Đau đầu khi con trốn học hè đi chơi Internet

06/07/2011 02:24
(GDVN) - Số người nhập viện vì các biểu hiện về sức khỏe tâm thần, trầm cảm, lo âu, hung hăng. Có nhiều em nhập viện nhưng luôn mang trạng thái muốn tự sát.

(GDVN) - Theo thống kê của các bệnh viện tâm thần trong kỳ nghỉ hè, số thanh thiếu niên mắc bệnh tâm thần nhập viện vì nghiện internet tăng cao. Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cảnh báo việc điều trị nghiện internet cũng tốn kém và khó khăn không kém cai nghiện ma túy.

Trốn học hè đi online

Mùa hè năm 2010, em Hứa Văn S. (14 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) được bố mẹ “nhốt” trong nhà cả tháng trời. Những ngày đầu, một mình em lui thủi với người giúp việc. Ban ngày bố mẹ em đi làm nên những lúc cô giúp việc bận bịu là S. tìm cách trốn ra khỏi nhà. Mỗi lần trốn ra tiệm nét, S. cố gắng tìm những tiệm nào kín đáo để không ai phát hiện ra. Người giúp việc của S. cũng phải tái mặt vì tìm “cậu chủ” cả ngày không thấy.

Thi thoảng đưa S. đi học thêm tại nhà cô giáo nếu không để ý S. sẽ bỏ trốn vào cửa hàng internet. Mỗi khi vào mạng, S. Sử dụng thành thạo tất cả các thao tác từ lướt web đến chơi game.

S. quậy nhiều quá nên người giúp việc đành khai hết “lý lịch kỳ nghỉ” của S. với bố mẹ. Quá tức giận bố mẹ S. xây dựng chiến dịch nhốt con trong phòng. Hàng ngày người giúp viêc chỉ mang cơm lên cho S.. Tối bố mẹ về mở cửa S. mới được xuống nhà chơi cùng mọi người.

Các số liệu cảnh báo kỳ nghỉ hè trẻ thường rơi vào trạng thái nghiện internet nhiều nhất
Các số liệu cảnh báo kỳ nghỉ hè trẻ thường rơi vào trạng thái
nghiện internet nhiều nhất

Ban đầu S. tỏ ra khá ngoan nhưng được vài hôm cậu trở nên bướng bỉnh, đập phá đồ đạc, nói chuyện luyên thuyên. Khi gặp người lạ S. lại mang một chuỗi những sự kiện lịch sử, những trận đánh thắng trong lịch sử Việt Nam và Trung Hoa…ra để “thuyết trình”.

Gia đình của S. không nghĩ ra bệnh thèm máy tính của con mà lại cho rằng cậu bị ma ám. Ông bà ở quê của S. đi cũng khắp nơi, xem bói ở đâu thầy cũng phán “động mả”. Điều lạ, mỗi khi mở máy tính, S. chạy lại và mắt cậu sáng rực lên. Bố mẹ chỉ cần cho cậu ngồi trước máy tính, lướt web khoảng 1 đến 2 giờ là cậu “tỉnh” hẳn. Căn bệnh của S. được nhiều người gọi là “lả” internet.

Cả mùa hè, S. rơi vào trạng thái lúc tỉnh, lúc mơ. Có lúc em tỏ ra mình là một người bình thường nhưng có lúc em như một kẻ mê sáng nói năng lung tung. Bố mẹ S. đã phải đưa em vào nhập viện. Sau gần 1 tháng điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần, S. mới trở về trạng thái ban đầu. 

Nghiện Internet như nghiện heroin

Theo bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Tâm thần nam - nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, gần đây có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan tới internet đang tăng mạnh. Số người nhập viện vì các biểu hiện về sức khỏe tâm thần, với biểu hiện trầm cảm, lo âu, hung hăng. Có nhiều em nhập viện nhưng luôn mang trạng thái muốn tự sát.

Trường hợp của em Nguyễn Khánh Th. (Gia Lâm, Hà Nội) cũng là điển hình. Th. đã 16 tuổi. Bố mẹ em trang bị cho em một phòng máy tính để phục vụ việc học. . việc truy cập internet của Th. khó quản lý hơn.  Không nghiện game như nhiều đứa trẻ khác mà Th. nghiện phim kịch trên mạng. Vào đầu năm học mới, Th. không chịu đến trường mà tìm cách “hẹn hò”. Khi cô người yêu của H. mang bầu 3 tháng cả hai gia đình mới biết cậu ấm, cô chiêu này đã học trên mạng.

Bác sĩ Dũng cho biết đa số những trẻ nghiện internet thường tăng mạnh vào mùa hè. Việc điều trị hết sức khó khăn. Các bác sĩ phải tiến hành một phác đồ điều trị như cai nghiện thông thường.  Biểu hiện cơ chế gây nghiện của internet là sự biến đổi cảm xúc sinh học gây đột biến.

Một cháu bé bị rối loạn tâm thần đang điều trị trong bệnh viện
Một cháu bé bị rối loạn tâm thần đang điều trị trong bệnh viện
Ban đầu trẻ thường vào internet cho vui, cho biết nhưng sau đó thành nghiện sao nhãng mọi thứ, chỉ chú tâm vào ánh sáng của máy vi tính, tách mình khỏi thế giới bên ngoài, trở thành kẻ tâm thần, tự kỷ....

Sau khi điều trị bình phục người bệnh phải chuyển hẳn môi trường sống, tránh xa máy vi tính và nên tích cực tham gia các hoạt động thể thao lành mạnh. Việc điều trị phải đảm bảo đa trị liệu, có sự kết hợp tích cực của thầy cô, bạn bè...

Bác sĩ Dũng khuyên, để trẻ tiếp xúc với internet mà không ảnh hưởng đến tâm sinh lý, bố mẹ cần có một thời gian biểu khoa học. Đối với những trẻ nhỏ khi tham gia truy cập internet cần có sự kiểm soát của bố mẹ ở bên cạnh. Khi con có biểu hiện nghiện internet, mọi hoạt động đều thích internet thì bố mẹ cần đưa con đến các bệnh viện, chuyên khoa thần kinh thật sớm để tránh những ảnh hưởng xấu tương lai của trẻ.

Lan Chi