Băng cướp Cánh Buồm Đen với cờ hiệu là cây chổi dài

15/04/2011 09:23
Băng cướp Cánh Buồm Đen hoạt động dữ dằn ở những năm đầu thế kỷ 20, chủ yếu hướng vào sự giàu có của những tàu buôn nước ngoài. Trên cột buồm tàu của băng này thường treo cây chổi màu đen như một cây buồm, với thông điệp quét sạch tàu qua lại!

Những ngày ở đảo, chúng tôi đến các cụm dân cư và nghe quá nhiều câu chuyện về lịch sử Quần đảo hải tặc trong mỗi con dân xứ biển. Bốn gia đình đầu tiên ở đảo gồm nhà ông Tư Nam, nhà ông già Mười, nhà ông Bảy (giờ đã định cư ở Mỹ), nhà bác Tư Hân. Bà Mười, tên cúng cơm là Nguyễn Thị Gái. Bà Gái cùng chồng con về đây từ khoảng những năm 1950, khi gặp tôi, ở tuổi bát tuần, bà vẫn làm sãi sư duy nhất trông ngôi chùa duy nhất của Quần đảo Hải tặc. Và, chùa do chính bàn tay và tiền bạc của một mình bà xây dựng nên.

Bà Mười là người gốc ở xã Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc, bà và chồng đến đảo Hòn Đốc từ lúc thằng con thứ... 6 nhà bà mới chỉ biết đi, còn thằng thứ 5 mới 3 tuổi đầu, vậy mà bây giờ cháu nội cháu ngoại của bà đầy một nhà rồi. Chứ năm tháng bà có nhớ làm cái gì, ở ngoài hoang vu này, thời gian dường như không trôi đâu cháu ạ. Bà chỉ còn nhớ là ông Mười, chồng bà, chết năm 1988, năm ấy ông 61 tuổi.

Chồng bà là người ở tít mãi Châu Đốc, An Giang, nơi mà “trên kênh Vĩnh Tế, mùa nước lên bông điên điển nở vàng”, bà chưa về đó bao giờ nhưng nghe ông kể là đẹp lắm. Trước, hồi chế độ Việt Nam Cộng hòa, đói quá, vì lính nó hành ác quá, ông bà mới bỏ vào rừng Phú Quốc chạy loạn, chạy chán, người ta bảo chỉ có ra hoang đảo mà sống thì mới yên thân được với cái thì buổi chiến tranh loạn lạc ấy.

Lúc ông bà ra Hòn Đốc, hai cái hòn đảo ngoài kia chưa hề có lực lượng “bắt người đòi tiền chuộc” (cướp biển) người ta quần thảo, thế nên yên thân được một thời gian. Cái hồi ấy, nhà thờ thiên chúa giáo ở đảo Hòn Giang còn chưa xây, ông bà chặt gỗ trên rừng làm nhà, chọc lỗ ở núi để tra hạt sống qua ngày mà cũng sung túc. Lúc ấy và cả bây giờ nữa, quần đảo Hải Tặc luôn xứng đáng là rừng vàng biển bạc của miền Tây Nam Bộ này.
 
Đến lúc bọn Nguỵ nó đem tàu chiến, xe tăng các thứ ra làm đường nhựa, làm lô cốt, làm cả một cái sân bay đỗ máy bay trực thăng dã chiến ở nơi cao nhất của hòn đảo lớn nhất Quần đảo hải tạc, bà Gái lo lắm. Thế này thì lại sắp loạn lạc đến nơi, có khi lại phải bỏ nhà cửa ruộng vườn, tàu thuyền mà chạy loạn một lần nữa thôi. Mà bầu đoàn thê tử nhà bà thì chạy bằng thuyền gỗ lênh đênh rù rì, còn bom đạn nó đến bằng sân bay với tàu thuỷ, ngư lôi thì chạy làm sao được. Bà Gái bèn khấn Trời khấn Phật mãi để mong bình yên.

Rồi bà được Trời Phật phù hộ, bà mới quyết định xây một ngôi chùa để tịnh tâm. Thôi thì biển sâu trời thẳm khó tin, bà cứ chắp tay tin Phật vậy. Chứ biết chạy đằng nào, chỗ này là xa tít mù tắp rồi, có còn cái hoang đảo nào “hoang” và đáng sợ hơn cái đảo này đâu. 

