Ly kỳ và hãi hùng với “dị nhân”

21/05/2011 00:30
Từ nhỏ Điệu đã có những biểu hiện khác thường, không giống như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Tuổi thơ của cậu nhóc này dày đặc những hành vi kỳ quái.

Từ một chàng đi hái café thuê, Nguyễn Đắc Điệu (ở xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đến với nghề “ăn kim loại” như chuyện duyên số. Lang thang đi xem xiếc, rồi lọt vào "mắt xanh" của một thầy dạy võ, anh Điệu mày mò học hỏi suốt 10 năm để có thể nuốt trôi 15 thanh kiếm, chọc kim loại sắc nhọn xuyên má, lưỡi cũng như đập búa tạ vào đầu mà chẳng hề hấn gì.

Để trở thành kỷ lục gia của Việt Nam về thành tích nuốt kiếm, anh Điệu đã trải qua một tuổi thơ kì lạ và quá trình luyện võ công rất gian truân.

“Thằng dở người”

Người anh trai của Nguyễn Đắc Điệu mở đầu câu chuyện: “Bố tôi bị dị tật bẩm sinh, không thể nói được. Hai cụ sinh được bảy người con thì trong số năm anh em trai, chỉ có mỗi nó (Nguyễn Đắc Điệu - PV) là đứa khác người. Tính nó hiền lành, ít nói. Đi học xong rồi về nhà cứ nằm lỳ ở trong phòng, chẳng giao tiếp với nhiều người. Thú thực, công việc nhàn nông bận bịu tối ngày nên bố mẹ tôi cũng không có nhiều thời gian để chăm sóc, quan tâm đến từng người con nên khi nhận biết những biểu hiện có phần khác thường của em nó, ai cũng lo. Lơ mơ nó bị bệnh trầm cảm hay có vấn đề gì về thần kinh thì nguy”.
Từ nhỏ Điệu đã có những biểu hiện khác thường, không giống như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Tuổi thơ của cậu nhóc này dày đặc những hành vi kỳ quái.

Mỗi thanh kiếm dài 56 cm.
Mỗi thanh kiếm dài 56 cm.

Anh Điệu kể rằng mình có thói quen sưu tập những vật dụng mà nhiều nhà đổ đi như gạch đá, kim loại nhỏ rồi về tự uốn cong, nghịch chơi. “Cũng không biết tại sao mình lại như vậy. Nhưng khi đi tìm tòi các vật dụng mà người ta vứt đi, tôi có cảm giác rất thú vị”, anh Điệu nói.

Đặc biệt, từ nhỏ, Điệu đã có niềm đam mê nhạc cụ. Vì nhà nghèo không có tiền để mua sắm nên anh lân la đến hỏi mượn rồi học lỏm từ những ông cụ... hành nghề thổi kèn đám ma trong làng.

Vì thế, khi nhớ lại thời kỳ ấu thơ của Điệu, anh Thanh Thản - người bạn hàng xóm của anh chàng kì lạ này kể: “Bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng hiếu động, không đá bóng thì đi chăn trâu. Đằng này thằng Điệu nó khác người quá, chẳng tham gia làm lụng gì cả, suốt ngày ra đồng, ra bãi rác nhặt nhạnh những đồ vứt đi. Lại còn thích thổi kèn đám ma, chơi organ. Tụi nhỏ bọn tui đặt luôn cho cậu ấy biệt hiệu: Thằng dở người”.

Gia nhập đoàn xiếc

Nhà đông anh em, cuộc sống ngày càng khó khăn vì thế khi học xong cấp 3, mặc dù lực học rất khá nhưng vì thương bố mẹ vất vả nên năm 1992 anh Điệu đã xin phép gia đình vào Gia Lai, ở tạm nhà người anh trai ruột để đi hái cà phê thuê, kiếm tiền mưu sinh.

Đến với miền đất đỏ Cao Nguyên với bao điều kỳ thú, một lần nghe tin có đoàn xiếc về biểu diễn, Điệu cùng một số người bạn đã đi xem cho biết. Qua vài lần xem diễn, một lần trong đoàn xiếc có nhạc công bị ốm không thể biểu diễn, anh Điệu lân la và liều xin lên sân khâu thử chơi vài bản nhạc.

