Dở khóc dở cười khi con trẻ đòi “họp giao ban”

19/11/2011 06:54
Khi hai đứa trẻ luôn thắc mắc “họp giao ban” là gì nhưng đều bị bố mẹ từ chối trả lời, thế là chúng nằng nặc đòi xem bố mẹ “họp giao ban”...
Ai đến nhà chị Thanh anh Thái cũng cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi của cả gia đình anh chị. Hơn thế nữa, mọi người còn sẽ ngạc nhiên về cách đối xử cũng như nói chuyện giữa bố mẹ và con cái nhà anh chị.
 
Nhà anh Thái, chị Thanh được 2 đứa con, nếp tẻ đủ cả. Bản thân anh chị lại là cán bộ công chức Nhà nước nên cuộc sống có vẻ nhẹ nhàng và dễ chịu hơn rất nhiều so với nhiều nhà khác. Ở nhà, anh chị luôn coi các con bình đẳng với bố mẹ, thế nên không bao giờ có chuyện bố mẹ nhất nhất đúng, còn con cái nhất nhất sai. Mọi sinh hoạt trong gia đình cũng thoải mái, mọi người có chuyện vui buồn đều kể cho nhau nghe.

Người ngoài nghe vậy sẽ cho rằng nhà anh chị sống với tư tưởng thật thoáng, thật Tây và có một giây phút nào đó cũng chợt mơ rằng nhà mình cũng có được cuộc sống như vậy. Nhưng liệu cuộc sống “thoáng” như vậy có nên chăng?
 
Bình thường, hai đứa con của anh chị Thái Thanh ngủ ở phòng riêng, vì nhà rộng nên anh chị sắp xếp cho mỗi con một phòng. Hàng ngày, cứ đến 10 giờ tối là các con tự giác về phòng ngủ, không cần phải chờ cha mẹ nhắc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhưng cũng có hôm chúng chơi trong phòng bố mẹ vui quá mà quên cả giờ ngủ, trong khi anh chị lại “có hẹn” cho một buổi tối lãng mạn. Thế là anh Thái chị Thanh tìm mọi cách để “lùa” các con về giường. Cũng có lần chúng về luôn, cũng có lần chúng chần chừ và cứ cố nằn nì để được ở lại chơi thêm lúc nữa. Mãi chẳng “đuổi” các con đi được, anh chị liền bảo con: “Cả hai đứa về phòng ngủ đi để bố mẹ còn ‘họp giao ban’ rất quan trọng nào. Không thể vắng mặt được đâu, chỉ có hai bố mẹ mới được họp thôi”. Chẳng biết “họp giao ban” là gì, nhưng chúng cũng cun cút về phòng.

Về sau, cứ mỗi lần muốn có không gian riêng tư là anh chị lại nói với con là “bố mẹ cần 'họp giao ban', các con không được làm phiền…”. Nhiều lần như vậy, hai đứa trẻ luôn thắc mắc và hỏi bố mẹ “họp giao ban” là gì nhưng đều bị bố mẹ từ chối trả lời, thế là chúng nằng nặc đòi xem bố mẹ chúng “họp giao ban” như thế nào rồi mới đi ngủ làm vợ chồng anh chị không thể cười nổi.

Nhà anh chị còn có thói quen tắm chung, cả nhà 4 người cả lớn cả bé, cả bố cả mẹ cả con cùng vào tắm cùng lúc. Nếu là từ khi hai đứa trẻ con bé chưa biết gì thì cùng cho vào tắm cùng bố mẹ cũng không sao, nhưng giờ đây, một đứa học lớp 2, một đứa học lớp 1 mà cả nhà anh chị vẫn tắm chung.

Nhớ có lần, cả nhà đang tắm, đứa con gái bảo: “Mẹ ơi, cái này của bố khác của mẹ con mình. Cái của bố gọi là gì hả mẹ?”. Để chống chế, anh chị nói với con đó là “con sâu của bố”. Thằng em thấy thế thì reo lên ra chiều thích thú: “A, con cũng có con sâu. Con sâu của bố to hơn con sâu của con”. Rồi ngay hôm sau, nó phải khoe điều này với ông bà nội khi ông bà đến chơi khiến cả hai vợ chồng anh chị mặt đỏ như gấc. Chúng còn bảo, thích tắm chung cùng cả nhà để “đọ con sâu”.

Chuyện tắm còn chẳng giữ ý thì đến chuyện thay đồ chỉ là chuyện nhỏ. Vì là nhà chung cư nên anh chị không câu nệ chuyện thay đồ ở đâu. Thế là, cứ tiện đâu anh chị thay đó vì nghĩ rằng nhà có mấy người với nhau chứ có người ngoài đâu mà lo. Anh chị thậm chí còn chẳng giữ ý khi thay đồ trước mặt con. Được cái, hai đứa trẻ không tỏ ra tò mò nhìn ngó nên anh chị thấy việc này cũng không có gì to tát lắm, không phải lo.

Nhưng rồi một lần, đến nhà một người bạn của anh chị chơi, chẳng may hai đứa trẻ con nghịch nước ướt hết quần áo khiến anh chị phải tìm quần áo khác thay cho con. Hai đứa cứ tự nhiên tụt hết đồ trước mặt bao người mà không ngại ngần gì. Đứa con của chủ nhà thấy thế liền trong mắt ngạc nhiên: “Sao các bạn lại thay đồ ở đây, phải vào phòng cho kín đáo và lịch sự chứ. Lớn rồi mà”. Câu nói của trẻ con nhưng lại làm anh chị giật mình, vì nghe như nó nói với anh chị thì đúng hơn.

Con cái càng lớn, càng có nhiều cái để mà dạy. Công cuộc dạy con là mọi lúc mọi nơi, chứ không phải đến lúc nào thì dạy cái gì. Mỗi nhà có một cách sinh hoạt, chia sẻ tâm tư tình cảm khác nhau. Cách thể hiện là một chuyện, điều quan trọng là phải kết nối được sợi dây tình cảm gia đình giữa cha mẹ và con. Nhưng điều này không có nghĩa là cha mẹ muốn làm gì cũng được vì nghĩ rằng con còn bé, chưa hiểu gì.

Con cái chúng ta ngày nay lớn nhanh và phát triển nhanh hơn thế hệ của cha ông chúng rất nhiều. Vậy nên chúng cũng ý thức được mọi việc rất sớm. Nếu muốn con phát triển đầy đủ cả về thể xác và nhân cách, chớ nên coi thường những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như trên.

Theo Afamily/MaskOnline