Đời tàu công, thủy thủ đánh cá trên biển ở Kiên Giang.
Đời tàu công, thủy thủ đánh cá trên biển ở Kiên Giang.


Bà không có chữ, bà mượn mấy cái xe của nguỵ xây sân bay ấy, đút lót cho nó ít cá mú hoa quả, bảo nó xe đất xe cát hộ mà xây chùa. Chùa mọc lên, bà đặt tên là Sơn Hoà Tự (đến bây giờ, đó vẫn là ngôi chùa duy nhất ở đảo cướp biển). Bà Gái nói chữ với tôi: “Sơn là núi, Hoà là yên hoà, hoà bình - bà ngừng lại lục vấn khoe chữ với tôi - Còn Tự, cháu có biết không? Tự là tự nó, tức là tự tôi xây nên, xây bằng tiền nuôi heo, đánh cá, chặt rừng của vợ chồng tôi”. Thôi thì cũng đành, chùa má Mười còn tự xây, Phật bà còn tự xây được thì cơn cớ gì không cho bà tự giải thích chữ Tự là Tự Nó, Tự Bà Xây chứ không phải “Tự là Chùa” như vốn Hán học ít ỏi của tôi?!

Bà Mười bảo, độ ấy, mỗi lúc đứng ra đầu nhà nhìn thấy sân bay, lô cốt và con đường nhựa chạy thẳng lên đỉnh núi cao nhất quần đảo Hải Tặc, bà lại đau lòng, bà sợ chiến tranh giặc dã quá. Cái hồi có một ông tướng ra đảo thăm sân bay và lô cốt, bà tưởng rằng, chắc bom đạn bắn tung nước biển lên mất thôi. Tàu của các ông ấy đi mà bà trông theo nó nhanh hơn cả chim bay trên mặt biển, nhòm từ bờ theo, chỉ trông thấy mỗi nước trắng xoá ở phía đuôi thôi, chả thấy người với tàu đâu. Mỗi lần như thế, bà lại bỏ vào chùa tịnh tâm khấn ông Phật tự bà rước về thờ. Không ngờ, Phật giúp bà và gia đình bình yên đến tận hôm nay.

Thú vị nhất là câu chuyện về sự lẩn lút của các toán cướp xưa kia, đặc biệt là hậu duệ của băng cướp biển “Cánh Buồm Đen” vẫn đang sống trên đảo. Chuyện do chính bà Mười kể, nể nang lắm bà mới kể, rằng bố bà Nguyễn Thanh Vân (Tư Vân) chính là người “làm ăn” (cướp biển) rất nổi tiếng; cùng “hoạt động” với ông có các ông Năm Bùn, Sáu Minh, Năm Lộc… Sau thời gian tung hoành khắp vịnh Thái Lan, phải lòng và lấy một cô gái người nước Thái Lan làm vợ, được người đẹp hiền lành cảm hóa, vào năm 1956, thì cướp biển Tư Vân “giải nghệ”, sinh ra bà Mười và những người con khác.

“Thôi, mình tử tế mà cứ kể chuyện cướp biển xưa kia, nghe kỳ quá”, bà  Mười bỏ lửng câu chuyện, khoe: “tôi dựng chùa, là do ý nguyện của bố tôi, về già, ông đi tu để xám hối, rồi ông ra đi rất thanh thản tại quần đảo Hải tặc này”. Giọng bà Mười đầy bí ẩn, khiến đám mây báo mưa giông ngoài hàng dừa đầu xóm làm tôi rùng mình nghĩ tới chiếc chổi màu đen treo trên đầu mỗi con tàu của băng cướp Cánh Buồm Đen, trong băng đảng đó có bố bà Mười, những người muốn quét sạch tàu thuyền trên vịnh Thái Lan khi xưa! Hóa ra, ngôi chùa kia nó mọc lên, cũng là vì hai chữ hải tặc cần xám hối trong trái tim và khối óc của cướp biển Tư Vân.

