cảnh trong Táo quân VTC.

Khác với mọi năm, Táo quân VTV năm nay chỉ có 4 Táo đại diện cho 4 lĩnh vực lên chầu: Dân sinh, Văn thể, Kinh Tế, Giao thông. Chỉ riêng việc “các Táo còn lại không lên chầu vì tình hình kinh tế khó khăn, không có điều kiện lên gặp Ngọc Hoàng” đã là 1 chi tiết khá “đắt” thể hiện vấn đề khủng hoảng kinh tế trong năm vừa qua.

Với 4 câu chuyện của mình, Táo quân VTV đã lựa chọn những vấn đề tiêu biểu nhất, nhức nhối nhất trong xã hội để phản ánh và đả kích. Việc phản ánh có chọn lọc và sâu sắc các vấn đề này một cách dí dỏm, hài hước khiến Táo quân VTV như một cơn mưa rào “giải khát” cho người dân.

Trên thực tế, người xem chờ đợi Táo quân không chỉ là để điểm lại các vấn đề của năm mà còn chờ đợi sự châm biếm, đả kích, chờ đợi những tiếng cười sảng khoái để cùng nhau ngẫm lại 1 năm đã qua và cùng hi vọng vào một năm mới tươi sáng, nhiều hi vọng hơn. Táo quân VTV đã nắm rất rõ điều này và thực hiện rất tốt tiêu chí đó.

Ví như, ở VTV, bản nhạc Gangnam Style được Táo kinh tế Quang Thắng nhảy mô phỏng cho "một năm kinh tế buồn" thì ở Táo VTC, bản nhạc được giữ nguyên và được dùng để làm nền cho 1 nhân vật đại diện cho giới người mẫu dưới hạ giới.

Thêm vào đó, vấn đề “cuồng Hàn Quốc” qua bản nhạc Gangnam Style cũng được nhắc tới rất nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu cay qua lời phán của “Ngọc Hoàng Quốc Khánh”: “Ộp pa là cái gì thì kệ cha nó”. Cũng là vấn đề “phạt chính chủ”, song với Táo VTV lại hài hước hơn với câu nói của “Táo giao thông Chí Trung”: “Thần đề nghị phạt Nam Tào tội mang thân xác không chính chủ!”…

Táo quân VTV năm nay có điểm “gợn” khi bị “tuýt còi” vì 1 vài chi tiết không phù hợp. Một vài ý kiến cho rằng việc để những từ “ngoa ngoắt” như “kệ cha nó”, “con điên”… vào trong lời của các cán bộ Thiên Đình là không nên. Đây cũng là một điểm cần lưu ý đối với êkip thực hiện chương trình. Song, rõ ràng, việc chăm chút vào từng chi tiết để phản ánh nó một cách sâu sắc nhất, hài hước nhất của VTV đem lại hiệu quả hơn việc điểm lại các sự kiện đã xảy ra.

Táo quân của VTV.
Táo quân của VTV.

Thông thường, phần nhận xét cuối cùng của nhân vật Ngọc Hoàng được coi là phần tổng kết, nó thể hiện rõ nhất nội dung và tiêu chí của cả chương trình. Ngọc Hoàng sẽ điểm lại những điểm được và chưa được của xã hội trong năm cũ, quán triệt những mục tiêu cho năm mới, đồng thời mở ra 1 khung cảnh mới mẻ hơn, tươi sáng hơn nhằm đem lại niềm tin và hi vọng cho người xem. Tuy nhiên, Ngọc Hoàng của VTC liên tục thể hiện sự mệt mỏi trước các vấn đề tiêu cực và phần phát biểu tổng kết buổi chầu quá nghiêm túc khiến chương trình kết thúc trong không khí hơi nặng nề, kém tươi vui.

Không chỉ về mặt nội dung, Táo quân của VTC khá “cồng kềnh” trong cách thể hiện. Sự chú ý của người xem sẽ bị loãng vì dàn diễn viên khá “hùng hậu” nhưng không có điểm nhấn. Không chỉ nhiều Táo, các nhân vật nhân dân dạ giới quá nhiều khiến người xem cảm thấy chương trình “lê thê”, khó theo dõi. 

Nếu Táo quân VTC chọn cách lên chầu "truyền thống"- báo cáo khi được gọi thì VTV lại chăm chút khá kỹ cho phần xuất hiện của các Táo. Các Táo VTV có phần xuất hiện giống như các HLV của The Voice - chương trình truyền hình thực tế đình đám của năm. Ngoài ra, để giành quyền báo cáo hoặc bày tỏ ý kiến, các Táo sẽ nhấn nút "like". Chi tiết này phản ánh xu thế "người người Facebook, nhà nhà Facebook" hiện nay. Sự đổi mới này của VTV được đánh giá sáng tạo và ý nghĩa, nó đã tạo nên sự thích thú cho người xem.

Về sân chầu, VTC cũng thiếu đầu tư khi thiết kế sân chầu Thiên Đình giống như một sân khấu kịch cổ trang thông thường. Hiệu ứng mây bay không đem lại cho sân chầu phong cách thanh tịnh của chốn bồng lai tiên cảnh mà lại khiến người xem...chóng mặt và rối mắt. Ngược lại, sân khấu của VTV được thiết kế trang nhã và tinh tế hơn với khung cảnh huyền ảo của chốn non thiêng tiên giới.

Suy cho cùng, việc một chương trình mới bị so sánh và “lép vế” hơn so với chương trình trước đó là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, sự “cạnh tranh” bao giờ cũng sẽ đem lại những sản phẩm chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn.

Khán giả vẫn luôn chờ đón những chương trình có sự đầu tư công phu, nội dung phong phú hấp dẫn của cả VTV và VTC.
Thảo Nguyên