Rét dưới 10 độ C, bà cụ 91 tuổi vẫn ngồi bán hàng ở Hồ Gươm

08/01/2013 07:51
H.L
(GDVN) - “Không đi bán hàng lấy gì ăn, đứa con gái tôi đang bò chờ ở nhà, tôi chỉ lo mai này tôi nằm xuống nó sống sao…”, bà cụ Yến run run đôi mắt cộm đỏ nhưng nước mắt đã không còn để có thể khóc.
Cái lạnh, sự hối hả của Hà Nội những ngày cuối năm như bỏ quên cuộc đời một cụ bà đang thu mình bên "gian hàng" của mình ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Với người dân sống quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, hình ảnh bà lão bán hàng này đã trở nên quen thuộc không biết từ bao giờ. Vừa nhóm nhém nhai miếng trầu, bà cụ sờ quanh “mớ” hàng khi có ai hỏi mua. Kể chuyện về mình, bà cụ chia sẻ: Bà tên Nguyễn Thị Yến (91 tuổi). Nhiều năm qua phương tiện kiếm sống duy nhất của cụ Yến chỉ là mớ hàng rong gồm mấy chai nước lọc, thuốc lá, hạt hướng dương hay mấy phong kẹo cao su. Theo nhẩm tính của bà cụ Yến, mỗi ngày bà ngồi bán hàng cũng lãi được 30.000– 40.000 đồng.
Hàng chục năm nay người dân qua lại bờ hồ Hoàn Kiếm đã quen với hình ảnh một bà lão với gánh hàng rong vụn vặt bán kiếm chút lời sống qua ngày, đó chính là cụ Nguyễn Thị Yến (91 tuổi)
Hàng chục năm nay người dân qua lại bờ hồ Hoàn Kiếm đã quen với hình ảnh một bà lão với gánh hàng rong vụn vặt bán kiếm chút lời sống qua ngày, đó chính là cụ Nguyễn Thị Yến (91 tuổi)
Nếu chỉ có riêng mình, số tiền đó với cụ Yến cũng đủ để trang trải qua ngày nhưng khổ nỗi cụ Yến ngoài nuôi mình còn phải chăm lo cho đứa con gái tật nguyền suốt ngày chỉ biết bò và kêu la khắp nhà. Thỉnh thoảng cụ Yến cũng phải gửi ít tiền cho hai đứa cháu nội để phụ chuyện học hành của chúng. Cách đây 30 năm, cụ Yến cũng có một gia đình hạnh phúc với chồng và 3 người con, nỗi đau mất chồng rồi mất con khóc thương chồng thương con khiến đôi mắt cụ Yến mờ theo thời gian. Rồi đến khi người con thứ 2 cụ bị tai nạn lao động mất sức lao động còn đứa con gái duy nhất đã ngoài 60 tuổi bị tật nguyền, suốt ngày chỉ bò quanh nhà thì cụ Yến không còn đủ nước mắt để khóc nữa. Cũng may mắn cho cụ Yến, tuy không có nhà nhưng từ số tiền trợ cấp 300 nghìn đồng của cụ cùng số tiền trợ cấp hơn 500 nghìn đống cho đứa con gái và tiền lãi do bán hàng rong hàng ngay cũng đủ cho 2 mẹ con cụ Yến sống qua ngày trong căn phòng thuê tại bãi Phúc Tân, ngoài đê sông Hồng, Hà Nội. Một ngày làm việc của cụ Yến được cụ thuật lại bằng hai con số 10 và 11, nghĩa là cứ 10 giờ sáng một anh xe ôm sống cùng cái xóm nghèo của cụ vừa làm nghề vừa để giúp đỡ cụ chở lên bờ hồ bán rồi đến 11 giờ đêm lại đón cụ Yến về. Có một điều dễ nhận thấy là dù ngồi bán hàng ở bờ hồ hàng chục năm nay nhưng người ta chỉ thấy bà cụ Yến ngồi một chỗ ngay sát chiếc ghế đã gần cửa hàng kem Thủy Tạ, đối diện chi nhánh ngân hàng VP Bank. Đây cũng vừa là thói quen vì sức khỏe không cho phép cụ Yến đi lại như người bán hàng rong khác vừa là để anh xe ôm dễ tìm.
Đôi mắt cụ Yến đã không còn đủ nước mắt để khóc khi chứng kiến chồng rồi những đứa con mất đi
Đôi mắt cụ Yến đã không còn đủ nước mắt để khóc khi chứng kiến chồng rồi những đứa con mất đi
“Tôi cũng được người ta chiếu cố cho bán ở đây chứ quanh hồ có ai được bán hàng đâu, cũng phần vì thương tôi nên nhiều người qua lại mua giúp nên mẹ con tôi cũng sống qua ngày”, cụ Yến kể. Hàng ngày do bận đi bán hàng nên cụ Yến có nhờ hàng cơm bình dân đưa qua nhà xuất cơm giá chưa đến 10 nghìn cho đứa cho gái tật nguyền ăn tạm. Còn bản thân cụ Yến thì vừa bán hàng hễ có ai bánh mỳ, bánh rán qua cụ mua ăn tạm cho qua bữa, có khi thấy hoàn cảnh cụ nhiều người không nỡ lấy tiền lại còn biếu thêm. Trước nhã ý của chúng tôi muốn được thăm nơi sinh hoạt của hai mẹ con cụ Yến nhưng bị cụ Yến từ chối với lý do nơi đó xa và lụp xụp hơn nữa theo cụ Yến hiện giờ cuộc sống của mẹ con cụ Yến vẫn “tươm tất”. Điều cụ Yến lo nhất là khi cụ Yến mất đi ai sẽ chăm lo cho đứa con gái tật nguyền của mình. Mặc dù hình ảnh một bà cụ đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm, lại gần như mù lò bán hàng ở Hồ Gươm không còn xa lạ với người dân thủ đô nhưng những ngày Hà Nội giá rét xuống dưới 10 độ C, đến những thanh niên khỏe mạnh còn co ro trong giá rét thì cụ Yến vẫn đều đặn bán hàng khiến không ít người thắt lòng.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
H.L