Người dân ở Hòn Đốc cũng chỉ cho chúng tôi những ngôi mộ của thành viên băng cướp biển Cánh Buồm Đen. Họ rất cởi mở, thoải mái, coi đó như chuyện của lịch sử, ai làm người nấy chịu, rằng quá khứ là một chiếc bình, dù đẹp hay xấu thì ta cũng vẫn không thể đập vỡ nó được.

Băng cướp Cánh Buồm Đen hoạt động dữ dằn ở những năm đầu thế kỷ 20, chủ yếu hướng vào sự giàu có của những tàu buôn nước ngoài. Trên cột buồm tàu của băng này thường treo cây chổi màu đen như một cây buồm, với thông điệp quét sạch tàu qua lại! Phạm vi hoạt động của băng nhóm này rất lớn, chúng phong tỏa, khống chế cả mịt mùng khói sóng khắp vùng vịnh Thái Lan. Nhiều lãnh đạo xã Tiên Hải, đến bây giờ vẫn còn tò mò và có gì đó ngỡ ngàng khi họ được nghe kể về cánh danh hải tặc Cánh Buồm Đen. Ông Phan Thanh Quang, Chủ tịch HĐND xã bảo: nghe cứ như trong tiểu thuyết hay trong phim thời Trung cổ, nhưng đó là sự thật.

Còn nguồn tin về các kho báu do cướp biển chôn lấp tại Quần đảo hải tặc thì khá rõ ràng, thuyết phục. Bà con trong khu vực, trước đây, đã quá quen với cảnh vào ông lạ hoắc lăm lăm ngó nghiêng, rồi bí mật giở bản đồ, giấy tờ ra tìm kiếm cái gì như… kẻ cắp. Họ biết, đó là những người đi tìm kho báu do cướp biển để lại, bởi các ông Tây đều mang theo bản đồ cũ và mới, leng đào đất, máy rà kim loại rất “chuyên nghiệp”.

Với những chiếc tàu bé nhỏ thế này làm sao bà con ngư dân chống chọi được với cướp biển?
Với những chiếc tàu bé nhỏ thế này làm sao bà con ngư dân chống chọi được với cướp biển?


Cụ thể, có một câu chuyện được lưu truyền, công bố khá thú vị, với bằng chứng là hồ sơ công an tỉnh Kiên Giang đang giữ hẳn hoi; có nhân chứng là những cư dân Quần đảo hải tặc đã trực tiếp đuổi bắt, giam giữ những kẻ lạ mặt đi tìm kho báu hẳn hoi. Chuyện như sau: một buổi chiều tháng 3 năm 1983, “quần chúng ở xã Tiên Hải (xã ở hải đảo), huyện Kiên Hải dùng tàu biển vây bắt hai người nước ngoài xâm nhập vào đảo, một người Anh (Richard Charles Knight), một người Mỹ (Frederick Kurt Graham) đi bằng bobo từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre Nhỏ, thu hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống dòm, nhiều bản đồ, hải đồ và dụng cụ khác” (trích nguyên văn hồ sơ của công an). Khi bị bắt, hai người nước ngoài đó khai rằng mình có một tấm bản đồ được vẽ cách đây 300 năm của dòng họ truyền lại để chỉ dẫn tới kho báu mà hải tặc chôn giấu ở Quần đảo Hải tặc.

Sự thật là, gần đây, các kho tiền cổ vẫn liên tục được phát hiện, ngư dân đào rồi bán tống bán tháo cho người sưu tập. Nhiều cư dân ở Hòn Tre, có cả kho tiền cổ trong tay, họ giữ đến hôm nay, với niềm tin rằng, đó là một sợi dây nối quý báu để họ hiểu hơn về vùng đất mà họ đang sống, nơi hiếm hoi trên địa cầu mang danh “hải tặc” một cách hẳn hoi trên bản đồ hành chính…

Có một bọn “hải tặc thời mới”


Với diện tích 1.100ha phần đất nổi trên mặt biển, 16 hòn đảo của Quần đảo Hải tặc gần đây đã trở lại bình yên, sau bao nỗ lực chống cướp biển của cơ quan có vũ trang Việt Nam. Gặp lại tôi, đồng chí đồn trưởng Đồn Hòn Đốc cứ láy đi láy lại mãi một cái tin vui nhất: nơi này đã bình yên, đã cơ bản hết cướp biển rồi, nhà báo ạ.

