Ngậm ngùi những mảnh đời lam lũ ở “thiên đường sung sướng” Quất Lâm

22/09/2012 07:01
H.Sơn
(GDVN) - Cách bãi biển Quất Lâm không xa, có một cuộc sống khác hoàn toàn với khung cảnh nhộn nhịp của một nơi “ăn chơi” đặc quánh sặc mùi son phấn – nơi tiêu tiền không tiếc tay của nhiều du khách, đó là cảnh mưu sinh lam lũ cưỡi trên đầu sóng, đội nắng mưa của hơn 20 hộ gia đình.
Trên những chiếc mủng (thuyền) độc mộc, những người đàn ông khỏe mạnh ở Quất Lâm (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) rủ nhau đi ra vùng nước sâu để giăng lưới bắt tôm, cá… 
Công việc của bà con ngư dân ở đây bắt đầu khi mỗi khi ánh sáng mặt trời lấp ló phía biển xa, hàng chục chiếc mủng (thuyền) dong ra biển đánh bắt gần bờ. Nhưng những năm gần đây, nghề chài lưới kiếm cá tôm khó khăn nên không ít hộ đã giải nghệ, lên bờ làm công việc khác. 

Nghề đánh bắt cá của ngư dân tại bãi biển Quất Lâm - Giao Thủy - Nam Định (ảnh Trần Hưng).
Nghề đánh bắt cá của ngư dân tại bãi biển Quất Lâm - Giao Thủy - Nam Định (ảnh Trần Hưng).

Theo bà Nguyễn Thị Bang (Giao Thủy – Nam Định): Đánh bắt cá trên sông bằng phương thức chài lưới vẫn được bà con ngư dân duy trì, nhưng dần ít đi. Bởi với nghề đánh bắt gần bờ, thả lưới... chủ yếu phụ thuộc rất nhiều vào "vận may”.
“Ngày gặp thì cũng được vài ba trăm nghìn nhưng có hôm không đủ tiền dầu. Vì cá về thất thường lắm. Với lại mình đánh bắt nhỏ lẻ, mỗi mủng chỉ có 2 người nếu đủ ăn là may rồi” – bà Bang cho biết.
Nhà bà Nang có 3 người con trai, do điều kiện gia đình khó khăn, con cái không được ăn học đến nơi đến chốn nên tất cả các con bà đều “nối nghiệp” chài lưới. Thậm chí, đã nhiều lần những đứa con bà Bang từng bỏ nghề "truyền thống" của gia đình nhưng rồi lại không có nghề ngỗng gì, đành phải quay trở lại với nghề này.
“Nghề chài lưới hiện nay không còn nhiều nữa, vì tôm, cá ngoài biển không còn nhiều. Mình lại không có tiền mua máy lớn để đánh bắt xa bờ nên chỉ quăng lưới đánh bắt gần bờ thôi. Trước kia khoảng 40 hộ làm nghề này thì nay đã bỏ hơn nửa, vì không đủ sống. Giờ thì người thì đi làm công ty, người thì thợ xây, phụ hồ, thợ mộc có khi còn ăn chắc hơn” – bà Bang chia sẻ.
Cũng theo bà Bang, tất cả các sản phẩm đánh bắt được sẽ được các tiểu thương ra tại bờ biển thu mua rồi phân phối trong chợ hải sản Quất Lâm. Số khác thì vận chuyển tôm cá về các chợ quanh vùng bán buôn, bán lẻ.
Anh Ngân, làm nghề chài lưới ở bãi biển Quất Lâm, than phiền: “Làm cái nghề này bây giờ ăn thua gì nữa đâu. Mình cũng có tuổi rồi, làm công ty người ta đâu nhận nữa nên cứ túc tắc kiến tí thức ăn cho vợ con qua ngày vậy. Giờ khó lắm”.
Nhưng điều lo lắng nhất hiện nay đó là việc khi một vài năm nữa, khu vực neo đậu mủng của các hộ dân làm nghề đánh bắt không được ở đây nữa mà phải nhường chỗ cho dự án mở rộng khu du lịch Quất Lâm.
“Đây nhà nước người ta vừa rồi đo đạc, chia ô xong hết rồi, một hai năm nữa là họ làm đường, xây nhà thôi. Tất cả các hộ ở đây phải di chuyển ra khu vực xa hơn ở dưới kia” – bà Bang chỉ tay về hướng đất trống phía trước mặt, nói. 
Khi chúng tôi hỏi hiện giờ nghề đánh bắt cá khó khăn rồi nhưng ở Quất Lâm còn có nghề dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ phục vụ khách du lịch đến tắm biển sao không thuê một ki-ốt để kinh doanh? những người dân chân chất này đều lắc đầu, cười nhạt.

Một góc cuộc sống đối nghịch tại bãi biển Quất Lâm.
Một góc cuộc sống đối nghịch tại bãi biển Quất Lâm.

“Ui tiền đâu mà thuê mấy cái thứ đó hả chú. Chi tiêu sinh hoạt qua ngày còn chưa đủ chứ nghĩ gì đến cả một đống tiền để thuê với chả mướn. Đúng thật, họ bán chai nước, lon nước lãi gấp đôi gấp ba lần cơ nhưng mình không làm được đâu. Mà nói thật, họ kinh doanh giàu nhanh thế làm sao chỉ bán vài chai nước lấy lại được” – chị B. nói.
“Bán với giá gấp nhiều lần thế giàu được chứ ạ”, chúng tôi hỏi, thì bà Bang  thỏ thẻ: “Không đâu. Gái đấy. Họ nuôi gái bán dâm…”.
Trong ẩn ý của những người dân lao động chân chính ở Quất Lâm, họ không chỉ lo vì sự "xâm lấn" của các dịch vụ "nổi tiếng" vốn đang tồn tại phức tạp tại đây mà nỗi lo lớn hơn khi khu vực neo đậu, kế sinh nhai của dân chài trong tương lai gần sẽ dần nhường chỗ cho dự án mở rộng khu du lịch này.
Ánh nắng về chiều dần khuất, người dân làm nghề chài lưới trở về nhà nghỉ ngơi để sáng tinh mơ hôm sau họ lại bắt đầu một công việc mới thường ngày của mình...
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
H.Sơn