Thấy Điệu có thể chơi trống, guitar và đàn organ, nghệ sĩ Hoàng Lộc - Trưởng Đoàn xiếc Đại Dương (nay trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên) đã quyết định cho chàng trai đa tài này gia nhập đoàn xiếc.

“Họ làm được thì mình cũng làm được”

Được nhận vào Đoàn xiếc Đại Dương, anh Điệu như cá gặp nước. Những chuyến lưu diễn từ Bắc chí Nam đã mang lại cho anh những khoản thu nhập rất khá so với những ngày đi hái cà phê thuê.

Trong suốt quá trình từ năm 1992-1995, năng khiếu chơi nhạc của anh đã dần được phát lộ và trở nên hoàn hảo. Thệm chí, Điệu đã nhiều lần tự chơi nhạc và hát trên sân khấu khiến nhiều người khán giả trầm trồ ngợi khen.

Vận công nuốt kiếm.
Vận công nuốt kiếm.

Nghệ sĩ Hoàng Lộc cho biết: “Tôi bất ngờ về một con người kỳ quái và rất đa tài như anh Điệu. Không được đào tạo bài bản, chẳng qua trường lớp âm nhạc nào nhưng cậu ấy ta chơi nhạc rất tự tin, thuần thục và trở thành người quan trọng bậc nhất trong mỗi chuyến lưu diễn của đoàn”.

Bên cạnh việc chơi nhạc, Điệu còn có thể trình diễn những màn tung hứng điệu nghệ bằng chân. Nhưng chàng trai này vẫn trăn trở với suy nghĩ rằng mình phải có một tiết mục gì đó lạ mắt để góp sức nhiều hơn nữa vào việc duy trì và phát triển Đoàn xiếc Đại Dương - nơi đã tạo điều kiện và giúp anh có nghề kiếm kế sinh nhai.

Trong khoảng thời gian làm việc tại Đoàn xiếc Đại Dương, Điệu thường xem các bạn diễn trình diễn các tiết mục mạo hiểm như đâm dao vào người, công phá gạch đá. Anh liền bật ra ý nghĩa: “Họ làm được thì mình cũng có thể làm được”.

Thế rồi sau nhiều lần chăm chú dõi theo các “siêu nhân” biểu diễn, cuối cùng Điệp cũng có cơ hội tiếp cận nghệ sĩ Ba Minh (bố vợ anh Hoàng Lộc) và được ông quý mến, nhận làm đệ tử.

Được sư phụ Ba Minh ưu ái truyền nghề nhưng đi kèm với cái nghề luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể lấy đi sinh mạng của mình bất cứ lúc nào như nghề nuốt kiếm, biết bao khó khăn thử thách. Lần đầu, khi cầm cây kiếm dài hơn 20cm lưỡi sắc nhọn, chân tay Điệu run bắn. Vừa đưa vào miệng, do không quen có vật lạ đi vào cơ thể và phần cuống họng, yết hầu anh đã bị chảy máu, xung huyết khi va chạm với thanh kiếm. Cả tuần lễ, Điệu không thể ăn được cơm.

Phát lộ tài năng

“Đã xác định từ trước rằng việc nuốt kiếm là nguy hiểm, phải kiên trì, không thể ỉ lại sức mạnh của việc vận nội công, nhưng thực sự nguy hiểm quá. Có lần vì máu chảy nhiều quá, tôi phải đi cấp cứu và phải nhờ thuốc của sư phụ mới có thể qua khỏi. Trước đây nói với bố mẹ là đi làm với đoàn xiếc chỉ là gảy đàn, chơi nhạc, chứ có dám nói là đi học nuốt kiếm đâu. Các cụ mà biết, hẳn đã bắt tôi đoạn tuyệt với đoàn xiếc. Thế thì tiếc lắm”, Điệu tâm sự.

Rồi dần dà qua thời gian, khả năng nuốt kiếm của Điệu cũng có tiến triển. Năm 1995, Điệu chỉ nuốt được một cây kiếm thì đến năm 2007, anh đã được nhận bằng chứng nhận Kỷ lục gia của Việt Nam khi ấn được tới 15 thanh kiếm dài 56cm qua miệng vào bụng mình.

Bên cạnh đó, Điệu có khả năng nhấc hai xô nước bằng yết hầu, cũng như đâm kim nan hoa bằng thép xuyên má khiến nhiều người kinh ngạc.

Còn tiếp…

Theo Ngọc Anh (PLVN)