Danh xưng Quần đảo hải tặc từng khiếp đảm bao năm trước, nay đã bắt đầu trở thành một con gà đẻ trứng vàng phát triển du lịch. Chưa bao giờ vẻ đẹp thật sự của các hòn đảo lại được tôn vinh như bây giờ.

Trước nay, thiên nhiên bao la và cả sự khắc nghiệt đến rợn người của những hòn đảo (có hòn toàn kiến vàng, có hòn các phần đất nổi hoang vu đầy rắn độc, có nơi gió thổi đến bay nhà, đến mức những cư dân ở đảo mỗi năm phải  hai lần chạy gió, mỗi năm chuyển nhà hai lần, gió nam thì chạy sang mạn đảo phía bắc nép dưới chân đảo mà dựng nhà, gió bắc thổi thì lại chạy sang nép dưới chân đảo phía nam mà “nhờ bóng quan lớn”. Bởi gió đã thổi, thì nhà gỗ kiên cố cũng… bay) đều rất… đẹp.

Chỉ có điều các băng cướp biển treo chổi lên làm cờ đòi quét sạch tàu buồm qua lại đã nhuộm đen miền biển đảo này, từng biến nó thành đất chết, thành nỗi ám ảnh hãi hùng của những người có dịp đi qua. Nay bình yên đã trở lại, các công ty du lịch “tranh nhau” thầu đảo, thầu rừng, thầu các vựa cá. Nhiều cá nhân tổ chức đã vi phạm luật pháp do quá cẩu thả và háo hức vồ chộp các miếng đảo, đốt cháy giai đoạn và bằng mọi giá bắt nó thành con gà đẻ trứng vàng.

Và thế là, nỗi buồn giống như đang gặp họa cướp biển năm xưa lại dâng lên trong cảm giác của những người thật sự yêu vùng trời nước lung linh mang tên Quần đảo hải tặc này. Báo chí đưa tin nhiều về các vụ tranh chấp đất đai, cán bộ xã đảo Tiên Hải (Quần đảo hải tặc) bắt nạt dân lành, có nhiều biểu hiện xà xẻo đất công cho một số người “thức thời” của mình, ngay cả khi họ đang sống tít trong thị xã Hà Tiên. Chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng đã có nhiều quyết sách táo bạo, “đánh thức Quần đảo Hải tặc”, như họ đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư thuê một số hòn đảo thuộc quần đảo Hải Tặc để phát triển các khu du lịch sinh thái biển.

Công ty cổ phần thủy sản Kiên Giang được cho thuê sáu hòn đảo để đầu tư du lịch. Công ty Nhất Tâm - Laspapim (Thành phố Hồ Chí Minh) thuê đảo Hòn Tre để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng và một trường quay phim. Đầu năm 2008, chính quyền tỉnh Kiên Giang phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái trên hai đảo Hòn Tre Vinh và Hòn Đước thuộc quần đảo Hải Tặc của Công ty thương mại và sản xuất T&T. Tại đây, người ta dự định sẽ xây khu nghỉ dưỡng, thể thao biển và các dịch vụ giải trí, du lịch khác trên diện tích khoảng 42 ha.

Những hòn đảo hoang nhất, khắc nghiệt và hiểm nguy nhất như Hòn Gùi, thì cũng đã có người đến ở, và người ta yêu cầu chính quyền cấp sổ đỏ cho diện tích đất đó. Nằm cách thành phố Kép (Cam pu chia) chỉ 40 km, cách đảo Phú Quốc của ta cũng chỉ 40km, cách Hà Tiên có chừng 30km, phải nói là Quần đảo Hải tặc, dù sớm dù muộn, sự tươi đẹp của nó cũng sẽ trở thành thiên đường cho du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2011, khi trở lại Quần đảo hải tặc, tôi lại chứng kiện một thảm họa môi trường do “hải tặc mới” là rác rưởi, túi ni-lon lại ùa ập tới, quây kín các góc đảo, thật thảm thương và chua xót. Những đứa trẻ ướt lút thút do sóng biển đánh, áo quần dán vào da thịt, cháu gầy nhẳng lêu đêu đi trên bãi rác thối tha ven bờ nước mặn và nhặt rồi lại bới và nhặt. Nằm giữa Hà Tiên và đảo Phú Quốc, tưởng như một mình một cõi, tưởng như suốt đời chỉ biết mơ màng trong vịnh Thái Lan dịu dàng bao huyền thoại, ai ngờ ni-lon, rác thải đã xông ra làm ô uế được Quần đảo hải tặc đến nhường ấy.

