Mẹ phải nghiêm khắc với con, bắt đầu từ tin nhắn 1.500 đồng

06/12/2011 15:21
Mẹ thở phào khi thấy con không nhắn tin yêu đương nhăng nhít hay xem hình sex. Nhưng mẹ lại thấy lo lắng khi con và bạn bè nhắn tin quá nhiều.
Mẹ ngồi bên phòng làm việc liên tục nghe tiếng tít tít từ phòng Minh Quân nên vọng sang: “Tập trung học bài con nhé!”. Quân đáp gọn lỏn: “Dạ, con đang học”.

Dường như cu cậu đang khúc khích cười với ai. Điện thoại của Quân chốc chốc lại vang lên nhưng âm thanh có vẻ nhỏ dần, mờ dần. Mẹ thử gọi điện thoại cho con trai, bản nhạc chờ chưa kịp reo thì Quân đã bắt máy. Xếp đống hồ sơ lại, mẹ đến gõ cửa phòng. Bất ngờ, Quân tung mền chạy đến bàn học. Thì ra, nãy giờ, Quân chui vào mền để bấm tin nhắn.

Mẹ hỏi lớn: “Sao, con đã thuộc bài hết chưa?”. Quân trả lời: “Dạ, gần thuộc”.

Nhìn ánh mắt của con, mẹ thấy hình như có gì đó không ổn. Nhắn tin tỏ tình, xem hình ảnh “đen”? Có thể lắm, bởi cu cậu đang tuổi tò mò. Mẹ kiểm tra điện thoại, vận dụng trí óc để giải mã ngôn ngữ của tuổi teen. Chỉ là chuyện Quân và các bạn hỏi nhau về ăn uống, tắm giặt, bình phẩm về kiểu tóc của cô giáo dạy văn… Nhiều tin nhắn chỉ duy nhất biểu tượng cái mặt cười méo xệch.
Mẹ thấy lo lắng khi con và bạn bè nhắn tin quá nhiều. Ảnh minh họa.
Mẹ thấy lo lắng khi con và bạn bè nhắn tin quá nhiều. Ảnh minh họa.
Mẹ thở phào khi thấy con không nhắn tin yêu đương nhăng nhít hay xem hình sex. Nhưng mẹ lại thấy lo lắng khi con và bạn bè nhắn tin quá nhiều. Cậu con trai nhe răng cười: “Mẹ lo gì, có tốn bao nhiêu tiền đâu. Nhóm bạn con xài điện thoại nội mạng, nhắn tin khuyến mãi, mỗi ngày chỉ tốn 1.500 đồng hà! Rẻ như bèo”.

Nhìn vẻ mặt “ta đây” của con, mẹ biết sẽ khá vất vả để nói cho con hiểu vấn đề không phải là tiền. Mẹ tạm giữ điện thoại và hứa sẽ gửi lại sau khi con học bài xong. Nửa khuya, con nhận điện thoại thì lượng tin nhắn đã đầy ắp. Và con đã thức khuya để hồi âm.

Sáng sớm, nhìn con uể oải bước vào cổng trường, mẹ thấy thương con và nhóm bạn của con. Cả bọn vừa là khách hàng, vừa là nạn nhân bất đắc dĩ của những chiêu khuyến mãi, cạnh tranh của các mạng viễn thông.

Có những việc tưởng chừng vô hại nhưng nếu sa đà thì sẽ hoài phí rất nhiều. Nghe mẹ kể lại chuyện thời bé ham chơi, con sụ mặt, nói lí nhí: “Biết rồi, ý mẹ là con phải hạn chế nhắn tin chứ gì?”. Mẹ xoa đầu con, nói: “Thay vì con chát chít vô bổ, con có thể dùng thời gian ấy để đọc một vài trang sách, học vài từ tiếng Anh, giúp mẹ quét sân, đọc truyện cổ tích cho em nghe hoặc cùng bạn giải bài toán khó”.

Dù nghe lời mẹ dạy, nhưng không đơn giản để con tự giác chuyển thú vui đang có thành nghĩa vụ phải học tập, lao động hay giúp đỡ người khác. Tiếc rằng khi mới mua cho con điện thoại, mẹ đã không nói với con về mặt lợi và hại; không cam kết chặt chẽ về mục đích sử dụng, giới hạn tiền cước, đặc biệt là thời gian mà con được phép sử dụng trong ngày.

Sẽ khó khăn khi thiết lập lại cho con về giới hạn ứng xử qua “dế yêu”, nhưng mẹ bắt đầu thực hiện ngay hôm nay. Mẹ nghiêm khắc đề nghị con lập thời gian biểu học, chơi, phụ giúp việc nhà sao cho nhịp nhàng, hài hòa.

Con có thể nhắn tin, gọi điện, chơi game một tiếng đồng hồ mỗi ngày sau khi học xong. Đang học bài hoặc làm việc nhà mà có cuộc gọi thì phải trả lời nhanh gọn hoặc hẹn lại lúc khác. Mỗi lần Quân vi phạm, sẽ bị phạt cắt giảm thời gian sử dụng điện thoại vào ngày hôm sau. Nếu vi phạm quá nhiều lần, mẹ sẽ thu lại điện thoại, không cho sử dụng nữa.

Biện pháp mạnh của mẹ đã dần hiệu quả với con và cả với chính mẹ (vì mẹ nhận ra rằng mình phải làm gương).

Theo phunuonline