Hầm vàng trong mộ Hán ở Hà Nam đã bị vét hết?

21/04/2011 14:10
Người Tàu giả cho vài người bị tai nạn chết rồi đưa quan tài về nước. Nhưng thực chất, trong quan tài không phải tử thi người mà là vàng.

Những câu chuyện bí ẩn mà nhiều người vốn tò mò được thỏa trí khi "hầm thần của" lộ diện ngay dưới chân núi thuộc xã Thanh Tâm (Thanh Liêm, Hà Nam). Hầm cổ, rộng lớn với những loại gạch hình lưỡi búa hoa văn cổ hiện ra cùng những hầm sâu hoắm đã khiến người dân mừng lo lẫn lộn.

 >>Ngôi mộ Hán và bí ẩn kho vàng ở Hà Nam

Đào xới những bí ẩn đã bị chôn vùi


Những lời đồn thổi cho rằng: Có vàng ở "hầm thần của" nên vào khoảng những năm 1985, ở thôn Thong xuất hiện phong trào người người nhà nhà vác cuốc xẻng, mai, móng... lên đồi với mong muốn đổi đời nhờ đàn lợn vàng và khối tài sản khổng lồ trong núi.

Một thời gian sau, phong trào tìm vàng lắng xuống, ở Thanh Tâm không còn ai nhắc lại chuyện "hầm thần của" nữa. Thế rồi, gần 30 năm sau sự xuất hiện của một số cửa hầm đã một lần nữa đào xới những bí ẩn vốn đã bị chôn vùi.

Vào đầu năm 2009, ông Lê  Đình Bảng ở thôn Thong có thuê một đội cửu vạn để đào phần đất đồi sau nhà  đem bán cho các hộ gia đình có nhu cầu san lấp nền nhà. Khi đào vào cách mặt đường khoảng 20m thì bất ngờ cửa hầm xuất hiện. Hốt hoảng, ông Bảng lệnh cho đội đào bới dừng lại để xem xét kỹ lưỡng đó là hầm gì.

Chưa biết làm gì với hầm lạ thì mấy ngày sau, nhà ông Bảng xuất hiện nhiều vị khách lạ. Người thì xưng là nhà  khảo cổ, kẻ lại nhận là thầy địa lý, số nữa lại giới thiệu là sưu tầm đồ cổ. Thế rồi, có người đề cập "ăn chia" với ông Bảng nếu đồng ý để họ cho máy dò vàng vào tìm kiếm kho báu dưới lòng đất.

Nghe chuyện, ông Bảng kiên quyết không đồng ý và đuổi những vị khách ấy ra khỏi nhà để bảo toàn di tích. Một số kẻ lạ mặt nhằm khi đêm đến lần mò theo lối đỉnh đồi xuống phần cửa hang tìm lối vào nhưng đành chịu. Cũng nhiều thầy địa lý đến thôn Thong tìm cách giải mã những bí ẩn tìm đường vào nhưng cũng đành... bó tay.

Cửa
Cửa "hầm thần của" phía sau nhà ông Bảng


Chuyện lạ về "hầm thần của" dần được các cấp ngành chức năng quan tâm khi một người làng Thong kể lại với PGS.TS Lâm Mỹ Dung, giám đốc Bảo tàng Nhân học, trường Đại học KHXH&NV. Đầu tháng 4, PGS.TS Lâm Mỹ Dung cùng GS Phạm Minh Huyền và trưởng phòng Con người Môi trường cổ thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam Nguyễn Kim Thủy về thôn Thong thực địa tỉ mỉ về hầm và các vấn đề liên quan.

Ngày 15/4/2009, UBND xã Thanh Tâm đã lập đoàn kiểm tra để bảo vệ di tích, chờ kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ Trung ương. Từ đó, "hầm thần của" được bảo vệ khá nghiêm ngặt dưới sự theo dõi của "chủ nhân" Lê Đình Bảng.

"Vàng đã bị lấy đi"

Theo tổng kết của ông Bùi Ngọc Ký, chỉ tính riêng thôn Chè núi đã có  3 hầm mộ hình chữ A. Các "hầm của" được xây dựng bằng loại gạch đỏ tươi rất đẹp mắt. Trên mỗi viên gạch có các hình hoa văn chữ A, khác hẳn với loại gạch của các hầm bên thôn Thong. Qua khảo sát của chúng tôi, gạch dùng để xây dựng ”hầm của“ tại thôn Thong dạng hình búa có hoa văn tựa như đường vân của vải sô nhưng mịn và tinh tế hơn.

Nhưng điểm chung "hầm thần của" ở cả hai thôn là cách xây dựng và xếp gạch theo tầng rất kín kẽ và khớp với nhau. Mỗi viên có độ dày từ 3 - 5cm, được nung ở nhiệt độ vừa phải nên màu gạch vẫn đỏ tươi. Điều đáng chú ý là cách bài trí khu cửa hang theo hình cánh cung vừa phải. Điều này đã được các nhà kiến trúc khẳng định thuộc phong cách xây dựng cổ xưa cách đây gần 1.000 năm.

Theo người dân nơi đây, trong các hầm này đều có vàng và các của cải quý giá khác mà thời phong kiến, giặc phương Bắc đã cất giấu. Tuy nhiên, theo cụ Bùi Ngọc Sách vì chúng ta không biết cách phá yểm nên dù  có tìm được vàng cũng không biết.

Gạch chữ A dùng để xây hầm
Gạch chữ A dùng để xây hầm


Cụ Sách và các cao niên  đều khẳng định theo lời kể cha ông, trước đây người Tàu đã đưa sang cả một đội quân tìm kiếm kho báu. Họ giả cho vài người bị  tai nạn chết rồi đưa quan tài về nước. Nhưng thực chất, trong quan tài không phải tử thi người mà là vàng được cất giấu dưới Trà Trâu núi.

Những năm 1967, cũng có một  đoàn người Trung Quốc đến "hầm thần của". Nhưng khi ấy, cả nước đang trong tình trạng chiến tranh nên ở thôn Thong không ai quan tâm đến việc họ khai thác vàng hay tìm đồ cổ. Nhưng rất có thể, đó là chuyến lấy vàng cuối cùng của người Tàu tại "hầm thần của". Đó cũng là nguyên nhân khiến các tay "săn vàng" ở địa phương và vùng lân cận không tìm thấy, dù một thỏi nhỏ.

(Theo Bee)