Phải nói là chia tay anh em biên phòng đồn trú ở nơi đầu sóng ngọn gió, nơi xem như tận cùng tổ quốc đó, tôi và họ đều ứa nước mắt: chưa biết bao giờ mới gặp lại. Cứ cái nhịp bận rộn của Đời để rồi 8 năm gặp một lần như vừa qua, thì lần sau gặp, anh em đã bạc đầu và có lẽ vài nhịp nữa là chống gậy đi gặp nhau, anh Khang nói hóm hỉnh mà rất đúng. Vui hội ngộ đấy, mà buồn xót xa cho hải tặc mới đang tấn công 16 hòn đảo xinh đẹp được ngay đấy. Các dự án sẽ có nhiều thị phi đấy, cuộc xâu xé đất đai chắc gì đã êm đẹp, khi mà ở Hòn Tre, từ lâu nay, báo chí đã đau đầu viết khá nhiều về việc lãnh đạo xã biến mình thành “chúa đất” hành hạ dân lành. Khi mà vừa dậm dịch dự án, rác thải quây kín các con đường tôi trở lại chốn xưa như thế này.

Các hòn đảo cho thuê để làm du lịch kia, nó sẽ đi về đâu? Đến bảo vệ môi trường cho đảo, một việc sống còn và đầy ý nghĩa nhân văn như thế, chính quyền cơ sở và cơ quan hữu trách còn không làm được, thì thử hỏi, khi nạn cướp có vũ trang của hải tặc bỗng dưng trở lại, lấy gì đảm bảo là ngư dân và bà con nói chung còn tiếp tục được an toàn?

Hóa ra, chinh phục Quần đảo Hải tặc trong nhiều ngày, mất nhiều triệu đồng tiền thuê tàu bè và người dẫn đường, trở về, nỗi sợ của chúng tôi, sự bất ngờ của chúng tôi lại không nằm ở cướp biển xưa và nay, mà nó nằm ở… rác rưởi và sự bát nháo. Góc đảo xinh đẹp năm xưa,  nơi tôi từng gắn bó, giờ đây mới chỉ đang được đánh thức theo lối “nàng công chúa  ngủ trong rừng” sắp dậy, đã kịp lều bều, lềnh phềnh từng mê rác rưởi, túi ni-lon. Nhà cửa bát nháo, đường xá xóm mạc bệ rạc vô cùng. Chân vịt của con tàu vươn khơi hôm đó bỗng dưng bị cả thế giới ni-lon trói chặt, tàu toành toạch chết máy.

Giặc Mỹ và tay sai từng chiếm đảo, xây sân bay trực thăng, mang tàu chiến ra làm điều xằng bậy, hải tặc có vũ trang tàn độc từng nổ súng giết người ở nơi này, băng đảng Cánh Buồm Đen từng gây bao chết chóc…; nhưng ngần ấy và hơn thế nữa, kể cả tai ương khiến thiên hạ phải đặt hai chữ “hải tặc” vào tên của 16 hòn đảo mỹ miều, thì biển vẫn cứ xanh trong, con người vẫn hiền hậu và các hòn đảo vẫn hiên ngang đứng đó, như những cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm từ bao đời… Thế mà nay, chỉ sự thiếu ý thức, chỉ sự bừa phứa “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, người ta đã bước đầu biến nhiều góc của Quần đảo hải tặc trở thành chốn bung xung, nhức nhối và bẩn thỉu, vô lối. Không biết rồi đây, cõi mơ màng của tôi sẽ còn đi về đâu nữa?

Bất ngờ thay. Khó tin thay.

(Theo Tuổi trẻ và Đời sống)