Kèm con học là sự giám sát vô nghĩa!

18/05/2011 01:00
Gia đình có thể nắm được lực học, đạo đức của con em mình thông qua điểm phẩy, lời nhận xét như “chăm chỉ, tập trung nghe giảng, có ý thức xây dựng bài…”

“Các em cần phải “học cách học” để biết cách sử dụng các bước của tư duy trong quá trình học, biết chọn lọc nội dung mà không phải dùng một kiểu ghi nhớ cho hiệu quả không cao” - Tiến sĩ Thụy Anh cho biết.

Để ghi nhớ nội dung bài học, có em nhất thiết phải đọc to bài học lên, có em lại cần dựa vào trí nhớ thị giác – nghĩa là phải dùng thẻ màu để ghi những điều cần nhớ, có em phải đi vòng vòng trong nhà trong khi suy nghĩ bài học… Nhiều em nhất thiết phải giơ tay phải khi nói đến khái niệm này và vung tay trái khi nói đến khái niệm kia. Thậm chí, có em lại có khả năng học trong tiếng tivi hay tiếng nhạc xập xình mà em khác lại phải được hoàn toàn yên tĩnh…

Học cách học


Tại Hội thảo “Học cách học” tại L’Espace (Hà Nội) ngày 16/5/2011, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con, cho biết: “Các em cần phải “học cách học” để biết cách sử dụng các bước của tư duy trong quá trình học, biết chọn lọc nội dung mà không phải dùng một kiểu ghi nhớ cho hiệu quả không cao”.

Cũng trong lời phát biểu của mình, Tiến sĩ đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về các trường hợp. Cụ thể như: “Một cậu bé lớp 2 ngồi làm bài tập về nhà là chép vào vở một bài đọc rất dài. Chép xong em cũng không biết bài em vừa chép nói về cái gì, nhưng thế là em đã hoàn thành bài tập. Rõ ràng, dù còn rất nhỏ, em đã cần có được một cách học, bằng không tất cả các hành vi học tập sau này của em sẽ rất vất vả mà không đưa lại hiệu quả.
 

 

Hiện giờ, ở trường phổ thông, phần lớn học sinh được học theo phương pháp: Em học sinh nghe giảng và chép bài giảng của thầy vào vở. Do khối lượng thông tin phải chuyển tải cho các em quá nhiều, thầy giáo không đủ thời gian để tiến hành bài giảng theo cách nào khác ngoài cách truyền thống là thầy nói, trò ghi. Mặc dù, rõ ràng rằng, những phương pháp như đặt vấn đề, quan sát, thống kê, phân tích, so sánh, khái quát… sẽ khiến cho trò không tiếp thu một cách thụ động… nhưng không phải trường nào, thầy nào cũng làm được. Một cách vô tình, các em bị tước mất khả năng tự đặt vấn đề mà chỉ biết cắm cúi tiếp nhận kiến thức, không có cả điều kiện nghi ngờ, tranh luận hay phản biện. “Đây rõ ràng là một cách học chưa đầy đủ” – Tiến sĩ Thụy Anh khẳng định.

Việc học phương pháp học, dù ở bất cứ độ tuổi nào, cũng giữ vai trò quan trọng quyết định cho chất lượng tiếp thu kiến thức. Đặc biệt trong điều kiện hoàn cảnh xã hội hiện nay, khi mà tri thức như “những cơn sóng thần đồ bộ ào ạt” còn khả năng con người thì có hạn. Và tri thức không chỉ ở trường học mới có, nó có thể được truyền tải thông qua mạng Internet, trên sách báo và nhiều phương tiện nghe nhìn khác… Yêu cầu đặt ra đối với mỗi người là đón nhận tri thức đúng nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm thời gian nhất.

Nếu không có phương pháp học hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng nhiều trẻ không còn hứng thú với việc học, bị cuốn vào những trò tiêu khiển và trở nên thụ động. Thậm chí có những trẻ đã học đến cấp 2 vẫn chưa biết thực hành phép tính cộng, các bài thi tốt nghiệp hay tuyển sinh Đại học thì có rất nhiều “sạn” vừa gây cười, vừa đầy chua xót.

Thay đổi hệ thống từ nội dung đến phương pháp

Cũng trong bài phát biểu của mình Tiến sỹ Nguyễn Thụy Anh cũng đề xuất ý tưởng về sự cần thiết phải thay đổi đồng bộ cả hệ thống nội dung và phương pháp. Tiến sỹ cho rằng: “Giáo viên nên được trao trách nhiệm trong việc tự soạn và quyết định đơn vị học, đưa kiến thức nào cho học sinh, nhất là phụ thuộc vào đối tượng khác nhau như trẻ miền núi, trẻ nông thôn và trẻ ở thành phố. Trẻ em ở thành phố tiếp cận những định nghĩa về nông thôn rất khó khăn vì vậy những kiến thức đưa vào sách giáo khoa giữa các vùng miền nên có sự phân biệt rạch ròi”.

Giáo viên từ bậc thấp nhất là mầm non phải thực sự là những người giỏi, có năng lực. Đồng thời, quyền lợi và vị thế của giáo viên cũng phải được tăng lên, từ đó tránh nhiệm của người thầy, người cô giáo đối với học sinh của mình cũng được đề cao hơn nữa. Hiện nay, rất nhiều trường mầm non tư thục không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu nhất cho sự phát triển của trẻ thậm chí dạy trẻ bằng những phương pháp hà khắc, thực hiện những hành vi bạo lực với những đứa trẻ chỉ mới vài chục tháng tuổi.

Nhà trường và gia đình chủ yếu trao đổi thông tin qua sổ liên lạc. Gia đình có thể nắm được lực học, đạo đức của con em mình thông qua điểm phẩy, lời nhận xét như “chăm chỉ, tập trung nghe giảng, có ý thức xây dựng bài…” nhưng liệu đây có là những nhận xét phản ánh đúng tình trạng học tập của trẻ?

Kiến thức nhà trường quá tải nhưng có cái thừa, có cái thiếu. Bố mẹ trở thành nguồn tri thức bổ sung. “Chúng ta cũng cần nói đến việc hướng dẫn học của các phụ huynh đối với con trẻ ở nhà mà bây giờ người ta cứ hay dùng một từ rất sai là từ “kèm”. “Kèm con học” – bản thân cụm từ đã phần nào nói lên sự giám sát một cách vô nghĩa và sự thúc đẩy việc học của con khiến con học một cách thụ động. Lẽ ra chúng ta nên dùng từ “hướng dẫn” hoặc từ gì đó tương tự để thấy rằng việc học của trẻ ở ngoài lớp học cũng cần có sự tiếp cận đúng cách, có phương pháp, bằng không - sẽ vừa không hiệu quả lại có thể gây hiệu ứng ngược, làm trì trệ quá trình tìm hiểu, luyện tập và ghi nhớ bài học của trẻ”.

Điều quan trọng nhất trong việc làm thế nào để giúp trẻ “Học cách học” có lẽ không nằm ở việc thay đổi hệ thống giáo dục mà quan trọng là làm thế nào để quan niệm của các phụ huynh và giáo viên về giáo dục/nuôi dạy trẻ là: “Lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, kiên nhẫn và yêu thương”.

Theo Phunutoday