Bí mật 'chốn hưởng lạc' 13.000m2 của bà Trần Lệ Xuân

26/04/2011 07:43
Biệt điện được bảo vệ nghiêm ngặt suốt ngày đêm, khiến một con chim lạ bay vào cũng sẽ bị bắn hạ.

Sau nửa thế kỷ, đệ nhất biệt điện - nơi hưởng lạc xa hoa của gia đình Trần Lệ Xuân ở số 2 Yết Kiêu (phường 5, Đà Lạt) vẫn rất lộng lẫy và mỹ lệ.

Trần Lệ Xuân, vợ "ông cố vấn" Ngô Đình Nhu, đã qua đời hôm 24/4 tại Rome, Italia, thọ 87 tuổi. Bà là mỹ nhân làm tốn hao rất nhiều giấy mực của giới báo chí trong và ngoài nước, nhất là miền Nam Việt Nam trước đây.

Biệt điện ăn chơi… đỉnh cao quyền lực

Vào thời hưng thịnh nhất của gia đình họ Ngô, năm 1958, vợ chồng " Ông cố vấn” đã cho khởi công xây dựng khu biệt điện - công trình này được coi là “sân sau” của gia đình quyền lực ấy nên "Bà cố vấn” đã huy động tối đa nhân, vật lực và tinh hoa kiến trúc nhân loại.

Khu biệt điện gồm ba tòa độc lập: Hồng Ngọc, Bạch Ngọc và Lam Ngọc. Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và tướng tá chế độ Sài Gòn. Lam Ngọc được sử dụng làm nhà nghỉ cuối tuần của gia đình ông bà “cố vấn”. Còn Hồng Ngọc là tòa biệt thự mà bà Nhu xây tặng riêng cho bố đẻ Trần Văn Chương, lúc này là đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Mỹ.

Theo người dân quanh khu biệt điện, chẳng ai biết Trần Lệ Xuân đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, nhưng vẻ kiêu sa, lộng lẫy của công trình này vẫn hiện diện cho tới ngày nay. Chỉ là một biệt điện cho những ngày ăn chơi, nhưng cũng thể hiện đỉnh cao quyền uy của chủ nhân; được bảo vệ nghiêm ngặt suốt ngày đêm, khiến một con chim lạ bay vào cũng sẽ bị bắn hạ.

Một trong những biệt thự thuộc khu biệt điện Trần Lệ Xuân ở Đà lạt.
Một trong những biệt thự thuộc khu biệt điện Trần Lệ Xuân ở Đà lạt.



Ba tòa biệt thực nằm trong khuôn viên 13.000m2, có đầy đủ phòng làm việc, hội họp, phòng khiêu vũ. Ngoài sân có hồ bơi nước nóng, vọng đài và một vườn hoa do những kỹ sư được thuê từ Nhật Bản sang thiết kế (nên còn gọi là vườn hoa Nhật Bản), điểm thú vị, độc đáo là có một hồ sen khi bơm đầy nước sẽ hiện rõ hình địa đồ Việt Nam. Chưa hết, trong biệt thự Lam Ngọc còn có hầm trú ẩn được thiết kế bằng thép có thể chống đỡ được sức công phá của đạn B40 và đường hầm thoát hiểm mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn chỉ có thể phỏng đoán là dẫn ra sân bay Cam Ly...

Nhân nào thì quả nấy! Cuộc chính biến 1963 đã kết thúc sự “trị vì” của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và tòa biệt điện được trưng dụng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây nguyên vào thời Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền. Đến năm 1975, trong cuộc tháo chạy của chế độ cũ, không ít cổ vật vô giá tại bảo tàng này đã bị tuồn ra nước ngoài, nhiều món cổ vật khác bị lấy cắp, đập phá.

Thuần túy lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn

Đầu năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư hơn 53 tỷ đồng trùng tu khu biệt điện Trần Lệ Xuân làm cơ sở cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

Hiện, trung tâm này là nơi bảo quản, lưu giữ hơn 30.000 mộc bản cực kỳ quý giá của triều Nguyễn - là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán và chữ Nôm (chữ khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân y tuân. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc dã... do đích danh hoàng đế ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý.

Mộc bản triều Nguyễn có nội dung rất phong phú và được chia làm chín chủ đề gồm: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục. Trong khối tài liệu này có một số bộ sách rất có giá trị mà các nhà nghiên cứu về lịch sử, địa lý, pháp luật, văn hóa của Việt Nam không thể bỏ qua như: Đại Nam thực lục, Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long), Đại Nam nhất thống chí... Trong đó bộ sách Đại Nam thực lục là đồ sộ nhất được biên soạn trong 88 năm (1821-1909).

Trong 3 tòa biệt thự, hệ thống tài liệu đã được trưng bày theo hai chuyên đề lớn: lưu trữ Việt Nam từ năm 1962 đến nay (lịch sử của ngành lưu trữ Việt Nam) và miền Trung - Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có mảng đặc sắc là mộc bản triều Nguyễn. Cũng tại đây, có một chuyên đề riêng: Ngô Đình Nhu - nhà lưu trữ Việt Nam.

Có lẽ, vì nuối tiếc một thời vàng son ở chốn bồng lai tiên cảnh, nên những ngày cuối đời định cư tại Pháp, “bà Nhu” vẫn mang theo bên mình tấm ảnh chụp khu biệt điện này.

(Theo ĐV)